Vay vốn tạo việc làm sẽ rộng mở hơn
Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ bổ sung thêm nhiều người được vay vốn chính sách của Chính phủ ra nước ngoài lao động. Song song đó, các NHTM cũng đang gia tăng hợp tác với doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm cho vay đối với người có nhu cầu xuất khẩu lao động.
Thêm nhiều trường hợp được vay vốn
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cuối tháng 9/2024, hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, cơ bản nhất trí với dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong đó, các quy định sửa đổi, bổ sung người được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được giữ lại hầu như toàn bộ theo đề xuất của ban soạn thảo.
Cụ thể, ngoài 5 nhóm lao động đã được quy định trong Luật Việc làm 2013; dự thảo Luật mới bổ sung thêm, bao gồm: người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng…
Theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, việc mở rộng người thuộc diện vay vốn ưu đãi ra nước ngoài lao động sẽ giúp mở rộng tín dụng giải quyết việc làm, từ đó tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tăng trưởng mạnh hơn trong các năm tới. Việc bổ sung thêm nhiều người được hưởng tín dụng chính sách trong tạo lập việc làm cũng “trám” vào lỗ hổng pháp lý của Luật Việc làm hiện hành, giúp tín dụng chính sách phủ rộng hơn đối với thực tế nhu cầu tài chính của người lao động tại các địa phương.
Theo những tổng kết thi hành Luật Việc làm 2013, số lượng người lao động tiếp cận được các khoản vay ưu đãi để đi làm việc tại nước ngoài còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Từ 2017 đến nay cả nước mới hỗ trợ được gần 1.800 lao động vay vốn ra nước ngoài lao động.
Theo đánh giá các cơ sở đào tạo có liên kết với nước ngoài, nhu cầu vay vốn để đi xuất khẩu lao động hiện nay rất lớn. Người lao động đủ điều kiện có thể vay từ 100 triệu đồng trở lên từ NHCSXH. Tuy nhiên, việc giải ngân cho vay chỉ thực hiện được khi đã có hợp đồng lao động ở nước ngoài. Vì thế, trong thời gian đào tạo nghề và học ngoại ngữ nhiều người lao động có nhu cầu vay tạm ứng 20-40 triệu đồng nhưng chưa tiếp cận được vốn tín dụng chính sách.
Mở rộng hợp tác cho vay có bảo lãnh
Tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo NHCSXH chi nhánh, tính đến 30/6/2024 tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt 8.664 tỷ đồng và dư nợ cho vay 8.466 tỷ đồng, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm tăng 3,8 lần so với năm 2019. Cho vay giải quyết việc làm là chương trình có tổng dư nợ tín dụng cao nhất chiếm 73,8% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, với trên 383 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của Luật Việc làm, chủ yếu liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, với các quy định về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay vốn tại NHCSXH. Cụ thể, cho vay hỗ trợ trực tiếp tạo việc làm gắn với chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Tuy nhiên, với vai trò cho vay các chương trình dự án thì việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tạo việc làm phát triển thị trường lao động, đóng góp của ngành Ngân hàng lớn hơn. Gián tiếp thông qua hoạt động tín dụng ngân hàng đáp ứng vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để tăng hiệu quả của chính sách hỗ trợ vốn cho người ra nước ngoài lao động, NHCSXH nên nghiên cứu cơ chế cấp tín dụng thông qua hợp tác với doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ đề xuất và bảo lãnh các khoản vay từ ngân hàng. Nếu người lao động hoàn thành khóa học và được ký hợp đồng đi nước ngoài làm việc thì khoản nợ được chuyển từ doanh nghiệp sang người lao động tự hoàn trả. Trường hợp người lao động không đạt tiêu chuẩn đi nước ngoài, doanh nghiệp hoàn trả khoản vay cho ngân hàng.
Mặc dù NHCSXH chưa có cơ chế để triển khai mô hình vay vốn có doanh nghiệp bảo lãnh như trên, tuy nhiên một số NHTM đã chủ động triển khai các mô hình tương tự và ghi nhận kết quả khá tích cực.
Theo Esuhai Group - một đơn vị trong những năm qua hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi lao động Nhật Bản, thời gian qua đã xuất khẩu lao động thành công cho khoảng 17.000 lao động tại 13 tỉnh thành phố. Doanh nghiệp hợp tác với Agribank, VietinBank, ACB để hỗ trợ người lao động làm hồ sơ vay vốn từ 50-100% chi phí đi xuất khẩu lao động. Esuhai Group cũng hỗ trợ vay vốn cho người lao động được 200 triệu Yên từ JICA (thông qua ACB).
VPBank mới đây hợp tác với Tập đoàn Cen Group đưa gói tín dụng hỗ trợ đào tạo cho học viên Cen Academy, tạo điều kiện cho người lao động “Đi Nhật trước - Trả tiền sau”. Đại diện ngân hàng này cho biết, sẽ cung cấp gói hỗ trợ tài chính không tài sản đảm bảo và áp dụng lãi suất 0% trong vòng 12 tháng. Học viên của Cen Academy chỉ cần đóng một khoản chi phí cho việc đào tạo ngôn ngữ và kỹ năng ở Việt Nam, phần còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ thông qua phương thức thẻ tín dụng chuyển đổi trả góp.
Luật Việc làm (sửa đổi) được ban hành dự kiến vào tháng 5/2025 sẽ tạo nhiều cơ hội cho các tổ chức tín dụng tham gia.