Tín dụng chính sách tạo sức bật giảm nghèo
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành động lực giúp hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn này, nhiều gia đình thoát nghèo, mở ra tương lai tươi sáng.
Hành trình vượt khó vươn lên
Từng là hộ nghèo, gia đình chị Đàng Thị Phi Yến dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong nay đã có cuộc sống ổn định, các con trưởng thành, có việc làm nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Biến cố ập đến năm 2015 khi chồng chị qua đời vì tai nạn giao thông, để lại 4 đứa con thơ. Một mình gánh vác gia đình, chị Yến chới với giữa khó khăn: Không việc làm, không thu nhập, nhà cửa tạm bợ. “Có lúc tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi chìm trong bóng tối, không biết tương lai của các con sẽ đi về đâu”, chị nhớ lại. Trong lúc bế tắc, chị được Chi hội Phụ nữ thôn và Tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) hỗ trợ tiếp cận nguồn vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tuy Phong. Chị quyết định đầu tư mua bò giống, vừa chăn nuôi vừa làm thuê. Nhờ sự kiên trì, đàn bò từ 2 con ban đầu đã phát triển ổn định lên 7 con.
![Chị Yến chăm sóc bò giống.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_416_35216128/03d01d632d2dc4739d3c.jpg)
Chị Yến chăm sóc bò giống.
Không chỉ thoát nghèo, chị Yến còn được vay thêm 140 triệu đồng từ chương trình tín dụng học sinh - sinh viên để lo cho các con ăn học. Nhờ sự động viên của mẹ, 2 con lớn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định và phụ giúp gia đình. Khi có thu nhập, các con chị dành dụm tiền xây nhà mới, giúp gia đình thoát khỏi cảnh sống trong căn lều tranh xập xệ ngày nào. Tiếp tục mở rộng sinh kế, chị được vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Số tiền này giúp chị phát triển chăn nuôi, cải thiện chuồng trại, trồng cỏ làm thức ăn cho bò và tận dụng phân bón hữu cơ để tăng thu nhập. Giờ đây, cuộc sống gia đình chị đã đổi thay. Không chỉ trả hết nợ vay, chị còn tích lũy, gửi tiết kiệm tại NHCSXH huyện. “Những đồng vốn chính sách như chiếc phao cứu sinh kéo mẹ con tôi ra khỏi nghèo khó. Tôi biết ơn NHCSXH, hội phụ nữ và Tổ TK&VV đã giúp tôi có được ngày hôm nay”, chị Yến xúc động chia sẻ.
![Vốn tín dụng chính sách giúp hộ khó khăn đầu tư phát triển sản xuất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_416_35216128/85e0cf53ff1d16434f0c.jpg)
Vốn tín dụng chính sách giúp hộ khó khăn đầu tư phát triển sản xuất.
Nguồn lực quan trọng trong giảm nghèo
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trở thành nguồn lực quan trọng giúp cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Tính đến 31/12/2024, tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 5.367 tỷ đồng, hỗ trợ 119.200 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ nguồn vốn này, trong năm 2024 có hơn 6.400 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình có cơ hội thoát nghèo, trên 10.000 lao động có việc làm ổn định, hơn 6.000 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục con đường học tập. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn giúp xây dựng trên 39.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hỗ trợ mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới nhà để ở cho 48 đối tượng có thu nhập thấp, hỗ trợ cho 119 hộ nghèo DTTS vay vốn xây dựng nhà để ở. Đặc biệt, chương trình còn tạo điều kiện cho 62 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để làm lại cuộc đời, ổn định sinh kế.
![Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_416_35216128/8053d8e0e8ae01f058bf.jpg)
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã
Theo bà Võ Thị Minh Thảo – Giám đốc NHCSXH tỉnh, trong năm 2025, đơn vị sẽ bám sát các mục tiêu và giải pháp của NHCSXH Trung ương và UBND tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hướng đến giảm nghèo bền vững. NHCSXH tỉnh phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đảm bảo giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39 ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Chỉ thị này nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo trình UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, đảm bảo nguồn vốn này chiếm tối thiểu 15 - 20% mức tăng trưởng tín dụng hằng năm. Mục tiêu đến năm 2030, vốn ngân sách địa phương ủy thác phải đạt ít nhất 15% tổng nguồn vốn của NHCSXH, góp phần mở rộng phạm vi và hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách.