DPM được tăng vốn thêm 2.886 tỷ lên 6.800 tỷ đồng
DPM được tăng vốn điều lệ thêm 2.886 tỷ đồng, lên mức 6.800 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển.
Ngày 23/1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, HOSE: DPM).
Theo đó, DPM được tăng vốn điều lệ thêm 2.886 tỷ đồng, lên mức 6.800 tỷ đồng. Nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển. Thời gian thực hiện trong năm 2025.
PVN giao người đại diện phần vốn tại DPM tổ chức triển khai phương án tăng vốn đã được thông qua; Quản lý và sử dụng vốn đầu tư vào các dự án đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của DPM.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng phương án xử lý phần chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ theo các quy định hiện hành và ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại các văn bản chấp thuận báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo giám sát tài chính định kỳ của PVN (lưu ý nguồn Quỹ đầu tư phát triển còn lại, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối), ưu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt đối với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế để đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và lợi ích của PVN tại DPM...
Trước đó, hồi tháng 12/2024, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã thông qua chủ trương về tăng vốn điều lệ của DPM để HĐTV PVN quyết định phương án tăng vốn này.
Việc xác định nhu cầu, mức vốn điều lệ đến hết năm 2025 của DPM đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của DPM. Trong đó, nhu cầu điều chỉnh mức tăng vốn điều lệ để đầu tư phát triển được xác định tương ứng với nguồn vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển ghi trong dự án đầu tư hình thành tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh thuộc ngành nghề kinh doanh chính và phục vụ trực tiếp ngành kinh doanh chính đã hoàn thành đầu tư và các dự án đã được phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư, thuộc danh mục dự án đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2-25 đã được HĐTV PVN chấp thuận; Nhu cầu, mức vốn điều chỉnh tăng vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doảm đảm bảo đáp ứng tăng quy mô doanh thu dự kiến đến năm 2025 so với năm 2023.
![Sản phẩm của DPM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_522_51464629/abc5168c26c2cf9c96d3.jpg)
Sản phẩm của DPM
Tại thời điểm cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của DPM lên tới gần 11.236 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 3.914 tỷ đồng, Quỹ đầu tư phát triển chiếm 4.599 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.526 tỷ đồng.
DPM ghi nhận gần 16.531 tỷ đồng tổng tài sản cuối năm 2024, tăng 24,2% so đầu kỳ.
Về kết quả kinh doanh trong năm 2024, ông lớn phân bón Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.496 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 610,4 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,1% lên mức 14,1% là nhờ sản lượng kinh doanh ure đạt 898 nghìn tấn (tăng 2% so cùng kỳ); Giá khí đầu vào ước giảm 2% nhờ tỷ trọng nguồn khí giá rẻ tăng do nhu cầu nhà máy điện khí giảm; Biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh sản phẩm nhập khẩu cải thiện lên 2,9%.
Cho năm 2025, DPM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.876 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 410 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức là 15% là tạm tính trên cơ sở giá khí giả định cho sản xuất Đạm Phú Mỹ. Giá khí/giá cước phí vận chuyển khí cho sản xuất Đạm Phú Mỹ năm 2025 sẽ được chính xác hóa sau khi được phê duyệt.
Chứng khoán ACBS ước tính DPM sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 170 tỷ đồng trong 2025 và 350 tỷ đồng trong 2026. ACBS dự phóng giá dầu trung bình giảm 9,3% xuống 73USD/thùng trong 2025, và kỳ vọng giá khí sẽ giảm 4%, ít hơn so với mức giảm giá dầu do nguồn cung khí giá rẻ giảm dần và huy động điện khí dự kiến tăng. Tuy nhiên, giá bán ure trung bình 2025 ước giảm 2% vì nguồn cung ure dự kiến sẽ tăng trở lại.