Tin công nghệ 21-4: Tại sao Android cứ để lọt cuộc gọi rác?

Tin công nghệ 21-4 sẽ có các nội dung như tại sao Android cứ để lọt cuộc gọi rác?, loạt công nghệ AI mới tại NextGen Connectivity Summit 2025, Microsoft vá 587 lỗ hổng bảo mật Windows trong năm 2024, KMS Technology có Tổng Giám đốc mới tại Việt Nam.

1. Tại sao Android cứ để lọt cuộc gọi rác?

Dù đã có nhiều cải tiến, nhưng Android vẫn chưa thể dẹp được các cuộc gọi rác, vấn nạn đang khiến hàng triệu người dùng mệt mỏi.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), chỉ riêng năm 2024, đã có hơn 1,1 triệu khiếu nại về các cuộc gọi tự động, phần lớn là lừa đảo. Các chiêu trò ngày càng tinh vi, từ giả mạo số điện thoại đến dùng AI tạo giọng nói, khiến các bộ lọc mặc định của Android nhiều lúc bó tay.

Google tích hợp sẵn một số công cụ bảo vệ như nhận dạng người gọi, lọc cuộc gọi đáng ngờ và chặn số thủ công. Người dùng Pixel còn được hỗ trợ tính năng Call Screen, cho phép Google Assistant tự trả lời và sàng lọc các cuộc gọi lạ. Tuy nhiên, tính năng này chỉ khả dụng ở một số khu vực và đôi khi lọc sai, khiến người dùng bỏ lỡ cuộc gọi quan trọng.

Các nhà mạng cũng cung cấp bộ lọc riêng nhưng không phải lúc nào cũng miễn phí hoặc hiệu quả, đặc biệt với các cuộc gọi quốc tế. Ứng dụng bên thứ ba như Truecaller hay RoboKiller là giải pháp thay thế, song lại đặt ra lo ngại về quyền riêng tư do cần truy cập danh bạ và nhật ký cuộc gọi.

Trong khi công nghệ chưa thể hoàn toàn chặn đứng cuộc gọi rác, người dùng nên chủ động bảo vệ mình bằng cách chặn số rác thủ công, báo cáo lừa đảo, theo dõi các chiêu trò mới và bật tính năng sàng lọc cuộc gọi.

 Tin công nghệ 21-4: Tại sao Android cứ để lọt cuộc gọi rác?

Tin công nghệ 21-4: Tại sao Android cứ để lọt cuộc gọi rác?

2. Loạt công nghệ AI mới tại NextGen Connectivity Summit 2025

Tại sự kiện NextGen Connectivity Summit 2025 diễn ra ở Hà Nội, Huawei Việt Nam đã giới thiệu hàng loạt giải pháp mạng mới, nổi bật là hệ thống Mạng Campus 10 Gbps, với WiFi 7 tích hợp công nghệ AI, cho phép truyền đồng thời tới 30 luồng video 4K mà không nghẽn băng thông.

Công ty cũng áp dụng mô hình học máy để quản lý truy cập, giúp giảm nhiễu tín hiệu và ưu tiên băng thông cho các ứng dụng quan trọng như hội nghị trực tuyến hoặc điều khiển từ xa.

Trong khi đó, giải pháp mạng quang FTTO 2.0 được thiết kế sẵn sàng cho WiFi 7, kết hợp công nghệ XGS-PON Pro cho tốc độ truy cập lên đến 25 Gbps và khả năng gộp 8 mạng chuyên biệt trên cùng hạ tầng. Nhờ AI và công cụ quản lý NCE-Campus, kỹ sư có thể vận hành hàng ngàn thiết bị từ một giao diện duy nhất.

Về lưu trữ, Huawei giới thiệu dòng OceanStor hỗ trợ đào tạo AI với hiệu suất cao, song song với các giải pháp bảo vệ và sao lưu dữ liệu như OceanProtect, được thiết kế để chống lại mã độc và phục hồi dữ liệu nhanh chóng. Những công nghệ này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số thông minh và an toàn cho doanh nghiệp.

 Tin công nghệ 21-4: Nhiều công nghệ AI mới tại NextGen Connectivity Summit 2025.

Tin công nghệ 21-4: Nhiều công nghệ AI mới tại NextGen Connectivity Summit 2025.

3. Microsoft vá 587 lỗ hổng bảo mật Windows trong năm 2024

Microsoft vừa ghi nhận con số kỷ lục với 587 lỗ hổng bảo mật trên hệ điều hành Windows trong năm 2024, theo báo cáo của BeyondTrust.

Với quy mô người dùng lớn, Windows luôn là mục tiêu hàng đầu của các hacker. Do đó, việc phát hiện nhiều lỗ hổng là điều dễ hiểu. Quan trọng hơn, phần lớn các lỗ hổng này được phát hiện thông qua tiết lộ có trách nhiệm, tức là được báo cáo và vá trước khi bị khai thác.

Cùng với Windows, Windows Server cũng ghi nhận 684 lỗ hổng, trong đó có 43 được xếp loại nghiêm trọng. Ngoài ra, số lỗi cho phép bỏ qua cơ chế bảo mật tăng tới 60% so với năm ngoái, đạt 90 lỗi. Tuy nhiên, việc những lỗ hổng này được vá sớm lại là điều tích cực.

Microsoft đang đầu tư mạnh vào bảo mật, với hơn 60 triệu USD chi cho các chương trình thưởng lỗi (bug bounty), khuyến khích các chuyên gia bảo mật phát hiện lỗ hổng trước tin tặc.

Dù số lượng lỗi tăng, các nhà phân tích cho rằng điều này phản ánh sự cải thiện trong quy trình kiểm tra và phản ứng bảo mật, chứ không phải sự suy yếu. Trong thế giới an ninh mạng, minh bạch và vá lỗi kịp thời mới là yếu tố then chốt giúp người dùng an toàn.

 Tin công nghệ 21-4: Microsoft vá hơn 500 lỗ hổng bảo mật Windows trong năm 2024. Ảnh: DepositPhotos

Tin công nghệ 21-4: Microsoft vá hơn 500 lỗ hổng bảo mật Windows trong năm 2024. Ảnh: DepositPhotos

4. KMS Technology có Tổng Giám đốc mới tại Việt Nam

Mới đây, KMS Technology đã chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Lâm Vinh Dự vào vị trí Tổng Giám đốc tại Việt Nam, kế nhiệm ông Trần Trọng Đại, người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững và mở rộng toàn cầu của công ty từ năm 2018.

Trong vai trò mới, ông Dự sẽ điều hành toàn bộ hoạt động của KMS tại Việt Nam, với hai trung tâm tại TP.HCM và Đà Nẵng, quy tụ hơn 1.100 kỹ sư công nghệ.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, ông Dự từng dẫn dắt nhiều dự án trong các ngành như thương mại điện tử, ngân hàng số và bảo hiểm.

Ông Dự nhận định, KMS đang đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp, tài chính số và chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của ông là đưa công ty dẫn đầu ít nhất hai phân khúc, đồng thời giữ vững vị trí top đầu về chỉ số hài lòng nhân viên.

“Sau 16 năm gắn bó, tôi rất vinh dự được tiếp nối hành trình lãnh đạo KMS tại Việt Nam và cùng tập thể công ty hướng tới giai đoạn phát triển mới,” ông Dự chia sẻ.

 Tin công nghệ 21-4: Ông Nguyễn Lâm Vinh Dự, Tổng Giám đốc mới của KMS Technology Việt Nam.

Tin công nghệ 21-4: Ông Nguyễn Lâm Vinh Dự, Tổng Giám đốc mới của KMS Technology Việt Nam.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/tin-cong-nghe-21-4-tai-sao-android-cu-de-lot-cuoc-goi-rac-post845747.html
Zalo