Tìm phương án thoát lũ nhanh cho Quảng Điền
Để tiêu thoát lũ nhanh mỗi khi mùa mưa đến, huyện Quảng Điền đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi.
Nhiều công trình được đầu tư
Tháng 7/2024, dự án nạo vét, nâng cấp hói Rào Cùng, xã Quảng Thọ được triển khai với kinh phí hơn 44,7 tỷ đồng. Đây là tuyến hói xung yếu tăng khả năng thoát lũ nhanh cho sông Bồ, giảm ngập úng dài ngày trong mùa mưa lũ khu vực dân cư các xã: Quảng Thọ, Quảng Thành; các tuyến Tỉnh lộ (TL) 8, TL 4, TL 19 và vùng thấp trũng huyện Quảng Điền; giảm thời gian gây ngập úng dài ngày khi có lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ muộn cho khu vực sản xuất nông nghiệp vùng thấp trũng của huyện, nhất là các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành.
“Đến nay, dự án nạo vét, nâng cấp hói Rào Cùng đạt 60% khối lượng công việc và dự kiến cuối tháng 2/2025 sẽ hoàn thành việc nạo vét 1,2km dọc tuyến và gia cố 2 bờ hói với chiều dài 2,3km để khơi thông dòng chảy từ hạ lưu sông Tân Xuân Lai ra sông Bồ đoạn thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ. Qua khảo sát cho thấy, trong 2 đợt mưa lũ vừa qua, hói Rào Cùng đã thoát nước lũ rất nhanh”, ông Trương Lợi, cán bộ Tổ Thủy lợi, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền cho biết.
Cùng với việc nạo vét, nâng cấp hói Rào Cùng, nhiều trục thủy đạo sau cống kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Quảng Điền cũng đã và đang được nạo vét, gia cố nhằm thoát lũ nhanh. Hiện các đơn vị thi công đã nạo vét xong các trục thủy đạo sau cống An Xuân, Hà Đồ, Mai Dương, Bao La, Bàu Sau, Quán Cửa với tổng chiều dài 4,9km kết hợp gia cố 2 bờ chiều dài 8,3km, với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.
Theo ông Lợi, khi xả lũ, các trục thủy đạo sau cống này không chỉ dẫn nước thoát nhanh, mà còn bảo vệ được 635ha nuôi trồng thủy sản, tránh sự xung đột giữa khu vực nuôi trồng thủy sản với sản xuất nông nghiệp. Hệ thống đê bao nội đồng được cứng hóa, kết hợp giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và các phương tiện khi thu mua hải sản, cung cấp thức ăn, vật tư nông nghiệp.
Đánh giá tác động bên ngoài đến tình hình ngập úng trên địa bàn huyện của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền cho thấy, bình thường, nước sông Bồ đã cao hơn mực nước sông Hương. Do vậy, khi mưa lũ đến, một phần nước sông Bồ thoát ra sông Hương tại ngã ba Sình trước khi thoát ra biển. Khi lưu vực sông Hương có mưa lớn, các hồ chứa nước, thủy điện điều tiết lũ, mực nước sông Hương dâng cao, khả năng thoát nước của sông Bồ ra sông Hương bị hạn chế, gây nên hiện tượng ngập úng dài ngày trên địa bàn huyện Quảng Điền.
Toàn bộ nguồn nước 3 con sông chính là sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương đều có chung một cửa thoát ra biển là cửa Thuận An. Do vậy, việc mở rộng, nạo vét cửa biển Thuận An là yêu cầu cấp thiết để giảm lũ cho 3 huyện phía Bắc của tỉnh và TP. Huế; trong đó, có huyện Quảng Điền.
Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Hạ tầng thoát nước lũ ở các địa phương vùng hạ du sông Bồ, trong đó có huyện Quảng Điền hầu hết đã được đầu tư khá lâu, qua nhiều thời kỳ. Địa hình các dòng sông uốn cong gấp khúc, mặt cắt sông tương đối nhỏ. Các nhánh sông, hói, trục thủy đạo ở hạ lưu bị bồi lắng, mặt cắt ngang hẹp... gây cản trở dòng chảy thoát lũ, kéo dài thời gian ngập úng.
Hệ thống thủy lợi Ninh – Hòa - Đại đã góp phần quan trọng trong tiêu thoát lũ nhanh, tránh tình trạng ngập úng dài ngày, nhưng đến nay, nhiều hạng mục cần phải nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng với thực tế hiện tại; trong đó, nhiều nút thắt thoát lũ cần phải được tập trung khắc phục.
Cũng theo ông Trương Lợi, hiện hói Diên Hồng đã được gia cố bờ 3 mặt từ đầu đến cuối tuyến, nhưng các cầu trên toàn tuyến đều có khẩu độ nhỏ hơn chiều rộng lòng sông nên cần thiết phải mở rộng khẩu độ các cầu để tăng khả năng thoát nước. Đồng thời, bổ sung các công trình mới bằng việc khơi thông, nạo vét các hói Ông Khuynh, Bàu Kho, Trạm Bơm… để chia nước về các hói Bạch Đằng, Phú Lương B.
Hói Kim Đôi tuy có cống, nhưng cống nhỏ và thường xuyên tắc nghẽn nguồn nước, gây thoát nước chậm nên cần tiếp tục nạo vét từ cầu Kim Đôi đến cống Quán Cửa để đảm bảo tiêu thoát lũ tiểu mãn, lũ sớm, thoát nhanh lũ chính vụ cho sông Bồ nhằm bảo vệ cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu dân cư xã Quảng Thành và giảm thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Ngoài ra, còn nhiều hói và kè chống sạt lở khác cũng cần được đầu tư, nâng cấp, cải tạo.
“Quảng Điền đã và đang quy hoạch lại hệ thống thủy lợi trên địa bàn với mục tiêu đặt ra là tiêu lũ nhanh, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm; bảo vệ hệ thống kè chống xói lở bờ sông, đê phá và hệ thống đê bao nội đồng kết hợp giao thông để chủ động trong việc tưới tiêu và tiêu thoát lũ. Quảng Điền cũng đã mời đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Thừa Thiên Huế khảo sát, lập dự án xây dựng hệ thống thoát lũ trên địa bàn toàn huyện một cách đồng bộ để giải bài toán thoát lũ. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện dự án khá lớn, nên địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các công trình thủy lợi, phục vụ nhiệm vụ tiêu thoát lũ nhanh, chống lũ tiểu mãn và lũ sớm trên địa bàn”, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết.
Giải pháp mà huyện Quảng Điền đặt ra là từ nay đến năm 2035 sẽ đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi một cách đồng bộ và được phân kỳ ngắn hạn, trung hạn theo từng giai đoạn với giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy phía thượng lưu; nạo vét, mở rộng lòng dòng chảy phía hạ lưu; phân chia dòng nước thoát lũ ở một số nhánh sông; cứng hóa hệ thống đê kè; nâng cấp hệ thống đê bao nội đồng; hoàn thiện hệ thống trạm bơm tưới động lực và hệ thống tưới tự chảy; nâng cấp hệ thống kênh mương...