Tín dụng chính sách tiếp sức những ý tưởng phát triển kinh tế
Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm đã tác động tích cực đến việc sử dụng lao động nông nhàn, thay đổi tập quán làm ăn, cải thiện đời sống của người dân tỉnh Sơn La.
Mùa A Chạnh (người Mông, sinh năm 1995, ở bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La) cho biết, đại gia đình anh từng được tham gia khóa tập huấn của GREAT (Dự án Bình đẳng giới do Chính phủ Australia tài trợ cho tỉnh Sơn La) về cách thức vận hành dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng homestay. Sau đó, nhận thấy có thể dựa vào phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thung lũng xanh rì là cánh đồng ngô, sắn, hoa cải, hoa mận, hoa đào… theo mùa của địa phương, nên họ quyết định tham gia phát triển du lịch cộng đồng để phần nào cải thiện đời sống.
“Khó khăn đầu tiên và lớn nhất để ý tưởng thành hiện thực vốn đầu tư ở đâu? Bên cạnh sự hỗ trợ từ anh em, bạn bè, chúng tôi may mắn được xem xét, bình chọn, chấp thuận, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nên đại gia đình có động lực để tiến lên”, con trai của chủ Homestay Mùa A Nhà nói.
Được biết, ông Mùa A Nhà đứng tên khoản vay 100 triệu đồng hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2020. Thông thường, khoản vay này có lãi suất 7,92%/năm, nhưng do thuộc nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, nên ông được hưởng lãi suất giảm 50%, còn 3,96%/năm.
“Phòng nhỏ được cho thuê với giá 400.000/ngày, phòng to là 600.000/ngày, còn nhà cộng động thì 150.000/người/ngày. Thời điểm đại dịch Covid-19 thì ít khách, nhưng lượng khách đang tăng dần tạo thêm nguồn thu nhập cho đại gia đình tôi, bên cạnh làm nông”, Mùa A Chạnh nói.
Cũng ổn định kinh tế, cuộc sống ngày càng được cải thiện nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Mè Văn Hợp (sinh năm 1983 tại bản Ba Nhất, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho biết, được sự cho phép của chính quyền địa phương về hỗ trợ người dân bản địa tận dụng địa hình tự nhiên nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, trên cơ sở vốn tự có, anh đã triển khai 4 lồng cá. Công việc thuận lợi, nên năm 2018, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển thêm 8 lồng cá, chủ yếu là cá rô, chép, lăng, trắm cỏ.
“Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về 70 - 80 triệu đồng/năm, nhưng quan trọng là khoản vay với Ngân hàng Chính sách xã hội có lãi suất 7,92%/năm (0,66%/tháng), lãi phải trả vào ngày 13 hàng tháng khá nhẹ nhàng, khoảng 300.000 đồng, khiến tôi không phải quá lo lắng về khoản vay, mà chỉ tập trung công sức vào nuôi cá”, anh Mè Văn Hợp nói.
Về kết quả thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương từ đầu năm đến ngày 30/6/2023, ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La cho biết, doanh số cho vay là 46.268 triệu đồng, doanh số thu nợ 20.952 triệu đồng. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2023 là 192.293 triệu đồng, tăng 25.315 triệu đồng so với cuối năm 2022, đạt 99% kế hoạch (trong đó dư nợ nguồn vốn ngân sách tỉnh 131.833 triệu đồng, dư nợ nguồn vốn ngân sách huyện 60.460 triệu đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện đã thực hiện cho vay 820 lượt khách hàng, tạo việc làm cho 820 lao động. Đến ngày 30/6/2023, có 3.954 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 48,6 triệu đồng/hộ.
Với nguồn vốn vay được các hộ đầu tư trồng cây ăn quả 15.300 triệu đồng; phát triển trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm 24.220 triệu đồng; kinh doanh, mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất và hoạt động dịch vụ khác 6.748 triệu đồng. Đời sống của người dân được cải thiện rất rõ rệt, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, ổn định xã hội.
“Chương trình cho vay giải quyết việc làm hàng năm đã tạo điều kiện cho hơn 1.000 lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, đời sống gia đình từng bước được cải thiện. Vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm đã tác động tích cực đến việc sử dụng lao động nông nhàn, thay đổi tập quán làm ăn, cải thiện đời sống và quan trọng hơn là người dân không sa ngã vào các tệ nạn xã hội…”, ông Trường nói.
Được biết, bản Tà Số 1 có 132 hộ dân thì có 6 hộ triển khai dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng homestay. Hướng tầm nhìn về phía triền đồi xanh mát trước hiên nhà, Mùa A Chạnh nói: “Tôi mong sẽ có thêm hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mang đến nhiều lựa chọn cho du khách, nhằm phát triển kinh tế địa phương”.