Áp lực thuế quan từ Mỹ và cuộc chiến sinh tồn của ngành giày dép: Việt Nam nằm giữa làn đạn
Hàng loạt thương hiệu giày quốc tế kêu gọi Mỹ miễn thuế chỉ trong một tuần đã cho thấy mức độ khẩn cấp của rủi ro thuế quan trong chuỗi cung ứng giày dép – một trong những ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
76 thương hiệu giày dép hàng đầu thế giới, trong đó có Nike, Adidas, Skechers và Under Armour, vừa đồng loạt ký tên vào một lá thư gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề nghị miễn trừ giày dép khỏi chính sách thuế quan mới mà Washington đang áp dụng.

Ngành công nghiệp da giày hiện đang phải đối mặt với mức thuế đáng kể.
Lời kêu gọi từ các tên tuổi lớn
Bức thư do Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Hoa Kỳ (FDRA) gửi đi ngày 29/4, cảnh báo mức thuế lên tới hơn 200% sẽ gây ra "mối đe dọạ tiềm tàng" đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đẩy hàng trăm doanh nghiệp đến bờ vực đóng cửa, mất việc làm.
Theo FDRA, ngành giày dép đang phải đối mặt với các mức thuế tổng hợp cao từ 150% đến 220% khi tính cả thuế cũ và mới chồng lên nhau. "Ngành không thể chờ nhiều tháng để điều chỉnh chuỗi cung ứng trước một chế độ thuế quan chưa từng có tiền lệ."
Đáng chú ý, phần lớn giày dép tiêu dùng tại Mỹ hiện nay đến từ các quốc gia châu Á – trong đó Việt Nam là một trong những nguồn cung lớn nhất, cùng với Trung Quốc, Indonesia và Campuchia. Theo dữ liệu thương mại, Việt Nam hiện chiếm hơn 30% lượng giày dép nhập khẩu vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong phân khúc giày thể thao và giày trẻ em.
Thuế quan mới của chính quyền Trump được áp dụng từ đầu tháng 4, ban đầu áp mức trên 45% đối với hàng hóa từ Việt Nam và Campuchia, sau đó được giảm tạm thời xuống 10% trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lo ngại mức thuế cao sẽ quay lại vào tháng 7 tới, nếu không đạt được các thỏa thuận đàm phán.
Các hãng giày như Adidas và Skechers đã phải hoãn công bố hoặc điều chỉnh kế hoạch tài chính cả năm 2025, viện dẫn lý do bất ổn từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Nike cũng từng cảnh báo trước đó rằng thuế toàn cầu và các yếu tố địa chính trị sẽ ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng tại thị trường Mỹ.
Bức thư của FDRA nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất giày giá cả phải chăng cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp không thể chịu nổi mức thuế này. Việc áp thuế không những không đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ mà còn phá vỡ chuỗi cung ứng đang ổn định."
Hiệp hội cũng cho biết nhiều đơn hàng từ Việt Nam đã bị hoãn, lượng tồn kho giày dép tại Mỹ đang sụt giảm, trong khi kế hoạch chuyển đổi chuỗi cung ứng cần thời gian dài và đầu tư lớn – điều mà nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể đáp ứng trong “một chế độ thuế quan chưa từng có”.
Với vai trò là một trong những trung tâm sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, Việt Nam đang theo dõi sát tình hình đàm phán giữa các bên và chủ động duy trì sự ổn định chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sức ép từ thuế quan Mỹ tiếp tục là một ẩn số đáng lo ngại, đặc biệt với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao trong cơ cấu doanh thu.
Việt Nam là mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu giày dép đạt gần 24 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu ngành giày dép. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất tiêu thụ giày dép “Made in Vietnam”. Các nhà máy gia công cho Nike, Adidas, Puma và nhiều thương hiệu trung bình – cao cấp khác hiện đóng vai trò chủ lực trong việc duy trì nguồn cung giày cho thị trường Bắc Mỹ. Ngành này tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Nếu chính sách thuế được thực thi vào tháng 7 như dự kiến, hậu quả sẽ lan rộng. Đầu tiên là với người tiêu dùng Mỹ – giá giày thể thao và giày trẻ em, vốn đã phải chịu mức thuế từ 20–37,5%, sẽ đội lên thêm 42–46%, khiến giá bán lẻ tăng mạnh.
Thứ hai là áp lực đè lên chuỗi cung ứng. Các nhà máy tại Việt Nam vốn vận hành với biên lợi nhuận thấp, sẽ khó có khả năng “gồng gánh” thêm chi phí, trong khi các thương hiệu lớn cũng không thể dễ dàng dịch chuyển toàn bộ đơn hàng sang các nước khác vì chi phí đầu tư mới quá lớn. Việc tạm hoãn thuế trong 90 ngày là cơ hội ngắn hạn, nhưng không phải giải pháp lâu dài.
Thứ ba, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ – với tổng kim ngạch hơn 123 tỷ USD – có thể bị tổn thương. Việt Nam hiện là đối tác có thặng dư thương mại lớn thứ tư với Mỹ. Một cuộc chiến thuế quan leo thang có thể khiến dòng vốn đầu tư FDI mới vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu bị chững lại.
Một trong những lý do chính quyền Tổng thống Trump viện dẫn cho việc áp thuế là "đưa sản xuất về lại nước Mỹ". Nhưng trên thực tế, như chính FDRA phân tích, ngành giày dép Mỹ không còn hệ sinh thái sản xuất nội địa quy mô lớn. Việc đưa sản xuất quay lại Mỹ cần hàng tỷ USD đầu tư hạ tầng, công nghệ và đào tạo lại lực lượng lao động – điều gần như bất khả thi trong ngắn hạn.
Thậm chí, theo các chuyên gia, chính sự bất ổn từ thuế quan mới là rào cản lớn khiến các công ty ngần ngại đầu tư vào mô hình chuỗi cung ứng thay thế.
Ông Trịnh Văn Bản, chuyên gia thương mại quốc tế, nhận định: “Nếu mức thuế trên 45% của Mỹ tái áp dụng với giày dép từ Việt Nam sau tháng 7, doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tình trạng gián đoạn đơn hàng, gia tăng chi phí sản xuất, chi phí logistics và yêu cầu đàm phán lại hợp đồng với các nhà bán lẻ Mỹ là điều khó tránh khỏi.”
Bà Phạm Ngọc Linh, chuyên gia ngành hàng tiêu dùng tại Công ty tư vấn SupplyLink Asia, cho biết: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội củng cố vai trò trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, những biến động chính sách thuế quan như hiện nay nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư mới, đặc biệt từ các tập đoàn giày thể thao toàn cầu.”
Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng đang phối hợp với các đối tác quốc tế để tìm cách đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Việt Nam đang có những bước đi chủ động như đẩy mạnh đàm phán song phương, đề xuất miễn trừ thuế với các sản phẩm có giá trị gia tăng nội địa cao, đồng thời rà soát chứng nhận xuất xứ để tránh tình trạng “mượn nhãn Made in Vietnam”.
Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam cần chiến lược “hậu ưu đãi”, bao gồm: nâng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu; Phát triển công nghệ vật liệu và tự động hóa để giảm phụ thuộc vào lao động giá rẻ; Mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và các thị trường phi truyền thống như châu Âu, Trung Đông.
Trong ngắn hạn, Việt Nam đang đứng trước bài toán khó: vừa bảo vệ chuỗi cung ứng, vừa duy trì sự hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn. Hành động nhanh chóng và thận trọng trong điều hành chính sách là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trước biến động.