Bài 3: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc không chỉ nâng cao đời sống về mọi mặt mà còn tránh nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Tín hiệu vui” từ thế hệ trẻ

Tiếp nối tâm huyết của những nghệ nhân dân gian trong quá trình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số là những “tín hiệu vui” đến từ thế hệ hôm nay.

 Các cô gái dân tộc Mông ngồi thêu những bông hoa để làm những chiếc váy đẹp mắt.

Các cô gái dân tộc Mông ngồi thêu những bông hoa để làm những chiếc váy đẹp mắt.

Chị Hoàng Thị Hoa, Bí thư Chi đoàn Nà Lẹng, xã Bộc Bố là một trong những người trẻ tích cực tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Năm 2024, dự án "Mô hình sinh kế bản địa gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào Mông" của chị Hoa đã được vào vòng bán kết khu vực phía Bắc Cuộc thi Ý tưởng/Dự án khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10, năm 2024.

Dự án nhằm tạo sinh kế cho bà con dân tộc Mông ở xã Cổ Linh, thông qua việc kết hợp, cùng bà con phát triển du lịch trải nghiệm. Trong mô hình có sự liên kết với nhiều nghệ nhân nổi tiếng về khèn, vừa dạy thanh niên đồng bào thổi, vừa biểu diễn trong những buổi tối. Dự án cũng tạo thêm thu nhập cho bà con thông qua việc bán sản phẩm, đa phần là những sản phẩm có tính địa phương…

 Chị Hoàng Thị Hoa luôn tâm huyết trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Hoàng Thị Hoa luôn tâm huyết trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Hoa chia sẻ: “Tôi cùng các nghệ nhân dân gian đã tuyên truyền tới người dân, đặc biệt là giới trẻ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc tổ chức các buổi học tập, sinh hoạt, dạy múa khèn Mông, dạy thêu”. Hiện tại chị Hoa còn đẩy mạnh việc ứng dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quê hương và bán các sản phẩm thêu thủ công của dân tộc Mông.

Việc bảo tồn bản sắc văn hóa không chỉ phổ biến trong đoàn viên, thanh niên mà còn có sức lan tỏa sâu rộng trong các trường học. Tại Trường PTDT Nội trú THCS Pác Nặm, với mong muốn bảo tồn vũ điệu múa bát của dân tộc Tày, Chi bộ nhà trường đã đăng ký mô hình "Múa bát văn hóa truyền thống dân tộc Tày" là mô hình Tuyên giáo của huyện Pác Nặm năm 2024.

Để thực hiện mô hình, trường đã tích cực tuyên truyền cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh tham gia duy trì tập điệu múa bát trong các hoạt động giữa giờ hằng tuần; biểu diễn điệu múa bát vào các dịp lễ bế giảng, khai giảng của nhà trường. Mô hình được đông đảo học sinh hưởng ứng. Thông qua đó, góp phần giáo dục học sinh lòng tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống.

 Tiết mục múa bát của cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS Pác Nặm.

Tiết mục múa bát của cô và trò Trường PTDT Nội trú THCS Pác Nặm.

Cô Cà Thị Hoan, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Pác Nặm cho biết: Nhà trường đã lồng ghép giáo dục văn hóa truyền thống vào các môn học, với nội dung về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca... của các dân tộc. Đồng thời, tổ chức thi các trò chơi dân gian của dân tộc. Kết hợp với luyện tập các điệu múa, dân ca, dân vũ các dân tộc, học sinh sẽ ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Hay như mô hình dân vận khéo “Vận động Nhân dân trên địa bàn xã tham gia duy trì, phát huy câu lạc bộ Lượn cọi xã Giáo Hiệu” của chị Hoàng Thị Hoạt, công chức Văn hóa - Xã hội xã Giáo Hiệu đã góp phần khuyến khích người dân lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương...

Những chính sách hợp lòng dân

Nhiều năm qua, người Sán Chỉ ở Khâu Đấng, xã Bộc Bố đã cố gắng giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trước tác động của dòng xoáy kinh tế thị trường. Như việc duy trì mặc trang phục truyền thống hằng ngày và se lanh, dệt vải. Hiện nay trong thôn còn năm hộ giữ được nghề dệt vải truyền thống; lễ cấp sắc; điệu "Múa mặt nạ"; làn điệu "sình cộ"...

 Thôn Khâu Đấng từ trên cao đẹp như một bức tranh.

Thôn Khâu Đấng từ trên cao đẹp như một bức tranh.

Từ năm 2023, với nguồn lực của Dự án 6, chính quyền huyện Pác Nặm đã triển khai xây dựng Làng du lịch cộng đồng tại thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố - nơi sinh sống của 36 hộ đồng bào Sán Chỉ với không gian đậm bản sắc văn hóa. Để triển khai nội dung này, huyện Pác Nặm đã dành nguồn lực đầu tư đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội; hỗ trợ và hướng dẫn 5 hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay; thực hiện trồng rau sạch, chăn nuôi để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

Ngoài ra, thông qua hình thức xã hội hóa, huyện hỗ trợ các loại cơ sở vật chất như chăn, màn, đệm…. cho những hộ thực hiện kinh doanh dịch vụ homestay.

Chị Hoàng Thị Mộng, Bí thư Chi Bộ thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn tập trung làm đường, tu sửa nhà cửa, trồng hoa và cây xanh để tạo cảnh quan môi trường. Hy vọng trong thời gian tới, thôn Khâu Đấng sẽ đẹp hơn, được nhiều người biết đến…

 Người dân thôn Khâu Đấng vẫn còn giữ được nghề dệt vải truyền thống.

Người dân thôn Khâu Đấng vẫn còn giữ được nghề dệt vải truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Bộc Bố Hà Việt Phương cho biết: “Khâu Đấng có nhiều tiềm năng thiên nhiên, văn hóa và có nhiều phong tục tập quán đặc trưng. Thế hệ trẻ của thôn có tư duy tiến bộ trong phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với các yêu cầu, điệu kiện về phát triển mô hình du lịch cộng đồng...”.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 6), được triển khai tại thôn Khâu Đấng, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Qua kiểm tra, lãnh đạo tỉnh đánh giá ưu thế của địa phương trong triển khai mô hình. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ Dự án và nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch tại thôn. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nhân dân thôn Khâu Đấng nói riêng và xã Bộc Bố nói chung.

 Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông ở Pác Nặm.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông ở Pác Nặm.

Cùng với đó, năm 2021, huyện Pác Nặm đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Pác Nặm, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 37/KH-UBND về xây dựng, cải tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng tới phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện các kế hoạch đề ra, huyện Pác Nặm đã khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp truyền dạy hát then, lượn; thành lập các CLB hát then, lượn cọi, hát ru của người Tày, múa khèn của người Mông; tham gia các liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh…

Những năm gần đây, phong trào bảo tồn di sản văn hóa đã dần trở thành hoạt động mang tính thường xuyên, chủ động, tích cực ở các bản, làng. Hằng năm các CLB, các nghệ nhân, người dân đã gặp gỡ, giao lưu, thực hành và truyền dạy. Qua đó, để mỗi người dân không chỉ là người sở hữu, thụ hưởng mà còn là người truyền bá giàu cảm hứng về quê hương, về bản sắc của dân tộc mình.

 Pác Nặm là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống.

Pác Nặm là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống.

Với bức tranh văn hóa đa sắc màu được lưu giữ và truyền đời từ hàng trăm năm, Pác Nặm mang trên mình dấu ấn riêng của mảnh đất vùng cao. Chính quyền huyện Pác Nặm luôn xác định văn hóa mãi là nguồn lực nội sinh và động lực phát triển để địa phương vươn mình trên những chặng đường mới. ../.

Ma Mận - Bích Huyền

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bai-3-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-doi-song-duong-dai-post70983.html
Zalo