Mở rộng thị trường để giảm rủi ro cho ngành gạo

Sau một năm, giá gạo xuất khẩu giảm 150-260 đô la Mỹ/tấn, nằm ngoài dự báo của nhiều doanh nghiệp. Điều này cho thấy thị trường lúa gạo luôn có rủi ro khó đoán. Vì vậy, thay vì tập trung vào một ít khách hàng lớn, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường để gia tăng sức chịu đựng cho ngành hàng chủ lực này.

Mở rộng thị trường để giảm rủi ro cho ngành lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh

Mở rộng thị trường để giảm rủi ro cho ngành lúa gạo. Ảnh: Trung Chánh

“Mình cũng biết là giá gạo sẽ giảm nhưng không ngờ giảm quá sâu như vậy”, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An tỏ ra bất ngờ khi giá gạo giảm mạnh ngoài dự báo.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, gạo 5% tấm được chào bán xuống dưới 400 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn mức giá cuối tháng 6-2023, tức trước khi Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (non- basmati) vào tháng 7-2023 lên đến khoảng 112 đô la Mỹ/tấn. Tương tự, gạo 25% tấm hiện có giá 371-375 đô la Mỹ/tấn, tức thấp hơn mức giá thời điểm cuối tháng 6-2023 khoảng 117 đô la Mỹ/tấn; gạo thơm Jasmine cũng giảm khoảng 40 đô la Mỹ/tấn, xuống còn 570-575 đô la Mỹ/tấn.

Nếu so sánh với thời điểm giá gạo đạt đỉnh, tức vào tháng 1-2024, hiện gạo 5% tấm đã giảm khoảng 260 đô la Mỹ/tấn; gạo 25% tấm cũng giảm ở mức tương tự; gạo thơm Jasmine sụt giảm ít hơn, nhưng hiện cũng “mất” 150 đô la Mỹ/tấn so với mức giá vào thời điểm tháng 1-2024.

Sau khoảng một năm (từ tháng 1-2024 đến đầu tháng 2-2025), gạo xuất khẩu “mất giá” từ 150-260 đô la Mỹ/tấn (tùy loại) như nêu trên là mức sụt giảm quá nhanh trong nhiều năm qua, khiến doanh nghiệp bị bất ngờ.

Đa dạng hóa thị trường để tăng sức cạnh tranh

Ông Bình của Trung An khi trao đổi với KTSG Online lý giải, giá gạo sụt giảm xuất phát từ yếu tố cung/cầu, tức các quốc gia nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Maylaysia hạn chế mua trong khi nguồn cung dồi dào từ Ấn Độ, khiến giá gạo thế giới, trong đó có Việt Nam đi xuống. Lượng tồn kho của các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam tương đối đầy, chưa phải là lúc mua vào, trong khi thông tin nguồn cung dồi dào lan truyền càng gây sức ép lớn đến giá gạo.

Mới đây, Philippines- quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2024) cho phép giải phóng nguồn dự trữ do Cơ quan lương thực quốc gia (NFA) nắm giữ. Điều này, giúp người dân Philippines tiếp cận được nguồn gạo giá rẻ nhưng cũng đã phần nào có ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 9,034 triệu tấn gạo các loại, trong đó, Philippines, Indonesia và Malaysia là ba thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,61% tổng khối lượng gạo bán ra. Đây là con số này cho thấy Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào một số ít thị trường truyền thống.

Việc phụ thuộc như trên trong bối cảnh ngành lúa gạo thường biến động mạnh đặt ra vấn đề cần mở rộng thêm thị trường để giảm nhẹ tác động tiêu cực cho ngành hàng này.

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Vũ Phát cho rằng, việc doanh nghiệp tập trung quá lớn vào một số ít thị trường mua số lượng nhiều là nguyên nhân khiến ngành gạo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi rủi ro xảy ra. “Thái Lan xuất gạo đi rất nhiều nước nên không phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. Việt Nam phụ thuộc vào Philippines, Indonesia, Malaysia nên gặp khó khi có biến động”, ông giải thích.

Theo ông, ngành gạo Việt Nam cần có cách làm như Thái Lan, tức khai thác đa dạng thị trường để gia tăng thêm sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo.

Trao đổi với KTSG Online về lý do tại sao doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn đều tập trung vào một số ít thị trường lớn, một chuyên gia ngành lúa gạo (đề nghị không nêu tên) cho rằng, việc kinh doanh của doanh nghiệp lớn hiện đang tập trung vào cách thức mua bán “hưởng chênh lệch đầu tấn”, chứ không tập trung vào giá trị, tức bán khối lượng càng nhiều lợi nhuận càng cao.

Theo đó, ví dụ doanh nghiệp A ký hợp đồng xuất khẩu cho đối tác B với giá 400 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm thì trên cơ sở giá ký hợp đồng, A sẽ gom mua gạo từ các đầu mối cung cấp trong nước với mức giá “sau khi trừ đi tất cả chi phí có liên quan, bao gồm cả làm hàng và trả hợp đồng”, A (dự kiến) vẫn có lãi trên mỗi tấn bán ra. Dĩ nhiên, cách làm này, A cũng sẽ đối mặt với rủi ro, nhất là khi thị trường biến động tăng đột ngột, gom hàng không kịp có thể thua lỗ.

Do hưởng chênh lệch đầu tấn nên doanh nghiệp luôn có khuynh hướng giảm giá để cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khác ở trong nước lẫn của các quốc gia đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ... nhằm có được nhiều hợp đồng bán gạo. Điều này sẽ dẫn đến câu chuyện cuối cùng là giá lúa của nông dân cũng sẽ nhanh chóng sụt giảm.

Khai thác tối đa thị trường như cách người Thái thực hiện. Trong ảnh là gạo Thái được giới thiệu bán sang Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Khai thác tối đa thị trường như cách người Thái thực hiện. Trong ảnh là gạo Thái được giới thiệu bán sang Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Làm sao để mở rộng sang thị trường mới?

Việc khai thác tốt thị trường truyền thống cần được duy trì nhưng để gia tăng sức cạnh tranh, hạn chế rủi, ngành gạo cần mở thêm nhiều thị trường mới.

Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ của Vũ Phát cho rằng, “không có công thức chung” cho việc mở thị trường, mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng để thực hiện việc này.

Chẳng hạn, với Vũ Phát, là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên chọn cách xuất khẩu ủy thác, đi số lượng vừa phải nhưng khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, giá bán cao. Khối lượng bán ra có thể không quá lớn ở mỗi đơn vị nhưng nếu nhiều công ty làm được việc này, khai thác thị trường ngách thuộc phân khúc cao cấp thì sẽ có đóng góp không nhỏ. "Việc tạo thế cân bằng giúp giảm thiểu rủi ro cho ngành gạo, nhất là về mặt giá cả", ông nói.

Trên cơ sở định hướng khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phẩm, kiểm dịch thực vật, chọn loại sản phẩm phù hợp vì mỗi thị trường có những yêu cầu khác nhau, bao gồm cả việc ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc...

“Từ yêu cầu thị trường mình quay lại tổ chức sản xuất để đáp ứng thị trường, tức là từ ban đầu phải phân khúc thị trường, tự đánh giá sản phẩm của mình tốt hay không tốt trước khi chào bán ra quốc gia đó”, ông Vũ nhấn mạnh.

Cũng theo ông, để khai thác hiệu quả thị trường, bên cạnh chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị, chăm sóc khách hàng... phù hợp. “Tóm lại, từ thế mạnh của doanh nghiệp và sự hiểu biết nhu cầu, quy định thị trường mục tiêu mới có thể mở rộng và khai thác tốt thị trường”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Bình của Trung An khi trao đổi với KTSG Online gợi ý, cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, tức sản xuất sản phẩm phải theo đúng nhu cầu của thị trường.

Đối với Trung An, đơn vị đang liên kết sản xuất khoảng 12.000 héc ta với nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kinh nghiệm là doanh nghiệp đề ra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hỗ trợ chi phí đầu tư (giống, vật tư đầu vào) và chịu trách nhiệm mua lúa trong khi nông dân phụ trách sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp quy định.

“Dĩ nhiên, tiêu chuẩn này xuất phát từ thị trường”, ông nói và cho rằng, mỗi thị trường sẽ có quy định riêng, doanh nghiệp phải luôn cập nhật và đáp ứng những quy định này. Có như vậy thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường để mở rộng mạng lưới khách hàng.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mo-rong-thi-truong-de-giam-rui-ro-cho-nganh-gao/
Zalo