Tìm thấy hai loài cây quý hiếm ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Cây Cóc đỏ - loài cây chỉ tìm thấy ở một số tỉnh miền Nam vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) - mở ra hy vọng bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm này. Các nhà khoa học cũng tìm thấy tại đây loài cây Cỏ ngạn - thuộc nhóm nguy cấp.

Nhằm đánh giá đa dạng thực vật trong hệ sinh thái dưới nước và đất ngập nước tại Việt Nam và Belarus, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Vườn Thực vật Trung tâm Belarus thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng đa dạng các loài thực vật thuộc hệ sinh thái dưới nước và đất ngập nước tại Việt Nam và Belarus”.

Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tìm thấy hai loài thực vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy gồm loài Cỏ ngạn thuộc nhóm Nguy cấp (EN) và loài Cóc đỏ thuộc nhóm Sẽ nguy cấp (VU). Cả hai loài đều có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2024.

Loài Cóc đỏ trước đó chỉ được tìm thấy trong các cánh rừng ngập mặn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận và Thừa Thiên Huế. Đây là lần đầu tiên loài này được ghi nhận ở ven biển miền Bắc nước ta.

Loài cây Cóc đỏ quý hiếm lần đầu được ghi nhận ở ven biển miền Bắc.

Loài cây Cóc đỏ quý hiếm lần đầu được ghi nhận ở ven biển miền Bắc.

Loài cây quý hiếm này đang đối mặt với sinh cảnh sống bị thu hẹp, chia cắt và suy thoái do tác động của canh tác nông nghiệp, khai thác gỗ trái phép, hoạt động du lịch sinh thái cùng các yếu tố bất lợi của thời tiết, khí hậu.

Các nhà khoa học đề nghị phục hồi sinh cảnh và tái sinh tự nhiên loài này cũng như nghiên cứu nhân giống nhằm mục đích bảo tồn tại các vườn quốc gia, vườn thực vật.

Loài Cỏ ngạn cũng được các nhà khoa học tìm thấy trong đợt khảo sát, nghiên cứu lần này tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Đây là loài cây tiên phong hình thành đất mới vùng cửa sông ven biển đồng bằng Sông Hồng, phân bố ở các bãi triều ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa.

Loài cây Cỏ ngạn được Sách đỏ Việt Nam xếp vào nhóm nguy cấp.

Loài cây Cỏ ngạn được Sách đỏ Việt Nam xếp vào nhóm nguy cấp.

Từng có một vùng phân bố khá rộng, loài cây này đối mặt với sinh cảnh sống bị thu hẹp và suy thoái do các hoạt động khai hoang lấn biển, nuôi thủy hải sản và phát triển du lịch. Sách đỏ Việt Nam 2024 xếp loài vào nhóm nguy cấp.

Các nhà khoa học kiến nghị cần cấp bách bảo vệ quần thể và sinh cảnh của loài Cỏ ngạn trong tự nhiên, có thể tính đến phương án trồng nhân tạo để bảo tồn.

Trong quá trình nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, các nhà khoa học cũng ghi nhận được 201 loài thực vật bậc cao có mạch, cho thấy hệ sinh thái đa dạng của nơi này.

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành sàng lọc hoạt tính kháng vi sinh vật và kháng viêm của các loài cây trong khu vực.

Kết quả cho thấy, cao chiết thô từ lá và tinh dầu của 12 loài thực vật có khả năng kháng vi sinh vật kiểm định. Đồng thời, dịch chiết từ lá của 22 loài thực vật cũng được kiểm nghiệm về khả năng kháng viêm.

Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, việc nghiên cứu và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái trọng yếu là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên sinh học quý giá cho thế hệ tương lai.

Những ghi nhận mới không chỉ cung cấp dữ liệu đa dạng sinh học mà còn mở ra triển vọng sử dụng bền vững tài nguyên thực vật rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy nói riêng và các khu vực rừng ngập mặn ở Việt Nam nói chung.

Trước đó, tháng 1/1989, khu đất ngập nước ven biển thuộc huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định chính thức được công nhận là vùng Ramsar – theo Công ước Ramsar về bảo vệ các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước.

Tháng 12 năm 2004, UNESCO tiếp tục công nhận Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy đóng vai trò là vùng lõi với vị trí cực kỳ quan trọng trong bảo tồn rừng ngập mặn ven biển miền Bắc.

Theo tienphong.vn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202504/tim-thay-hai-loai-cay-quy-hiem-o-vuon-quoc-gia-xuan-thuy-0fd6962/
Zalo