Tìm lối ra cho bảo hiểm nông nghiệp
Chia sẻ tại hội thảo 'Bảo hiểm nông nghiệp - chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam' tổ chức mới đây, ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng, ngoài hạn chế về chính sách hỗ trợ, việc thu thập và quản lý dữ liệu về sản xuất, rủi ro thiên tai, dịch bệnh… vẫn còn rời rạc, chưa đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp cho phù hợp và chính xác…
Việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP và các văn bản liên quan thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, theo ông, nguyên nhân do đâu?
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp hiện vẫn chưa nhắm tới số đông người tham gia bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm. Ngân sách hỗ trợ đang tập trung nguồn lực cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp, trong khi đây chưa phải là những chủ thể sản xuất hàng hóa lớn, có tỷ lệ đóng góp không cao trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ còn lại và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất tập trung, liên kết, tập thể, quy mô lớn thì chỉ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Như vậy, những mô hình sản xuất, liên kết tập trung có khả năng hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả, chất lượng, sản lượng chưa được khuyến khích. Điều này làm cho bảo hiểm không phát huy hết tác dụng.
Nghị định 58 mới chỉ hỗ trợ bảo hiểm cho một số đối tượng của sản xuất nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi, mà chưa có chính sách hỗ trợ bảo vệ cho con người, tài sản cố định, trang thiết bị, máy móc để người dân an tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Nghị định 58 quy định khá chặt chẽ về địa bàn được hỗ trợ theo chính sách tài khóa từng thời kỳ, chưa mang tính ổn định lâu dài. Cụ thể, đối với bảo hiểm cây lúa tại 7 tỉnh gồm Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; đối với bảo hiểm trâu, bò tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương; đối với bảo hiểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 5 tỉnh gồm Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Điều này gây lúng túng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp có quy mô toàn quốc. Địa bàn được hỗ trợ bị hạn chế dẫn đến các khu vực được hỗ trợ không đồng nhất, người dân có sự so sánh về quyền lợi được hỗ trợ, dẫn đến khó cung cấp sản phẩm không được ngân sách hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp hiện nay cũng không tạo sự chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo chính sách hỗ trợ phải được Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí trước khi triển khai, đồng thời chưa có sản phẩm áp dụng chung cho toàn thị trường.
Quy trình nhận hỗ trợ còn rườm rà, chẳng hạn phải có hồ sơ hộ nghèo, cận nghèo để chứng minh, thời gian xét duyệt kéo dài... Sau khi cấp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải ứng trước phí nhượng tái bảo hiểm để hợp đồng tái có hiệu lực, sau đó hàng tháng thực hiện các thủ tục và hồ sơ để thu phí bảo hiểm được nhà nước hỗ trợ.
Ngoài ra, chính sách chưa đề cập đến hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm khi gặp thiên tai, dịch bệnh mang tính chất thảm họa khó lường, tổn thất vượt quá ngưỡng chịu đựng của vốn chủ sở hữu và chương trình tái bảo hiểm. Khi biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh bảo hiểm khu vực tam nông không đảm bảo, thậm chí có nguy cơ thua lỗ, việc các doanh nghiệp bảo hiểm không mặn mà phát triển hoạt động tại khu vực này là điều dễ hiểu.
Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo chính sách, hiện nay, các doanh nghiệp còn triển khai các sản phẩm bảo hiểm thương mại. Từ góc độ doanh nghiệp, việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm thương mại có những thuận lợi và khó khăn gì so với sản phẩm bảo hiểm theo chính sách?
Để đến với khu vực tam nông với đa dạng ngành nghề, con người và địa bàn, ABIC không chỉ triển khai các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 58, mà trước tiên phải xuất phát từ bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho cá nhân, hộ gia đình là yếu tố quan trọng nhất, là trụ cột kinh tế của mỗi hộ sản xuất nông nghiệp với sản phẩm bảo an tín dụng đã được Nhà nước công nhận và vinh danh thương hiệu quốc gia. Tiếp theo là các sản phẩm bảo hiểm tài sản, máy móc sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm bảo vệ trực tiếp đến các đối tượng nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi. Cuối cùng, ABIC đã và đang phát triển các sản phẩm phái sinh như bảo hiểm chỉ số, tham số và sẽ phát triển các sản phẩm bảo hiểm sản lượng và tín dụng nông nghiệp khi đủ các điều kiện cần thiết. Các sản phẩm cung cấp cho bà con nông dân phải thật dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu, thủ tục tham gia và bồi thường đơn giản.
Lợi thế của ABIC là tận dụng được hệ thống mạng lưới phục vụ tam nông, cung cấp gói giải pháp tài chính tới tận thôn, xóm, bản, làng… Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của bảo hiểm, hoặc còn ngần ngại tham gia do chi phí bảo hiểm làm tăng chi phí đầu tư; quy trình nuôi trồng theo tiêu chuẩn chưa được thực hiện đầy đủ, mô hình nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, gây khó khăn trong việc đánh giá và quản lý rủi ro.
Ngoài ra, các loại hình rủi ro trong nông nghiệp như thiên tai, dịch bệnh… có tính chất lan rộng và khó lường trước, khiến doanh nghiệp bảo hiểm gặp rủi ro lớn và khó đạt được lợi nhuận bền vững, nên không hấp dẫn các nhà tái bảo hiểm đầu tư vốn; đồng thời, việc thu thập và quản lý dữ liệu về sản xuất, rủi ro thiên tai, dịch bệnh vẫn còn rời rạc, thiếu đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng các sản phẩm bảo hiểm phù hợp và chính xác. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng ít có sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn do chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới…).
Thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nhà tái bảo hiểm nước ngoài. Tuy nhiên, do chúng ta là quốc gia nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, dịch bệnh…, nên các nhà tái bảo hiểm quốc tế cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới? Các cơ quan chức năng cần có giải pháp gì để thúc đẩy thị trường này?
Thị trường bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn vì là quốc gia nông nghiệp, với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, làm gia tăng nhu cầu bảo hiểm. Do đó, việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp sẽ góp phần bảo vệ sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định sinh kế cho nông dân…
Để hỗ trợ và thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp quan tâm phát triển bảo hiểm rủi ro. Chẳng hạn, việc phát triển chính sách hỗ trợ không chỉ tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo, mà cần mở rộng đến các tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa; tăng phạm vi địa bàn hỗ trợ, đặc biệt là các địa bàn đã và đang triển khai các đề án phát triển nông nghiệp; tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm; phát triển hạ tầng dữ liệu nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nông dân về ý nghĩa và lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp thông qua các tổ chức đoàn thể, hiệp hội nông nghiệp…
Ngoài ra, cần có chính sách cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng cùng với bảo hiểm nhằm bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng của Agribank (thông qua việc bồi thường tổn thất), giúp người nông dân có khả năng thanh toán khoản vay…