Khai thác dữ liệu 'sạch' cho vay tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang hồi phục và sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Dự báo dựa trên một số yếu tố như sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, hỗ trợ từ hành lang pháp lý, sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ của các ngân hàng và công ty tài chính.

Ông có nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng?

Ông có nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng?

Tình hình cho vay tiêu dùng đã có những dấu hiệu khả quan hơn đầu năm. Nhiều báo cáo từ các công ty phân tích cho thấy cho vay tiêu dùng đang bước vào thời kỳ tăng trưởng mới. Điều này đến từ việc kinh tế đang hồi phục, tăng trưởng kinh tế khả quan kéo theo sức mua mở rộng, thu nhập của hộ gia đình tăng lên. Bên cạnh đó, mảng cho vay tiêu dùng cũng được hỗ trợ từ hành lang pháp lý rộng mở hơn. Từ 1/7/2024, Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi một số quy định về hoạt động cho vay vốn ngân hàng tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực cho phép khách hàng vay khoản nhỏ dưới 100 triệu đồng mà không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Khách hàng chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp và đảm bảo khả năng trả nợ là có thể được giải ngân. Đây cũng là một cú hích để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng thời gian tới. Để hút khách, các ngân hàng và công ty tài chính buộc phải tạo ra nhiều sản phẩm mới với nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng. Qua đó, khuyến khích người dân mạnh dạn vay tiêu dùng nhiều hơn.

Việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế tiêu dùng nội địa trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức mua trong nước mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp dịch vụ và bán lẻ phát triển mạnh mẽ.

Đối với các ngân hàng, cho vay cá nhân mở ra cơ hội tăng trưởng hấp dẫn trong dài hạn với mức sinh lời cải thiện và cũng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, “tín dụng đen” của người dân.

Mặc dù tín dụng tiêu dùng đã có sự cải thiện nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa để các ngân hàng, tổ chức tài chính khai thác.

Theo ông, trong thời gian tới, cần có những giải pháp gì để phát triển cho vay tiêu dùng?

Thực tế, hoạt động tín dụng tiêu dùng vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất ngoài vấn đề sức cầu đó là khả năng thu hồi nợ. Do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, còn chồng chéo nên khi khách hàng bùng nợ các công ty tài chính gặp muôn vàn khó khăn trong việc thu hồi nợ. Để giải quyết nút thắt này, việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng, công ty tài chính trong chấm điểm tín dụng với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Trong thời gian tới, các ngân hàng, công ty tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc khai thác dữ liệu “sạch” nhằm thúc đẩy tín dụng tiêu dùng.

Ngoài ra, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Đẩy mạnh truyền thông để người dân nhận thức được những ưu điểm và thuận lợi khi sử dụng dịch vụ từ các công ty tài chính, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Hiện tại, cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đang rất rộng mở, thị trường 100 triệu dân là một mảnh đất tiềm năng và màu mỡ để các công ty tài chính, ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khai-thac-du-lieu-sach-cho-vay-tieu-dung-158042.html
Zalo