Tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong phát triển hệ sinh thái giáo dục số
Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của giáo dục số và những góc nhìn mới mẻ, giải pháp sáng tạo cho giáo dục tại Việt Nam.
Sáng 16/8, Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đổi mới sáng tạo trên hệ sinh thái giáo dục số” lần thứ 3 đã diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 23 đơn vị là các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.
Giáo dục số, cơ hội để bứt phá
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết; trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa, hệ sinh thái giáo dục số đã trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã mở ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành giáo dục.
Theo PGS.TS Trần Thị Hồng, các nền tảng học tập trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây và kỹ năng số… đang định hình lại cách chúng ta dạy và học.
“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang học tập trực tuyến và ứng dụng công nghệ số trong giáo dục. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục, cụ thể vào quy trình giảng dạy, phát triển nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tương tác với người học cũng như khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ kiến thức trong cộng đồng học thuật… Đó là những tác động mà công nghệ giáo dục tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng đào tạo”, PGS.TS Trần Thị Hồng chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Trần Thị Hồng, hiện nay nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục đã nhanh chóng thích nghi với mô hình giảng dạy mới, đồng thời tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu và triển khai các xu hướng đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái giáo dục số là rất cần thiết.
“Các nhà quản lý giáo dục, giảng viên và nhà nghiên cứu cần hợp tác chặt chẽ để phát triển các chiến lược và giải pháp phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại số và chuẩn bị cho thế hệ học sinh, sinh viên tương lai những kỹ năng cần thiết để thành công”, PGS.TS Trần Thị Hồng khẳng định.
Cần sự đồng bộ trong phát triển hệ sinh thái giáo dục số
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nhấn mạnh phải hiểu rõ đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số là gì? Sẽ không có một chuyển động nào, đổi mới nào thành công nếu không nằm trong một hệ thống đồng bộ. Vì vậy, phải làm thế nào để tất cả các tác nhân của hệ sinh thái đồng bộ với nhau và điều này rất quan trọng.
“Hiện nay, tất cả các trường rất mong muốn chuyển đổi số, mong muốn đổi mới sáng tạo nhưng đang vướng ở chỗ nào. Chúng ta có những chia sẻ gì để vượt qua điểm nghẽn đó không?”, GS.TS Mỹ Lộc đặt vấn đề và nhấn mạnh rằng con đường đổi mới sáng tạo trên hệ sinh thái giáo dục số còn rất dài, phải tháo gỡ dần những điểm nghẽn và muốn đi đến đích thì phải đi cùng nhau, tự bản thân một trường sẽ khó có thể đến đích được.
GS.TS Mỹ Lộc cho rằng: Các trường phải trao đổi để biết thêm về hệ sinh thái giáo dục của chúng ta hiện nay ra sao, phải tạo ra được sức mạnh tổng lực của toàn bộ các thiết chế giáo dục trong hệ thống giáo dục của đất nước. Đặc biệt, theo GS.TS Mỹ Lộc trong các kỳ đánh giá về đổi mới giáo dục đều khẳng định điểm nghẽn là ở quản lý, “nút ấn” ở đây là quản lý.
Nếu chúng ta gỡ được “nút ấn” này thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong đổi mới giáo dục. Vì vậy, mong các nhà khoa học quản lý và các thầy cô có thể chia sẻ về các chính sách hiện nay về quản trị đại học, quản lý giáo dục đại học vì vẫn có nhiều khái niệm đến nay chưa có hồi kết.
“Tầm chính sách ở cơ sở rất quan trọng, nhất là khi vấn đề tự chủ đã được trao cho các trường ĐH có độ mở rất lớn, đặc biệt ở các trường ĐH tư thục thì vấn đề tự chủ càng rõ nét. Tại sao trong cùng một hệ sinh thái chung, một môi trường chung mà có những nơi làm được và những nơi bế tắc? Từ đó có thể thấy vai trò của chính sách ở cơ sở giáo dục thế nào? Đó là kinh nghiệm, là giải pháp giúp tháo gỡ những khó khăn chung”, GS Lộc nhận xét.
Tham gia hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những ý tưởng đột phá, đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo trong giáo dục tại Việt Nam. Điển hình là các tham luận như: Nghiên cứu xu thế đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái giáo dục số bằng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục của TS. Trần Ái Cầm và cộng sự từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Tham luận Quan niệm về hệ sinh thái giáo dục số trong các trường đại học ở Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Danh Nam và cộng sự từ Đại học Thái Nguyên; Tham luận Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học thống kê theo hướng phát triển năng lực mô hình hóa cho sinh viên sư phạm của PGS.TS. Nguyễn Chí Thành và ThS. Nguyễn Thị Thảo Linh từ Đại học Quốc gia Hà Nội…