Tín chỉ carbon 'giải phóng' điện than tại các nước đang phát triển

Quỹ Rockefeller đặt mục tiêu đưa 60 dự án tín chỉ carbon mới vào các nước đang phát triển nhằm loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2030, sau khi bộ quy tắc vận hành của chương trình vừa chính thức được phê duyệt.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới cần chấm dứt hoạt động khoảng 2.000 nhà máy nhiệt điện than từ nay đến năm 2040 để đạt các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 15% số nhà máy này nằm trong danh sách cam kết. Ảnh: TL

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới cần chấm dứt hoạt động khoảng 2.000 nhà máy nhiệt điện than từ nay đến năm 2040 để đạt các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 15% số nhà máy này nằm trong danh sách cam kết. Ảnh: TL

Theo Reuters, chương trình "Từ than đến năng lượng sạch" (Coal to Clean Credits Initiative – CCCI) của quỹ Rockefeller là chương trình đang được phát triển nhằm sử dụng tín chỉ carbon như công cụ tài chính để hỗ trợ việc đóng cửa sớm các nhà máy điện than và thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Hôm 6-5 tại Singapore, Verra (tổ chức đặt ra các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về hành động vì khí hậu và phát triển bền vững) đã công bố bộ tiêu chí và phương pháp chính thức của CCCI.

Điều này dùng để xác định tiêu chí lựa chọn dự án cũng như cách tính toán lượng khí thải cần cắt giảm từ việc đóng cửa sớm các nhà máy than. Việc này cho phép các dự án đủ điều kiện phát hành tín chỉ carbon.

Dự án đầu tiên áp dụng bộ tiêu chí và phương pháp mới này là nhà máy điện South Luzon Thermal Energy Corporation (SLTEC) tại Philippines, với việc giao dịch tín chỉ carbon dự kiến hoàn tất vào năm sau.

Theo ông Joseph Curtin, người điều hành CCCI, nếu CCCI hoàn thành giao dịch đầu tiên sẽ tạo ra tác động thị trường đáng kể.

Theo đánh giá của Quỹ Rockefeller, có khoảng 1.000 nhà máy nhiệt điện than tại các nước đang phát triển phù hợp với tiêu chí của chương trình.

Nếu đạt được mục tiêu 60 dự án, chương trình có thể thu hút tới 110 tỉ đô la Mỹ từ nguồn vốn đầu tư công và tư nhân vào năm 2030.

Việc đóng cửa SLTEC được hậu thuẫn bởi công ty năng lượng Philippines ACEN, cùng các đối tác quốc tế như GenZero (Singapore), tập đoàn hạ tầng Keppel, Mitsubishi (Nhật Bản) và công ty con Diamond Generating Asia.

Doanh thu từ tín chỉ carbon sẽ được sử dụng để bù đắp cho khoản doanh thu bị mất do ngừng vận hành SLTEC, đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng hỗ trợ điện tái tạo, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cộng đồng địa phương, theo ông Eric Francia, CEO của ACEN.

CCCI đã trải qua 7 vòng tham vấn trước khi hoàn thiện bộ tiêu chí. “Vấn đề là làm sao đảm bảo nguồn tài chính không đến tay những nhà máy than không còn khả thi về lâu dài,” ông Jonathan Crook từ tổ chức nghiên cứu Carbon Market Watch nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Curtin khẳng định các dự án được chọn phải là những nhà máy vẫn đang sinh lời và thuộc sở hữu của các công ty hoặc quốc gia có cam kết không xây mới nhà máy nhiệt điện than.

Dù Philippines đã ban hành lệnh cấm xây mới nhà máy nhiệt điện than, các dự án được cấp phép trước thời điểm lệnh cấm vẫn có thể tiếp tục đi vào vận hành trong vài năm tới.

Dẫu vậy, việc SLTEC dừng hoạt động sớm vẫn là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

Thu Trà

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tin-chi-carbon-giai-phong-dien-than-tai-cac-nuoc-dang-phat-trien/
Zalo