TP Huế triển khai kế hoạch bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm vừa xuất hiện
Ngày 7/4, Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, đơn vị đang triển khai kế hoạch nhằm bảo vệ đàn cò nhạn quý hiếm (còn gọi là cò ốc) vừa được phát hiện tại thị xã Phong Điền.
Theo đó, lực lượng kiểm lâm TP Huế gần đây đã ghi nhận sự xuất hiện của một quần thể cò nhạn với số lượng gần 100 cá thể tại thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và một số vùng phụ cận. Đây là loài chim quý hiếm, rất hiếm khi xuất hiện tại khu vực này, có giá trị sinh thái và bảo tồn cao.

Cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc được bắt gặp xuất hiện trên một cánh đồng lúa ở thị xã Hương Trà
Nhằm bảo vệ đàn cò nhạn nói trên, Chi cục Kiểm lâm TP Huế đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, Hạt Kiểm lâm thị xã Phong Điền và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ không chỉ cho cò nhạn mà còn các loài chim hoang dã và chim di cư khác có khả năng xuất hiện trong khu vực.
Theo kế hoạch, lực lượng kiểm lâm sẽ tăng cường tuần tra tại các khu vực cò nhạn xuất hiện, đặc biệt là vùng Ngũ Điền và các xã, phường gồm Phong An, Phong Hiền, Phong Sơn và Phong Xuân.
Trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện cò nhạn hoặc các loài chim quý hiếm khác, lực lượng kiểm lâm sẽ tiến hành chụp ảnh, quay video để làm tư liệu phục vụ nghiên cứu và bảo tồn.
Video đàn Cò nhạn 100 con trên cánh đồng
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát các hành vi săn bẫy, buôn bán, tàng trữ, kinh doanh trái phép các loài chim trời, đặc biệt là cò nhạn, cũng sẽ được đẩy mạnh. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm TP Huế cho biết, cò nhạn (tên khoa học: Anastomus oscitans) là loài chim thuộc họ Hạc. Chúng có đặc điểm nổi bật là bộ lông trắng, cánh đen bóng và đuôi ánh lục hoặc tía. Điểm đặc biệt nhất của loài này là hình dạng mỏ: hàm dưới uốn ngược và hàm trên cong, tạo thành một khe hở đặc trưng thích nghi với việc ăn ốc nước ngọt – nguồn thức ăn chính của chúng. Bộ lông của cò nhạn trưởng thành cũng thay đổi theo mùa.
Việc phát hiện đàn cò nhạn tại Phong Điền là một tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường sinh thái khu vực này đang dần phục hồi và phù hợp cho các loài chim quý hiếm quay trở lại sinh sống. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác bảo tồn và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã.