Tìm hướng đi cho hạt lúa thơm

Bắt đầu từ vai trò một người nông dân, tự tay trồng những cây bắp, hạt lúa, rồi dần dần, từ đồng ruộng đã thực hiện khâu cuối cùng trong chế biến gạo, xây dựng nhà máy xay xát gạo - bắp; một nhà nông xứ lúa Đạ Tẻh, Đạ Huoai đã khép kín vòng đời của cây lúa.

Ông Đàm Văn Điều bên máy tách gạo tẻ

Ông Đàm Văn Điều bên máy tách gạo tẻ

Thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai vốn nổi tiếng với những đồng ruộng bát ngát, những cây lúa OM, hương thơm và giống nếp quýt hạt tròn, thơm nồng vụ Thu - Đông. Thời gian gần đây, đất Đạ Tẻh còn trồng được cả gạo ST25, giống gạo dài, mảnh được chứng nhận “gạo ngon nhất thế giới”. Ông Đàm Văn Điều, người nông dân của xứ lúa Đạ Tẻh cũng đã gắn bó cả cuộc đời mình với cây lúa thơm.

“Tôi vốn là cư dân vùng miền núi phía Bắc vào xây dựng kinh tế mới Đạ Tẻh từ năm 1990. Ban đầu, tôi và gia đình làm lúa là chính, cũng cấy trồng các loại lúa phổ thông như bà con khác, lúa thơm, OM và nếp quýt. Đất Đạ Tẻh nước dồi dào, khí hậu hợp với cây lúa, gia đình đã gắn bó với cây lúa, hạt thóc mấy chục năm”, ông Đàm Văn Điều, chủ Nhà máy xay xát Đàm Điều rất tự hào về nguồn gốc nông dân, cả đời gắn bó với cây lúa của mình. Ông bảo, người nông dân quen với cây lúa, với đất đai, ít quan tâm tới đầu ra cho cây lúa. Người nông dân chăm chỉ nhưng giá lúa lên - xuống, đầu ra chưa được thuận lợi. Cũng vì vậy, nông dân Đàm Văn Điều làm quen với việc xay xát hạt lúa để chủ động tìm hướng đi cho hạt lúa thơm.

Ông Đàm Văn Điều kể lại, ban đầu, ông mua loại máy xay xát nhỏ, chỉ dùng để chế biến lượng thóc của gia đình và anh em bà con láng giềng. “Lúc ấy nhà tôi làm cho gia đình và bà con xung quanh là chủ yếu, gạo, cám thì bán cho hàng xáo, hàng gạo loanh quanh. Nhưng nhu cầu của bà con ngày càng mở rộng, việc xay xát nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của bà con cũng như không tận dụng được các sản phẩm phụ từ hạt thóc”, ông Điều kể lại. Vậy là sau nhiều lần thay đổi máy móc, nâng cao công suất, năm 2014, Nhà máy xay xát Đàm Điều ra đời với công nghệ khép kín. Nhà máy xay xát chủ yếu thu mua lúa đặc sản của bà con trồng lúa vùng thị trấn Đạ Tẻh và các xã lân cận. Khi vào mùa, bà con gọi là nhà máy cho xe xuống tận nơi, nhận thóc tươi mang về sấy, sau đó xay xát, đánh bóng và đóng bao xuất khẩu. Tuy nhiên, trong các công đoạn sản xuất đòi hỏi nhà máy phải có công nghệ đạt chuẩn, giúp hạt gạo đạt chất lượng cao nhất. Như hiện tại, Nhà máy chế biến lúa Đàm Điều đã lắp đặt hệ thống 1 chiều, hạt lúa tươi đi vào và hạt gạo trắng, khô được đóng bao đi ra trong khâu cuối cùng. Chỉ có khép kín quy trình chế biến, hạt gạo của nông dân mới giữ được chất lượng và đạt chuẩn xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa.

Ông Điều cho biết, nhà máy áp dụng hệ thống sấy thóc tươi bằng vỏ trấu, trấu của mẻ lúa trước được sử dụng cho chính vụ sấy sau, nhà máy hoạt động hoàn toàn khép kín, không thải sản phẩm phụ ra môi trường. Tro trấu sau khi đốt còn là loại phân bón hữu hiệu, dùng để bón cho cây trồng rất tốt. Các loại máy như: máy tách tẻ, tách gạo tẻ ra khỏi gạo nếp đã giúp chất lượng gạo được nâng cao rõ rệt.

Mỗi ngày, Nhà máy Đàm Điều thu mua, sản xuất trung bình 4 - 5 tấn lúa, đặc biệt vào các vụ cao điểm thu hoạch lúa của bà con xã An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh, sản lượng chế biến còn tăng hơn nhiều. Bà Nông Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn đánh giá, Nhà máy Đàm Điều đã góp phần giúp bà con nông dân trồng lúa thuận lợi trong thu hoạch. Thị trấn Đạ Tẻh có 800 ha đất trồng lúa, bình thường, bà con trồng 2 vụ/năm, có nơi còn đạt 3 vụ. Nếu trước đây, nhà máy xay xát ở xa thì bà con phải gặt, đóng bao chờ người thu mua tới thì từ khi nhà máy hoạt động ngay tại địa bàn, bà con chỉ cần gọi điện là có xe tới chở đi. Việc đưa thóc tươi vào chế biến trong ngày giúp chất lượng hạt gạo Đạ Tẻh được đảm bảo. Là một người nông dân, ông Đàm Văn Điều luôn hỗ trợ nông dân nhiệt tình với việc thanh toán tiền nong nhanh chóng, giới thiệu cho bà con những giống lúa mới đang được thị trường ưa chuộng, năng suất cao, giá tốt. Một điều rất đặc biệt, ông Đàm Văn Điều là một nông dân người dân tộc Nùng gốc Hòa An, Cao Bằng. Vào quê mới, làm ăn hiệu quả, ông Đàm Văn Điều luôn nhiệt tình cùng công tác Hội, nhiệt tình với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bà Lan Phương cũng chia sẻ thêm, trong tương lai, Hội Nông dân định hướng xây dựng chuỗi canh tác - chế biến gạo chất lượng cao và sự tham gia của nhà máy xay xát trong khâu chế biến là không thể vắng bóng người nông dân Đàm Văn Điều.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/tim-huong-di-cho-hat-lua-thom-b076285/
Zalo