Tìm lại tết trong nỗi nhớ xưa

Những ngày cuối năm, khi không khí xuân tràn ngập từng con phố, từng góc nhỏ trong căn nhà, lòng tôi lại chợt dâng lên một nỗi niềm nhớ nhung về những cái Tết xưa cũ. Tết nay đủ đầy, hiện đại, nhưng dường như vẫn thiếu vắng một điều gì đó khó gọi thành tên. Đó có lẽ là cái cảm giác háo hức giản đơn, là cái mùi vị Tết của tuổi thơ, hay chính là những ký ức dịu ngọt về một thời không thể quay trở lại.

Ngày ấy, Tết đến không rộn ràng bằng những tiếng thông báo “sale off” trên mạng, không có những giỏ quà bọc giấy bóng loáng hay những chiếc phong bao đỏ in hình linh vật. Tết xưa đến giản dị mà thiêng liêng, giống như một món quà quý giá mà ai cũng trân trọng. Nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sửa soạn từ đầu tháng Chạp. Những ngày đông giá rét cuối cùng dường như cũng ấm áp hơn bởi tiếng cười nói rôm rả, bởi khói bếp nghi ngút, bởi lòng người rạo rực một niềm vui chờ đợi.

Còn nhớ mỗi dịp Tết, mẹ luôn là người bận rộn nhất nhà. Từ việc gói bánh chưng, muối dưa hành, đến chuẩn bị những món ăn truyền thống, tất cả đều do bàn tay mẹ khéo léo đảm đương. Tôi vẫn nhớ rõ cái cảm giác ấm áp khi cùng mẹ ngồi bên bếp lửa, chờ những chiếc bánh chưng chín. Mùi lá dong, mùi gạo nếp hòa quyện cùng tiếng củi lách tách tạo nên một bản nhạc Tết thật thân thương. Những đêm canh bánh ấy thường rất dài, nhưng chẳng bao giờ buồn chán. Tôi và anh trai thay nhau châm củi, vừa trông nồi bánh vừa trò chuyện. Ông bà thì ngồi kể chuyện Tết thời xưa, khi cả gia đình quây quần bên nhau trong ngôi nhà tranh nhỏ. Những câu chuyện ấy, dù nghe đi nghe lại, vẫn luôn ấm áp.

Tết xưa đối với lũ trẻ chúng tôi còn là niềm hân hoan với quần áo mới, với phong bao lì xì đỏ rực. Hồi ấy, món quà Tết không cần phải đắt tiền, chỉ một bộ đồ mới thôi cũng đủ khiến cả ngày tôi háo hức. Tôi nhớ mình thường chạy quanh xóm khoe bộ quần áo mới, trong lòng lâng lâng như vừa nhận được một kho báu.

Tết cũng là dịp duy nhất trong năm mà lũ trẻ được ăn no bánh kẹo, được chạy nhảy thỏa thích mà không bị người lớn mắng. Cái Tết ngày ấy thật giản dị nhưng cũng thật đủ đầy trong mắt một đứa trẻ. Không chỉ riêng trong nhà, không khí Tết còn tràn ngập khắp xóm làng. Những ngày giáp Tết, con đường đất nhỏ dẫn về làng trở nên đông vui lạ thường. Người người tấp nập đi chợ Tết, mua lá dong, dây lạt, hay vài bó hoa cúc vàng rực. Phiên chợ cuối năm không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ về năm cũ và mong ước cho năm mới.

Chiều 30 Tết, cả làng rộn ràng tiếng pháo. Nhà nào cũng cố gắng đốt một tràng pháo thật dài để tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Tiếng pháo rền vang, mùi thuốc pháo hòa lẫn trong làn khói mờ ảo tạo nên một cảm giác rất riêng, rất Tết.

Tết nay vẫn đẹp, vẫn đủ đầy, nhưng có lẽ đã khác đi nhiều. Những chiếc bánh chưng giờ đây có thể mua sẵn ngoài chợ, không cần phải thức đêm canh lửa. Những chiếc áo mới cũng không còn là điều gì đó quá đặc biệt khi trẻ con có thể có quần áo mới quanh năm. Người ta mừng tuổi nhau bằng những chiếc phong bao chuyển khoản, lời chúc Tết đôi khi chỉ còn là một tin nhắn ngắn gọn trên điện thoại.

Nhìn Tết nay, vẫn cảm nhận được sự vui vẻ, nhưng cũng thấy một chút gì đó vội vã, thiếu vắng. Có lẽ chính sự hiện đại, tiện nghi đã làm mờ nhạt đi những nét đẹp truyền thống của ngày xưa.

Dẫu vậy, Tết không chỉ nằm ở những nghi thức, những phong tục, mà còn nằm trong lòng mỗi người. Tết xưa hay Tết nay đều đáng quý nếu chúng ta biết trân trọng những giá trị gia đình, biết gìn giữ những ký ức đẹp đẽ và chia sẻ yêu thương. Mỗi khi nhớ về Tết xưa, không chỉ nhớ những món ăn, những phong tục, mà hơn hết là cảm giác ấm áp, quây quần bên những người thân yêu.

Tết đến, hãy gác lại những lo toan thường nhật, để sống trọn vẹn từng khoảnh khắc bên gia đình. Dù là Tết xưa hay Tết nay, điều quan trọng nhất vẫn là tình cảm, là sự gắn kết giữa các thế hệ.

Tết năm nay, nhìn lại những đổi thay, lại càng trân trọng hơn những giá trị giản đơn, chân thật mà Tết xưa mang lại. Tin rằng, dù thời gian có thay đổi, Tết sẽ mãi là dịp để mọi người tìm về những điều đẹp đẽ nhất trong trái tim mình.

Đức Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tim-lai-tet-trong-noi-nho-xua-35014.htm
Zalo