Nan giải bài toán ngọt hóa ở Cà Mau

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất có 3 mặt giáp biển và cũng là địa phương duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ hệ thống sông Mê Công. Cùng với đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, nước trên các sông, rạch khô cạn đã ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa và mất phản áp lực nước lên bờ kênh, dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng... Trước những thách thức đặt ra, việc bảo đảm phục vụ sản xuất, giữ lại vùng ngọt hóa là yêu cầu cấp thiết của địa phương.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, khu quy hoạch vùng ngọt hóa để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu quy hoạch vùng ngọt hóa tại huyện Trần Văn Thời, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết, năm 2019, khu vực này đã được hình thành và phát triển với đa dạng hệ sinh thái, phong phú chủng loại cây trồng, vật nuôi, các loài thủy sản nước ngọt và trở thành nét đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau.

Tuy nhiên, việc giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất trong vùng đã trở thành thách thức rất lớn. Do vậy, để sản vật luôn được bảo vệ, duy trì, phát triển, những năm qua, tỉnh đã đầu tư các hệ thống thủy lợi khép kín; trong đó hệ thống đê bao ngoài được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với hệ thống 58 cống được xây dựng bảo đảm điều tiết nước và 9 trạm bơm, 29 máy, tổng công suất 134.000m3/giờ.

“Từ khi đưa vào khai thác sử dụng, khu quy hoạch vùng ngọt hóa tại huyện Trần Văn Thời được xem là một trong những công trình giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân tại vùng bán đảo Cà Mau”, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng cho biết.

Các trạm bơm giúp điều tiết nguồn nước hợp lý, phù hợp từng mùa vụ sản xuất trong năm.

Các trạm bơm giúp điều tiết nguồn nước hợp lý, phù hợp từng mùa vụ sản xuất trong năm.

Các công trình thủy lợi ở khu quy hoạch vùng ngọt hóa tại huyện Trần Văn Thời đã được triển khai để bảo vệ sản xuất cho người dân, đặc biệt là tại tiểu vùng III với diện tích lớn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đơn vị quản lý khu quy hoạch vùng ngọt hóa đã chia nhỏ các tiểu vùng thành các ô thủy lợi kích thước từ 500 đến 1.000ha để quản lý nước... từ đó bảo đảm cho việc gieo sạ đồng loạt và duy trì nguồn nước ổn định cho các hộ nông dân.

“Chúng tôi đã thử nghiệm 6 ô thủy lợi nhỏ và đã chứng minh được hiệu quả với sản xuất trước mùa vụ. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giúp kiểm soát nước mà còn mang lại năng suất cao”, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với những vùng nằm ngoài quy hoạch chia ô thủy lợi của tỉnh Cà Mau, những nơi có nguồn nước mặn-ngọt theo mùa thì vào thời điểm mùa mưa nước sẽ ngọt; còn mùa hạn nguồn nước sẽ mặn. Trước điều kiện thiên nhiên đặc thù như vậy, nơi đây rất thích hợp với mô hình canh tác lúa-tôm; đây được xem là một trong những mô hình, hướng đi được đánh giá là “thuận thiên”, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ðến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã phát triển lúa-tôm với hơn 40.000 ha, trong đó huyện Thới Bình là vùng canh tác lúa-tôm trọng điểm của tỉnh.

 Việc phân chia ô thủy lợi giúp duy trì nguồn nước ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân Cà Mau.

Việc phân chia ô thủy lợi giúp duy trì nguồn nước ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân Cà Mau.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Đen, cán bộ khuyến nông xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết, nhờ thực hiện hiệu quả việc quản lý tài nguyên nước trong sản xuất lúa tôm, đưa ra những giải pháp quy hoạch, định hình và tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh khoa học, bài bản... từ đó đã giúp người dân địa phương quản lý tốt nguồn nước, góp phần nâng cao năng suất mô hình lúa-tôm.

“Vấn đề đê bao và bầu bao khép kín là rất quan trọng, nhất là đối với hạ tầng trồng lúa trên đất nuôi tôm. Do đó, sau mỗi mùa vụ, người nông dân cần sử dụng cơ giới hóa để nâng cao đê bao, cải tạo, nâng cấp và lấp kín để ngăn nước không thấm vào từ những khu vực khác. Đồng thời, trong mùa mưa cần bảo đảm trữ nước ngọt để hạn chế sự phát triển của cỏ dại. Trong quá trình canh tác phải chủ động giữ nước và điều chỉnh mức nước phù hợp với sự phát triển của cây lúa, bảo đảm quá trình sinh trưởng của cây lúa diễn ra thuận lợi”, đồng chí Nguyễn Thanh Đen nhấn mạnh.

Người dân đầu tư hạ tầng, chủ động đào ao giữ nước mùa khô hạn tại Cà Mau.

Người dân đầu tư hạ tầng, chủ động đào ao giữ nước mùa khô hạn tại Cà Mau.

Theo đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua để bảo đảm công tác ngăn mặn, chống tràn, chống hạn, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao. Nhờ vậy, đến nay hệ thống kênh mương trong toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh đang tiếp tục tập trung đầu tư duy tu, sửa chữa bờ bao để bảo đảm công tác ngăn triều cường, xâm nhập mặn đối với vùng Nam Cà Mau.

“Từ đó, việc đầu tư khép kín khi vận hành mới thực sự khai thác hiệu quả. Còn nếu đầu tư mà hệ thống thủy lợi còn hở thì không thể nào vận hành đem lại hiệu quả. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi lớn và nhỏ, cùng với các công trình thủy lợi mà tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhằm sớm đưa nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu về tiếp cận vùng bán đảo Cà Mau. Thông qua đó, chúng ta có thể sử dụng các hệ thống công trình có khả năng bổ sung nguồn nước ngọt cho vùng đất ngọt của tỉnh Cà Mau”, đồng chí Lê Văn Sử chia sẻ.

Thực hiện đo độ mặn trên các cống điều tiết, chủ động phương án sản xuất cho người dân.

Thực hiện đo độ mặn trên các cống điều tiết, chủ động phương án sản xuất cho người dân.

Để tìm hướng giải quyết bài toán nước ngọt tại Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thiết nghĩ bên cạnh việc tập trung những vấn đề mang tính định hướng lâu dài cần tìm kiếm những giải pháp khoa học công nghệ cũng như chính sách để bảo vệ và quản lý hiệu quả vùng ngọt.

Việc tối ưu hóa trong sử dụng tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi sự hợp tác với cộng đồng, các địa phương phải cùng nhau đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi để không chỉ giải quyết vấn đề ngăn mặn, giữ ngọt, mà còn bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân. Đặc biệt là sự hỗ trợ từ các bộ ngành trung ương, hỗ trợ các giải pháp công trình phù hợp để mang lại hiệu quả lâu dài, mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hằng năm, nhu cầu sử dụng nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 22,8 tỷ m3. Trong đó, thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô khoảng 4,2 tỷ m3, dự báo lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050. Qua rà soát quy hoạch thủy lợi những vùng giao thoa giữa mặn và ngọt như các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã cùng nhau thực hiện những quy hoạch liên vùng, đề xuất cũng như xây dựng các dự án công trình và phi công trình giúp cải thiện năng lực sản xuất, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt trong bối cảnh xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC - KHÁNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nan-giai-bai-toan-ngot-hoa-o-ca-mau-806967
Zalo