Nông dân Sóc Trăng livestream bán hàng, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Lê Thị Đợi (Sóc Trăng) có thể chào hàng món mắm tép tới thực khách khắp mọi miền đất nước.

Thời gian gần đây, Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh phát triển, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại sản phẩm nông sản thông qua kênh thương mại điện tử.

Chị Lê Thị Đợi - Chủ hộ kinh doanh mắm tép Cô Đợi, xã Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên) đã làm mắm tép được 8 năm. Trước đây chị chủ yếu bán cho người dân địa phương, bạn bè thân quen với số lượng không nhiều. Nhưng từ khi tham gia OCOP và được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, bây giờ thương hiệu mắm tép nữ tiểu thương được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, nhờ đó thu nhập gia đình tăng lên.

Mỗi ngày chị đều tự gia công và sản xuất mắm tép. Theo chị, để làm ra được hũ mắm ngon cũng lắm công phu. Tép sau khi làm sạch, chừa đuôi sẽ được rửa lại thật kỹ với rượu trắng để khử mùi tanh. Đặc biệt, để giữ tính thẩm mỹ cho món ăn, người làm phải tỉ mỉ lấy "chỉ đen" ở sống lưng tép, có như vậy, sau khi phơi tép mới cho màu đỏ au, không bị đen.

Mắm tép là món đặc trưng thường hiện diện trên mâm cơm hàng ngày hay trong các dịp lễ, Tết, giỗ chạp của người miền Tây. "Muốn sản phẩm được khách hàng yêu thích và biết đến nhiều hơn thì trước tiên là chú trọng vào chất lượng trước", chị Đợi nói.

Nhờ sự phát triển công nghệ, không chỉ gia đình chị Đợi mà rất nhiều bà con trong xóm đã biết thông qua các trang web, sàn giao dịch TMĐT để bán hàng cũng như mở rộng nguồn khách hàng.

"Trước đây, cơ sở tôi chỉ sản xuất một lượng vừa phải để bán lẻ tại khu trung tâm xã và bỏ mối cho một số cửa hàng, tiểu thương trong tỉnh. Đến nay, tôi đang bán hàng trên các nền tảng: Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada…", chị Đợi nói.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, chị Đợi có thể chào hàng tới thực khách khắp mọi miền. Mỗi phiên livestream bán hàng đã giúp cơ sở của chị tăng sản lượng sản xuất mắm tép gấp 2 - 3 lần so với trước khoảng trên 100kg/tháng.

Móm mắm tép miền Tây dân dã giờ đây được nhiều thực khách cả nước yêu thích, nhiều đơn hàng đi các tỉnh phía Bắc. Dịp lễ, Tết cao điểm, cơ sở của chị phải tăng cường nhân lực sản xuất.

Từ thành công của một số mô hình kinh doanh TMĐT trên địa bàn, huyện Mỹ Xuyên đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi số, thực hiện kết hợp giữa sản xuất và bán hàng online trên các trang: Shopee, Lazada, Tiktok kết hợp với bán hàng trực tiếp.

Hợp tác xã (HTX) Nông ngư Hòa Đê (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là đơn vị tiên phong trong việc nâng cao giá trị cá rô phi, đẩy mạnh sản phẩm trên sàn TMĐT. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp khoảng vài trăm kg sản phẩm cho các thị trường như Hà Nội, TP.HCM, Tây Ninh...

Theo ông Ông Mã Văn Hồng - Giám đốc HTX, sau khi có được thị trường ổn định, HTX cũng được ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đẩy mạnh hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội cũng như tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở nhiều hội chợ thương mại quy mô lớn.

Có thể thấy, sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nong-dan-soc-trang-livestream-ban-hang-kinh-doanh-tren-san-thuong-mai-dien-tu-2354972.html
Zalo