Tìm thêm nguồn lực phát triển nhà ở xã hội

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI diễn ra trong tuần qua, một trong những nội dung đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Trong đó, 15.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.

Trong khi đó liên quan đến gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, gần đây đã có thêm 4 ngân hàng là TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đăng ký tham gia, nâng tổng quy mô gói này lên 140.000 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị NHNN nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3 - 5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10 - 15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (hiện lãi vay mua nhà ở xã hội của gói này là 7,5%/năm).

Có thể thấy, nguồn lực và các ưu tiên dành cho lĩnh vực nhà ở xã hội liên tục gia tăng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, đòi hỏi lãi suất giảm sâu với kỳ hạn dài đối với các ngân hàng là rất khó. Bởi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn huy động ngắn hạn. Chưa kể, hiện tại các ngân hàng đang chịu sức ép tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.

Hơn thế, vốn cho vay gói tín dụng này là các ngân hàng tự nguyện dành một nguồn vốn thương mại nhất định để cho vay với lãi suất ưu đãi chứ không phải vốn ngân sách. Ngân hàng là doanh nghiệp, họ kinh doanh phải đảm bảo có lãi và an toàn hoạt động. Do đó, không thể đòi hỏi các ngân hàng phải giảm mạnh lãi suất cho vay như kỳ vọng được.

Muốn có mức lãi suất tốt hơn trong thời gian đủ dài cần phải có sự hỗ trợ từ phía ngân sách chứ không chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng. Theo các chuyên gia, việc phát hành trái phiếu chính phủ tài trợ cho nhà ở xã hội là giải pháp phù hợp hơn vì lĩnh vực này cần nguồn vốn trung và dài hạn, nhưng cần đảm bảo mức lãi suất cho vay thấp nhằm thu hút người tham gia.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phát hành trái phiếu chính phủ là phương thức huy động vốn dài hạn từ xã hội kể cả trong nước và nước ngoài có thể tham gia vào quá trình thực hiện chương trình dài hạn phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ở của số đông người dân. Việc phát hành trái phiếu chính phủ làm nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của Chính phủ, điều này đã được Luật Nhà ở 2023 cho phép.

Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội cần thông qua việc cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội vay lại. Ví dụ Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất từ 3 - 3,5%/năm sẽ cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vay lại với mức lãi suất khoảng 5%/năm, thời hạn cho vay có thể khoảng 20 năm. Điều kiện cho doanh nghiệp vay lại trái phiếu chính phủ để làm nhà ở xã hội cung cần dễ dàng hơn.

Về cơ cấu tín dụng cho vay nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia gợi ý có thể dành 40% cho doanh nghiệp vay và 60% cho người mua nhà vay.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tim-them-nguon-luc-phat-trien-nha-o-xa-hoi-154728.html
Zalo