Tín dụng chính sách ở cù lao - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bài 2)
Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn đối với những hộ gia đình nghèo và cho vay giúp người dân cải tạo sinh kế; những năm vừa qua NHCSXH An Giang cũng là nhà tài trợ vốn đắc lực cho xã Mỹ Hòa Hưng xây dựng thành công nhiều mô hình du lịch sinh thái, phát triển các làng nghề, sản phẩm OCOP đặc thù chỉ có ở xứ cù lao sông nước.
Bài 2: Cái nôi ươm mầm những OCOP khởi nghiệp
Đồng hành với cây con đặc sản
Dẫn chúng tôi đến thăm Khu du lịch sinh thái Vườn Sơ ri Tuấn tại Ấp Mỹ An 2, anh Trương Định An, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh An Giang cho biết, cơ ngơi hơn 9.000 m2 của chàng trai trẻ đất cồn này có được như ngày hôm nay là cũng nhờ một phần đóng góp đáng kể từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Chủ nhân khu du lịch là anh Hồ Quốc Tuấn (43 tuổi) – người đã từng đạt giải thưởng Lương Định Của dành cho những tấm gương thanh niên nông thôn khởi nghiệp xuất sắc nhất trên địa bàn cả nước.
Anh Tuấn chia sẻ rằng, nhiều năm về trước anh trăn trở không biết nên trồng cây gì trên đất cồn thường xuyên ngập nước để có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Trong những lần đi làm ăn xa tại tỉnh Sóc Trăng, anh mày mò học hỏi kinh nghiệm trồng cây sơ ri Tầm Phao của bà con người dân tộc Kh’mer và đánh liều mua vài chục gốc cây giống về trồng thử nghiệm tại cù lao Ông Hổ.
Để có kiến thức về cây trồng, anh Tuấn phải tự mày mò sách vở, tài liệu, tự mình tìm ra cách trồng, chăm sóc và nhân giống những cây sơ ri đầu tiên trên đất cù lao. Tuy nhiên, khi vườn cây đã bắt đầu phát triển mạnh lại không ra trái hoặc năng suất, chất lượng trái sơ ri không như mong đợi. Anh Tuấn lại phải “xoay trần” mò thêm tài liệu, quyết tâm “ăn ngủ” với từng gốc cây để tìm cho được giải pháp điều khiển sinh trưởng của loại trái cây đặc sản này.
Trời không phụ công những con người cần mẫn và ham học hỏi. Sau nhiều năm vật lộn thử nghiệm trên vườn sơ ri, anh Tuấn đã thành công gầy dựng 4.000 m2 với vài trăm gốc cây lớn, sai trĩu quả. Không chỉ vậy, anh tự tin có thể “bắt” cây sơ ri ra trái liên tục quanh năm và lai tạo thành công giống sơ ri mới từ các gốc sơ ri Tầm Phao, tạo nên thương hiệu đặc sản “sơ ri cù lao Ông Hổ” quả có dạng tròn đầy, không có khía, dày thịt và hạt nhỏ…
Những tưởng mọi thứ đã bắt đầu tốt đẹp chỉ chờ gặt hái thành quả thì năm 2011, “sao quả tạ rơi trúng đầu” anh Tuấn và bà con xã Mỹ Hòa Hưng. Trận lũ lịch sử với đỉnh lũ cao nhất trong vòng 10 năm đã cuốn tất cả vườn sơ ri của anh vào biển nước đục ngàu của dòng sông Hậu.
Chẳng ai nghĩ anh Tuấn có thể vực dậy sau lần thiên tai đó. Nhưng khi anh thăm lại “đám hoang tàn sau lũ” vẫn còn một số cây sơ ri đâm trồi trở lại. Vì thế anh đã hạ quyết tâm sẽ khôi phục lại nhà vườn. Rất may cho anh Tuấn, thời điểm đó NHCSXH tỉnh An Giang đã kịp thời tài trợ vốn vay để anh nâng cấp bờ bao, đầu tư dựng lại vườn sơ ri và phát triển quy mô thành khu du lịch sinh thái vừa kết hợp ẩm thực dân dã vừa tham quan vườn cây, hồ sen và các trải nghiệm nông dân cho du khách trong và ngoài nước.
“Thành công dựng lại vườn cây rồi, tôi bắt đầu nghĩ đến cách làm rượu từ trái sơ ri. Mình mở ra mô hình du lịch nhà vườn thì cũng cần có loại rượu đặc sản để du khách tham quan họ thưởng thức” – anh Tuấn chia sẻ.
Nói là làm, anh Tuấn cất công lên TP. Hồ Chí Minh tìm học nghiệp vụ pha chế và sáng tạo công thức sản xuất rượu và siro từ trái sơ ri. Anh cho biết, đến hiện nay, những mẻ rượu và siro đầu tiên đều đã thành công được gửi đi test chất lượng đạt chuẩn. Hiện Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng và TP. Long Xuyên cũng đã đề xuất làm hồ sơ để xây dựng các sản phẩm này thành thương hiệu OCOP của địa phương.
Riêng về nguồn vốn đầu tư, anh Trương Định An cho biết, NHCSXH tỉnh An Giang sẽ tiếp tục cho mô hình của anh Tuấn vay tối đa thêm khoảng 150 triệu đồng nữa. Hiện anh Tuấn cũng đã liên hệ với Agribank để có thể vay thêm vài trăm triệu đồng, quyết tâm làm tới cùng mô hình OCOP để tri ân những nghĩa tình quê hương xứ cù lao.
Góp lửa khôi phục những làng nghề truyền thống
Cũng tương tự như mô hình khởi nghiệp của anh Hồ Quốc Tuấn, tại Ấp Mỹ Long 2, hiện nay mô hình sản xuất sa tế ớt của chị Nguyễn Thị Thái Huyền cũng đã được TP. Long Xuyên công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và được Liên hiệp hội Phụ nữ của xã đề xuất NHCSXH tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô và tiếp thị sản phẩm.
Chị Thái Huyền cho biết, sau nhiều năm gầy dựng, hiện nay thương hiệu Sa tế Thái Hòa của chị đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới nếu được chính quyền, các đoàn hội và ngân hàng hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị công nghiệp và đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu trồng ớt, xả thì Sa tế Thái Hòa sẽ tăng quy mô sản xuất, và đầu tư vào hệ thống phân phối để bán sản phẩm trong vùng, thậm chí có thể xuất khẩu.
Chị Trương Thị Ngọc Hân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Phụ nữ xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, ngoài Sa tế Thái Hòa, và rượu, mật sơ ri, hiện nay địa phương cũng đang xây dựng hồ sơ công nhận sản phẩm “khô cá điêu hồng” để trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá heo nước ngọt thương phẩm, mô hình trồng nho trên đất cát, hiện cũng được đánh giá là có thể nhân rộng, nhiều khả năng phát triển.
“Đây hầu hết là các mô hình đi lên từ phong trào thanh niên, phụ nữ nông thôn khởi nghiệp nên rất được NHCSXH tỉnh An Giang quan tâm, hỗ trợ vốn ban đầu, tạo ra những hạt nhân để phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương” – chị Hân cho biết.
Riêng đối với việc phát triển, khôi phục các làng nghề truyền thống Phạm Thị Thúy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, hiện nay nghề làm nhang và trồng ớt và cây hoa kiểng ở cù lao Ông Hổ phát triển khá mạnh. Nhiều hộ gia đình kết hợp mở ra cơ sở làm nhang thủ công để cho du khách trải nghiệm thêm không gian văn hóa làng nghề.
Các hộ gia đình như hộ anh Trương Công Chậm, chị Nguyễn Thị Thơ (ấp Mỹ Long) là những gia đình có truyền thống 3-4 thế hệ đều duy trì nghề làm nhang thủ công. Hiện nay các con cái đều đã lớn, lập gia đình riêng. Hầu như, tất cả đều vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH tỉnh An Giang để phát triển sản xuất nhang, vừa kết hợp thương mại vừa hợp tác với các doanh nghiệp du lịch giới thiệu với bạn bè, du khách quốc tế trải nghiệm khi đến tham quan cù lao Mỹ Hòa Hưng.
Tương tự, đối với nghề trồng cây hoa kiểng, hiện nay theo nghệ nhân Hồ An Ghem, tại Mỹ Hoa Hưng đã hình thành được hai câu lạc bộ cây hoa kiểng, thu hút vài chục hội viên và nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ gia đình vay vốn từ NHCSXH phát triển các mô hình trồng mai kết hợp đào đìa thả cá và nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong khi đó, tại các ấp Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh 2, Mỹ Long 1 hiện nay một số hộ dân đã tham gia mô hình trồng ớt theo hướng hữu cơ có sự hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương và nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh An Giang. Đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều phấn khởi gặt hái những thành quả ban đầu từ việc đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công. Cả xứ cù lao quê hương Tôn Chủ tịch những ngày cuối năm 2024 đã “thay da đổi thịt” không còn là mảnh đất cồn cách biệt, nghèo khó ở vùng trũng ven sông Hậu của TP. Long Xuyên.