Tín dụng hỗ trợ tích cực cho lâm, thủy sản
Xuất khẩu các sản phẩm lâm, thủy sản cả năm 2024 của Việt Nam dự báo có thể đạt 61 tỷ USD, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 9 tháng năm 2024 tỷ lệ xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 13,9 tỷ USD, chiếm 67% của cả nền kinh tế.
Lĩnh vực lâm, thủy sản từ xưa đến nay luôn là một cứu cánh cho nền kinh tế khi nền kinh tế gặp khó khăn, Chính phủ cũng xác định đây là lĩnh vực trọng tâm phát triển ưu tiên nên đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như với chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay cũng xây dựng chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì lĩnh vực lâm, thủy sản đều thuộc diện ưu tiên này.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực nuôi, trồng, chế biến thủy sản, NHNN Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tham gia chương trình tín dụng dành cho vay lĩnh vực lâm, thủy sản với lãi suất thấp hơn từ 1%-2% so với lãi suất thị trường. Đầu năm 2024 gói tín dụng được xây dựng 15.000 tỷ đồng, đến tháng 9 năm nay đã giải ngân vượt mục tiêu lên đến 36.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại vừa nâng gói tín dụng này lên 60.000 tỷ đồng để tiếp tục cho vay trong thời gian tiếp theo.
Các tỉnh, thành phố phía Nam đóng góp quan trọng vào hoạt động xuất khẩu hàng hóa lâm, thủy sản có khả năng hấp thụ vốn ngân hàng của gói 60.000 tỷ đồng tăng rất nhanh.
Ông Đỗ Trọng Thảo, Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản trên địa bàn đạt 14.596 tỷ đồng, trong đó dư nợ gói tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản đạt 4.274 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến cuối tháng 9/2024, doanh số giải ngân từ gói tín dụng lâm thủy sản đạt 4.863 tỷ đồng với dư nợ 1.529 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực thủy sản có doanh số giải ngân đạt 4.141 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.437 tỷ đồng; lĩnh vực lâm sản có doanh số giải ngân đạt 722 tỷ đồng, với dư nợ đạt 92 tỷ đồng.
Tại Cần Thơ, các tổ chức tín dụng cam kết cho vay theo gói hỗ trợ thủy sản lên đến 3.700 tỷ đồng với dư nợ 136 tỷ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh doanh số giải ngân gói tín dụng này đạt trên 3.020 tỷ đồng, với 2.021 khách hàng tiếp cận nguồn vốn từ gói tín dụng lâm thủy sản. Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, gói tín dụng lâm thủy sản đi vào đời sống sản xuất kinh doanh rất hiệu quả. Số lượng lớn người dân các xã ven biển Cần Giờ nuôi trồng thủy sản có vốn kịp thời xuống giống, mua thức ăn thủy sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển góp phần hỗ trợ đời sống dân sinh.
Các chuyên gia cho rằng, cho vay lĩnh vực lâm thủy sản cũng được các ngân hàng thương mại quan tâm do thời gian qua xuất khẩu sản phẩm thủy sản tăng trưởng khá tốt. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trong tháng 9/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thủy sản là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong đời sống, nếu kinh tế khó khăn thì nhu cầu chỉ sụt giảm chút chứ không dừng hẳn.
Tuy nhiên, để nguồn vốn cho vay lâm thủy sản hơn nữa cần sự phối hợp của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho rằng, vai trò của hiệp hội ngành hàng rất quan trọng để ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nuôi trồng và chế biến hàng hóa xuất khẩu. Từ đó, ngân hàng góp phần vào giữ vững vị thế tăng trưởng xuất khẩu và gia tăng thặng dư thương mại trong các nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Theo đó, hiện nay có những ngân hàng cho vay thấp hơn lãi suất huy động, như Agribank có sản phẩm cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp lãi suất từ 2,6%/năm. Techcombank cho vay vốn và đang cung cấp các sản phẩm thanh toán quốc tế cho nhà xuất nhập khẩu trong 3 tháng cuối năm góp phần thúc đẩy xuất khẩu về đích… Doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp có thể sử dụng khép kín các dịch vụ thanh toán, bảo lãnh, quản lý dòng tiền… của ngân hàng.