Giới làm nghề khẩn thiết xin không tăng thuế mảng điện ảnh
Hàng loạt các công ty phát hành phim, sản xuất phim kiến nghị việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong dự thảo luật thuế giá trị gia tăng.
Văn bản đã được các đạo diễn, nhà sản xuất, những người hoạt động trong giới điện ảnh đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook. Trong đó, hashtag "KhongTangThueDienAnh" cũng được lan tỏa để tăng thêm độ "viral" thông tin.
Trong văn bản gửi đến Quốc hội và chính phủ, các doanh nghiệp nêu việc Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng Chính phủ trình Quốc hội và dự kiến thông qua vào cuối tháng 11-2024 có đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh nói riêng, văn hóa nói chung.
"Chúng tôi cho rằng, đề xuất này không hợp lý vì những lý do sau: Thứ nhất, lĩnh vực điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh không xin Nhà nước đầu tư về tài chính, không xin đầu tư về cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp một cách ổn định, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…" - văn bản có đoạn viết.
Các doanh nghiệp cho biết họ xin cơ chế về thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Nếu Nhà nước không thể giảm thuế thì mong đừng tăng thêm thuế cho người dân khi thụ hưởng các giá trị điện ảnh do các doanh nghiệp phục vụ. Có như thế, các khoản thuế giá trị gia tăng sẽ không làm cho giá dịch vụ tăng thêm cho công chúng.
Đại dịch COVID -19 xảy ra đầu năm 2020 và kéo dài suốt hơn 2 năm đã làm nền kinh tế nói chung cũng như ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng bị suy thoái nghiêm trọng. Các doanh nghiệp điện ảnh bắt đầu hoạt động lại từ năm 2023 với hy vọng có cơ hội phục hồi vào những năm 2024 và 2025. Tốc độ phục hồi của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ gần bằng với năm 2019 và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngành điện ảnh chỉ có thể phục hồi được khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành bằng các chính sách thiết thực, đặc biệt là chính sách thuế.
"Chúng tôi tin rằng trong bối cảnh này khi nền điện ảnh Việt Nam đang đối diện với những khó khăn và đang chuyển mình để phát triển cùng với các chính sách đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đề ra, chính sách thuế nên "khoan thư sức dân" để người dân có cơ hội sử dụng các dịch vụ văn hóa chất lượng cao, doanh nghiệp có cơ hội phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Thuế suất thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay)" - các doanh nghiệp điện ảnh Việt kiến nghị.
Nhà sản xuất phim Trinh Hoan đăng tải văn bản kèm theo hashtag và nhận định: "Hai hôm nay tôi rất lo lắng với thông tin Quốc hội xem xét việc tăng thuế đối với ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Nếu Quốc hội thông qua thì ngành sản xuất phim vốn đã quá nhiều rủi ro sẽ càng khó khăn".
Đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa viết: "Với vai trò là một nhà sản xuất phim, khi tôi gặp bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào để gọi vốn cho các dự án, họ cũng đều nói với tôi đầu tư phim là mục đầu tư mạo hiểm. Thật chất họ đầu tư vào đây phần nhiều là vì sở thích cá nhân và muốn giúp cho người làm phim như tôi...".
Đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh trải lòng bằng tâm thư dài, có đoạn: "Thực tế là phim nội địa ngoài vài phim thắng đậm phòng vé của đạo diễn Trấn Thành, đạo diễn Lý Hải, thì các phim còn lại vẫn còn chật vật để hòa vốn.
Từ những phim nghệ thuật được giải cao ở các Liên hoan phim quốc tế như "Bên trong tổ kén vàng", cho đến những phim thương mại được đầu tư chất lượng, được các nhà phê bình và khán giả đánh giá cao như "Ngày xưa có một chuyện tình" vẫn gặp khó khăn trong việc hòa vốn ở thị trường trong nước. Việc đánh thuế cao chỉ khiến cho những nhà làm phim muốn đầu tư trau chuốt càng e ngại hơn, dẫn đến việc càng khó thúc đẩy cho sự đa dạng phong phú của điện ảnh Việt".