Tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương
Với sự nỗ lực lớn từ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất trong việc cải tiến chất lượng, mẫu mã và sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, nhất là ngành công thương, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, mở ra cơ hội phát triển.
Tích cực tham gia triển lãm, hội chợ
Hiện nay, nhiều loại sản phẩm công nghiệp nông thôn thế mạnh, sản phẩm OCOP ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất với mong muốn phát triển “dài hơi”, bền vững.
Sản phẩm OCOP huyện Dầu Tiếng tham gia các sự kiện triển lãm hàng hóa
Các đơn vị đã ý thức được việc phát triển thương hiệu, xây dựng các chuỗi liên kết, các kênh quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm là một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Minh Dương, Công Ty TNHH Thương mại Sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A cho biết, công ty phát triển sản phẩm truyền thống trên nền tảng công nghệ sinh học, trên cơ sở nguyên liệu hữu cơ để tạo ra sản phẩm phù hợp với chế độ dinh dưỡng của người tiêu dùng. Hiện tại, tất cả nguyên liệu đầu vào đều là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm. Dưới sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, trong quá trình hoạt động, công ty đã triển khai thực hiện chuỗi liên kết và ký kết hợp đồng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm.
“Chúng tôi tận dụng những hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, qua đó bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. Chúng tôi không chỉ tập trung ở những nơi bán được hàng mà cả những nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi cũng muốn giới thiệu, cho khách hàng trải nghiệm những món ăn truyền thống, giới thiệu quy trình sản xuất để từ đó khách hàng biết đến sản phẩm cùng công nghệ hiện đại mà chúng tôi thực hiện, tạo niềm tin cho khách hàng...”, ông Dương nói.
Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, từ sự hỗ trợ của ngành công thương, ngành nông nghiệp, UBND huyện, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm địa phương có nhiều khởi sắc. Nhiều sản phẩm của địa phương đã tham gia được chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu. Việc phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối, quảng bá sản phẩm được các đơn vị sản xuất chú trọng.
Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi liên kết theo “chiều dọc” để kết nối giữa các đơn vị sản xuất với nhà cung ứng, tiêu thụ hàng hóa vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các phương án hỗ trợ để phát triển các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa địa phương mang tính bền vững, giảm bớt phụ thuộc vào các khâu trung gian trong quá trình cung ứng, tiêu thụ.
Công Ty TNHH Thương mại Sản xuất thực phẩm Phú Mỹ A tận dụng các cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Minh Ý, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nấm ngon Việt (huyện Dầu Tiếng) chia sẻ: Nấm ngon Việt là đơn vị chuyên nuôi trồng, cung cấp nấm Đông trùng hạ thảo, nấm mối đen, nấm hầu thủ và nhiều loại nấm quý khác. Tất cả đều được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 với nguyên liệu, quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ, nhà xưởng khép kín, đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
“Chúng tôi tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá trong và ngoài huyện nhằm quảng bá thương hiệu sạch, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giá thành sản phẩm cạnh tranh. Qua một năm hoạt động, HTX Nấm ngon Việt tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo hình ảnh thương hiệu bền vững, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài cung cấp những sản phẩm phôi nấm, nấm tươi cho thị trường, HTX còn sản xuất và cung cấp cả meo nấm (giống nấm)”.
Thúc đẩy phát triển chuỗi tiêu dùng
Ông Nguyễn Văn Minh Ý cho biết thêm, để đáp ứng thời gian và chất lượng hàng hóa cũng như đủ năng lực nhận thêm nhiều đơn hàng nữa, HTX Nấm ngon Việt cần nguồn vốn để xây dựng, phát triển mô hình. Ông cho hay, để xây dựng chuỗi liên kết, rất mong các cấp, ngành, địa phương có phương án hỗ trợ HTX tiếp cận vay vốn để các hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu dùng.
Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo giới thiệu các sản phẩm OCOP địa phương với mong muốn tạo ra liên kết chuỗi cung ứng
Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, Dầu Tiếng một trong những đơn vị có 16 chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh. Một trong những khó khăn của đơn vị sản xuất nhỏ là phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để quảng bá sản phẩm, cũng như tìm các kênh tiêu thụ ổn định. Trong thời gian tới, huyện cũng mong muốn các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ để các đơn vị sản xuất có thêm nhiều sự hỗ trợ, kết nối sản phẩm từ các sở, ngành và địa phương. UBND huyện đang xây dựng các đề án để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ sản xuất có thêm sự hỗ trợ về vay vốn, hỗ trợ để chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng xanh, hiện đại, tạo các kênh kết nối sản xuất và tiêu thụ bền vững, khép kín.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để hỗ trợ đơn vị sản xuất, ngành công thương phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của địa phương vào chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ lớn, phát triển các kênh quảng bá, kết nối sản phẩm địa phương trên các kênh thương mại điện tử, trực tuyến....
Đồng thời, ngành tăng cường công tác thông tin, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất ở địa phương trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, mở rộng thị trường, chú trọng các hoạt động xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho hàng hóa; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm hàng hóa địa phương đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.