Tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào thị trường Halal
Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, để duy trì đà tăng xuất khẩu (XK) các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) nên chủ động ứng phó trước nguy cơ sụt giảm thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh vào mở rộng các thị trường tiềm năng trong đó có thị trường Halal để mở rộng XK.
Cơ hội vàng cho hàng Việt
Theo các chuyên gia và các báo cáo nghiên cứu cho thấy, thị trường Halal là một trong những thị trường tiềm năng, dư địa lớn để các nước tập trung khai khác. Trong đó, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá hàng nghìn tỷ USD. Song các chuyên gia, cho rằng cơ hội mở rộng thị trường rất lớn nhưng cũng nhiều khó khăn đòi hỏi DN phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các khâu để sản phẩm có chất lượng tốt và đáp ứng các tiêu chuẩn để đạt chứng nhận Halal.

Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.
Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân; trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal của Indonesia đã đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh XK các sản phẩm đạt chuẩn Halal sang thị trường này. Tuy nhiên, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với DN.
Tương tự, Malaysia đang nổi lên như một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Halal – ngành hàng phục vụ cộng đồng Hồi giáo chiếm hơn 60% dân số nước này. Đây chính là cơ hội vàng cho hàng Việt nếu biết cách vượt qua những rào cản kỹ thuật, cạnh tranh hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Kuwait cũng cho rằng, tại Kuwait, nhu cầu về các sản phẩm thịt Halal và hữu cơ đã tăng đáng kể, do sở thích ngày càng tăng đối với các lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo các yếu tố nhân đạo, giết mổ đạo đức và thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, vừa qua, một doanh nghiệp lớn tại Kuwait đã nhập khẩu 14 loại trái cây của Việt Nam, trong đó có nhiều loại quả thế mạnh XK như chôm chôm, na, xoài, chuối… Các sản phẩm được bày bán tại hệ thống siêu thị City Hypermarket – lớn nhất tại Kuwait cũng như các hệ thống Hợp tác xã tại các địa phương của Kuwait.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Pakistan là thị trường XK chè lớn nhất của Việt Nam (hơn 40% tổng lượng chè XK). Cá tra chiếm đến 95% thị phần tại đây, còn các mặt hàng như hạt tiêu, hạt điều, cà phê Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt, Việt Nam gần đây đã XK thành công nước hoa quả vào Pakistan – một thị trường có ngành chế biến trái cây phát triển mạnh. Ngoài thực phẩm, du lịch Halal của Việt Nam cũng có bước phát triển tích cực nhờ chính sách visa mới. Một số sản phẩm chăm sóc cá nhân và vệ sinh cơ thể của Việt Nam đã có mặt trên thị trường, mở đường cho mỹ phẩm Halal.
Nắm bắt cơ hội cạnh tranh từ thị trường Halal
Tuy nhiên, ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, thực tế cho thấy hàng Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và khai thác thị trường này một cách hiệu quả. Một trong những rào cản lớn đối với hàng Việt khi tiếp cận thị trường Halal chính là vấn đề chứng nhận Halal. Ngoài rào cản kỹ thuật, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước trong khu vực.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại tại Indonesia cũng cho biết, chứng nhận Halal của Indonesia cũng được coi là một rào cản phi thuế quan, khi thủ tục, thời gian cấp phép kéo dài, chi phí cao, hiệu lực lại ngắn, gây khó khăn cho DN vừa và nhỏ. Trong khi đó, số lượng các đơn vị được Indonesia ủy quyền cấp chứng nhận lại rất hạn chế, chỉ có duy nhất 1 đơn vị và cũng mới chỉ áp dụng cho thực phẩm, trong khi quy trình cấp chứng nhận khá phức tạp, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không chỉ đầu vào…
Để hàng Việt có thể trụ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Halal, theo các Thương vụ, DN cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia Hồi giáo về chứng nhận Halal, hỗ trợ thúc đẩy nhiều DN có giấy chứng nhận Halal hơn để XK vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa XK của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh. “Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, XK của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng.