Tìm hiểu văn bia tháp Tịnh Từ tại chùa Ninh Phúc (Thủy Nguyên, Hải Phòng)
NSGN - Chùa Ninh Phúc (寜福寺 Ninh Phúc tự) tọa lạc tại thôn Nhân Lý, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng1.
Chùa được lập khi nào chưa rõ. Trong các di văn còn sót lại, được biết niên hiệu Chính Hòa triều Hậu Lê, chùa dựng cây thiên đài thạch trụ và điều đó cho biết ngôi chùa đã được hình thành, đoán thế kỷ XVII. Chùa hiện được trùng tu khang trang, gồm một tòa Tam bảo, nhà tổ và các công trình hữu dụng trong chốn thiền môn. Chùa nằm bên ngôi đình làng, phía trước là nghĩa địa của nhân dân địa phương. Trong lần trùng tu gần đây, nhà chùa có dựng cây tháp đá trước cổng khá công phu.
Phía bên phải nhà tổ nối tiếp là khu tháp, gồm 5 ngọn tháp được xây bằng gạch, kiểu dáng tháp nhà sư thông dụng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một ngôi tháp phía sau, sát nhà tổ, có biển đề “Phổ Đồng tháp”, tức tháp chứa nhiều linh cốt của các nhà sư. Mặt phía trước có tấm văn bia, chữ nét mỏng, mờ, sẽ giới thiệu phần sau. Phía dưới chân tháp có một tấm đá phẳng, mà tấm đá đó chính là biển ngạch, với ba chữ Hán lớn “Tịnh Từ tháp浄慈塔”. Đây là biển ngạch của ngôi tháp Tịnh Từ thờ Thiền sư Hải Soạn Thích Thời Thời. Đọc tấm bia được gắn trên mặt trước tháp Phổ Đồng mà hàng đầu khắc “Nam-mô Tịnh Từ tháp bi ký南無浄慈塔碑記” tức bài ký bia kính lễ tháp Tịnh Từ, giống tên tháp mà biển ngạch đặt dưới chân tháp. Qua sự tìm hiểu, cách đây không lâu, nhà chùa cho di dời các ngôi tháp, quy hoạch vào một khu, nằm bên tổ đường. Tháp Tịnh Từ được hạ giải, cốt được táng vào ngôi tháp mới, tức tháp Phổ Đồng và gắn bia hành trạng vào mặt trước ngôi tháp. Biển ngạch dư ra, nhà chùa để tạm dưới chân tháp. Công việc trùng tu có ý nghĩa.
Tấm bia được gắn mặt trước của ngôi tháp mới, tức tháp Phổ Đồng chính là bia ghi chép hành trạng Thiền sư Hải Soạn Thích Thời Thời. Bia chế tác bằng đá xanh, khắc chữ Hán nét nhỏ, mỏng, một số chữ mờ. Bia khổ 50 x 60 cm, không trang trí hoa văn, có 23 hàng chữ Hán, mỗi hàng khoảng 26 chữ, khắc theo lối Khải thư. Hàng đầu tiên đề tên “Nam-mô Tịnh Từ tháp bi ký”. Bia được lập giữa xuân năm Canh Thân (1800) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 triều Tây Sơn. Bia do Sa-môn Tuệ Nhãn, chùa Bảo Quang, Lãm Sơn2 soạn.
Nội dung văn bia chia làm hai phần rõ rệt. Phần thứ nhất là bài ký bia tháp Tịnh Từ, ghi chép sơ lược hành trạng Thiền sư Hải Soạn Thích Thời Thời, vị Đại sư trụ trì chùa Ninh Phúc xã Nhân Lý. Phần thứ hai gồm môn đồ thiền sư, chỉ có 7 vị Tăng xuất gia và danh sách thiện tín đứng cúng dường xây tháp. Thiện nam ghi rõ họ tên và tên tự, riêng nữ giới thì ghi họ cùng tên hiệu. Danh sách thiện tín được sắp xếp theo địa phương từng xã cho tiện tra cứu và dễ xem. Phần này bia khá mờ, Nguyễn Văn Thanh, nhân viên Viện Nghiên cứu Hán Nôm sử dụng thác bản tại bổn viện để số hóa chữ Hán. Sau đây, xin cung lục chữ Hán, dịch và chú.
南無浄慈塔碑記
門府水棠縣仁里社人也,諱名阮文千,法号比丘海撰釋時時。先遇甘露寺本師,修福于貫寜福寺年。當壬子悟道出家剃度十一歲,侍者三四年。未幾聞金城縣費家社延福寺晦跡祖師住處尋求入會,憫度依旨。至庚申,辛酉四方風起,禪徒分秩。荏苒至壬戌方回本貫隨師。至戊子3年天下暫平,棠山社上下等請住三聖寺,本師命大劳開境。己丑4又住越溪5金砂寺焚香祝。
至丁丑九月二十四日本師示寂付住棠山本寺。壬午上紫岑山禪風院密受大戒。至乙酉十一月十七日在天恩侍病祖師。本年五月十三日祖師入無言際,付囑上首道場。萬事禪心領旨. 于以, 終始功夫, 前後事跡, 悟師得旨以修持。淘汰琢磨之浄尽,遺傳聚相, 標幟禪林,垂萬代於宗門。圓証千秋常住,承依旨, 繼踵維持云耳。
南無浄慈塔摩訶沙門海撰釋時時頓悟禪師座下.
偈銘曰
宿承貫址6跡遺身7
佛法尊崇報留恩
仁里生緣8垂聚相9
福來繼踵命依真10
竹林圓証標金剎11
禪野功成顯價珍
續焰聯芳12遵法軌13
香燈奉事永長春14 .
培人社法子比丘字寂柔釋團團,字寂活15釋燈燈,字寂奕釋慈慈,字寂煙釋堂堂,字寂培釋種種,字寂焰,字寂評.
仁里社黃國賞字福想妻阮氏号妙韜范伯瑩字福玉妻同氏号妙江阮氏号妙成.
同里社阮登第字福元妻阮氏号妙鶴阮氏号妙賴阮氏号妙良阮氏号妙清范氏号妙恕寄存黃公字寂卓.
[]16里社謝世濟字福卿妻同氏号妙松黃廷桂字福瞻妻同氏号妙福阮廷治字福位妻黃氏号妙接字寂勝信娓黃氏号妙雲黃氏号妙忍黃氏号妙明黃氏号妙蓮范氏号妙願黃氏号妙体阮氏号妙意黃氏号妙提黃氏号妙恩 阮氏号妙 曰阮氏号妙進阮氏号妙順阮氏号妙意.
復禮社阮氏号妙解范氏号妙寧范氏号妙夏范氏号妙可范氏号妙順范氏号妙接杜氏号妙厥.
阮氏号妙[]阮氏号妙序杜氏号妙意丁氏号妙濟丁氏号妙宗丁氏号妙慎農氏号妙性阮氏号妙包.
景盛八年歲在庚申仲春吉日建塔碑記.
覽山寳光寺慧眼沙門撰。
Dịch nghĩa:
Bài ký bia kính lễ tháp Tịnh Từ.
[Thầy] thế danh là Nguyễn Văn Thiên, pháp hiệu là Tỷ-kheo Hải Soạn Thích Thời Thời, người Lý Nhân, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn. Trước [thầy] gặp bản sư ở chùa Cam Lộ17, tu phúc chùa Ninh Phúc ở quê. Đương năm Nhâm Tý (1732), ngộ đạo xuất gia, thế độ lúc 11 tuổi, hầu thầy được 3, 4 năm. Chưa lâu, nghe nơi ở của Tổ sư Hối Tích18 chùa Diên Phúc, xã Phí Gia, huyện Kim Thành, tìm đến xin vào hội, siêng độ cho làm nơi y chỉ. Đến năm Canh Thân (1740), Tân Dậu (1741), bốn phương [loạn] nổi lên, thầy trò chia tránh. Thấm thoát đến năm Nhâm Tuất (1742), mới trở về quê theo thầy. Năm Mậu Tý (ngờ bia chép nhầm, Giáp Tý, 1744), thiên hạ tạm yên, mọi người trên dưới xã Đường Sơn thỉnh về chùa Tam Thánh19. Thầy lệnh thay thầy mở cảnh. Năm Kỷ Sửu (đúng là năm Ất Sửu, 1745), lại ở chùa Kim Âu xã Việt Khê đốt hương [cầu nguyện]. Ngày 24 tháng 9 năm Đinh Sửu (1757), bản sư thị tịch, giao cho trụ trì chùa Đường Sơn20 bản xã. Năm Nhâm Ngọ (1762), lên viện Thiền Phong, núi Tử Trầm lặng nhận đại giơí21. Ngày 17 tháng 11 năm Ất Dậu (1765), Tổ sư thị bệnh tại chùa Thiên Ân. Ngày 13 tháng 5 năm ấy, Tổ sư vào cõi vô ngôn22, giao phó làm Thượng thủ đạo tràng23. Muôn việc thảy dùng tâm thiền để lĩnh hội, thế rồi, dốc sức công phu trọn vẹn, nắm rõ quá trình trước sau, được thầy khai ngộ mà vỡ ra chỉ thú để tu tập, gạn lọc mài giũa sạch nhẵn, gom những hành trạng còn lưu lại, đủ làm mô phạm chốn thiền lâm, truyền lại tông môn muôn đời sau, tu chứng tròn đầy còn mãi với nghìn xưa, nương nhờ vào tông chỉ ấy mà nối gót gìn giữ vậy.
Kính lễ dưới tòa tháp Tịnh Từ của Đại Sa-môn Hải Soạn Thích Thời Thời Đốn Ngộ Thiền sư.
Bài kệ minh rằng:
Xưa nhờ quê cũ náu nương thân
Kính chuộng đạo mầu mãi đáp ân
Nhân Lý quê hương lưu bảo tháp
Phúc Lai nối gót mạng nhờ chân
Rừng sâu tu chứng ngời chùa cổ
Thiền đã công thành rạng quý trân
Tiếp lửa nối gương noi phép tắc
Đèn hương lễ cúng mãi ngàn xuân.
Pháp tử Tỷ-kheo tự Tịch Nhu Thích Đoàn Đoàn xã Bồi Nhân, tự Tịch Hoạt Thích Đăng Đăng, tự Tịch Diệp Thích Từ Từ, tự Tịch Yên Thích Đường Đường, tự Tịch Bồi Thích Chủng Chủng, tự Tịch Diệm, tự Tịch Bình.
Xã Nhân Lý: Hoàng Quốc Thưởng tự Phúc Tưởng, vợ họ Nguyễn hiệu Diệu Thao. Phạm Bá Oánh tự Phúc Ngọc, vợ họ Đồng hiệu Diệu Giang, họ Nguyễn hiệu Diệu Thành. Xã Đồng Nhân: Nguyễn Đăng Đệ tự Phúc Nguyên, vợ họ Nguyễn hiệu Diệu Hạc, họ Nguyễn hiệu Diệu Lại, họ Nguyễn hiệu Diệu Lương, họ Nguyễn hiệu Diệu Thanh, họ Phạm hiệu Diệu Thứ gởi con Hoàng công tự Tịch Trác.
Xã Nhân []: Tạ Thế Tế tự Phúc Khanh, vợ họ Đồng hiệu Diệu Tùng. Hoàng Đình Giai tự Phúc Chiêm, vợ họ Đồng hiệu Diệu Phúc, Nguyễn Đình Trị tự Phúc Vị, vợ họ Hoàng hiệu Diệu Tiếp, tự Tịch Thắng. Tín vãi: họ Hoàng hiệu Diệu Vân, họ Hoàng hiệu Diệu Nhẫn, họ Hoàng hiệu Diệu Minh, họ Hoàng hiệu Diệu Liên, họ Phạm hiệu Diệu Nguyện, họ Hoàng hiệu Diệu Thể, họ Nguyễn hiệu Diệu Ý, họ Hoàng hiệu Diệu Đề, họ Hoàng hiệu Diệu Ân, họ Nguyễn hiệu Diệu Viết, họ Nguyễn hiệu Diệu Tiến, họ Nguyễn hiệu Diệu Thuận, họ Nguyễn hiệu Diệu Ý.
Xã Phục Lễ: họ Nguyễn hiệu Diệu Giải, họ Phạm hiệu Diệu Ninh, họ Phạm hiệu Diệu Hạ, họ Phạm hiệu Diệu Khả, họ Phạm hiệu Diệu Thuận, họ Phạm hiệu Diệu Tiếp, họ Đỗ hiệu Diệu Quyết. Họ Nguyễn hiệu Diệu [], họ Nguyễn hiệu Diệu Tự, họ Đỗ hiệu Diệu Ý, họ Đinh hiệu Diệu Tế, họ Đinh hiệu Diệu Tông, họ Đinh hiệu Diệu Thận, họ Nông hiệu Diệu Tính, họ Nguyễn hiệu Diệu Bao.
Ngày lành giữa xuân năm Canh Thân (1800) Cảnh Thịnh thứ 8 kiến tháp [khắc] bài bia ký. Sa-môn Tuệ Nhãn chùa Bảo Quang, núi Lãm soạn.
Sơ lược hành trạng Thiền sư Hải Soạn qua văn bia tháp Tịnh Từ và các tư liệu hữu quan
Trước hết, Thiền sư Hải Soạn Thích Thời Thời, ngoài bia Nam-mô Tịnh Từ tháp bi ký (còn gọi là bia chùa Nhân Lý, hoặc bia chùa Ninh Phúc) ra, chúng tôi còn tiếp cận thác bản bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh (còn gọi là bia chùa Thiên Ân hoặc bia chùa Phúc Lai) được lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Thác bản mang ký hiệu 4432, được rập in trước năm 1945 bởi nhân viên Trường Viễn Đông Bác Cổ. Theo địa chỉ ghi trên thác bản thì bia gắn trên thân tháp tại chùa Thiên Ân, xã Phúc Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, bia và tháp không còn, chúng tôi sử dụng thác bản để nghiên cứu. Bia này do Lão thiền Thân Thân viện Hội Ninh soạn. Thân Thân là một đạo hiệu của Thiền sư Hải Khâm, mà bia chùa Nhân Lý ghi là Sa-môn Tuệ Nhãn chùa Bảo Quang, Lãm sơn. Ngài trước xuất gia tu học và trụ trì chùa Bảo Quang trên núi Lãm thuộc xã Nam Sơn, Thành phố Bắc Ninh bây giờ. Sau đó, ngài về trụ trì chùa Linh Quang thôn Phú Mẫn, huyện Yên Phong và lập Viện Hội Ninh để đào tạo học trò. Như vậy, Thiền sư Hải Khâm Thân Thân chính là soạn giả của hai bài bia tháp Tịnh Từ tại hai chùa Thiên Ân và Ninh Phúc, được tạc vào đá năm Canh Thân (1800).
Khi đã biết cùng chung soạn giả, chúng ta sẽ lấy hai bia để tìm hiểu hành trạng Thiền sư Hải Soạn. Thiền sư Hải Khâm Thân Thân và Thiền sư Hải Soạn Thời Thời vốn cùng là học trò cầu học với Thiền sư Tính Quảng. Hải Soạn theo thầy Tính Quảng, chăm sóc ngôi chùa mới ở quê Phúc Lai, được Thiền sư Tính Quảng cho làm thượng thủ và là người kế thừa trụ trì chùa Thiên Ân sau này. Chùa Ninh Phúc, xã Nhân Lý, huyện Thủy Nguyên là ngôi chùa quê hương của Thiền sư Hải Soạn. Theo Tịnh Từ tháp ký tịnh minh, thiền sư về quê tiến hành trùng tu và trụ trì ngôi chùa. Trong bia có đoạn ghi chép lập hai ngôi tháp ở hai chùa:
“一分安置本鄉仁里社寜福寺浮屠生緣出處以表尊師功成出世奉事香燈遺傳實跡云耳”
Phiên âm: Nhất phân an trí bản quán Lý nhân xã Ninh Phúc tự phù đồ sinh duyên xuất xứ dĩ biểu tôn sư công thành xuất thế, phụng sự hương đăng di truyền sự tích vân nhĩ.
Dịch nghĩa: Chia cho chùa Ninh Phúc xã Nhân Lý bản quán xây tháp, sinh duyên xuất xứ để biểu hiện công thành xuất thế của tôn sư, phụng thờ hương đèn, để lại sự tích.
Đây là tấm bia “sinh duyên xuất xứ”, tức bia ghi chép về nơi sinh ra đời, tức quê hương của thiền sư. Các bia tháp “sinh duyên” thế kỷ XVIII thường nội dung không ghi năm sinh, năm tịch. Bia chú trọng ghi chép thế danh, tự hiệu, quê quán, thời gian xuất gia tu học, thân cận thầy tổ và khi được giao lĩnh kế thừa thì cũng chính là đoạn kết của bia. Điều đó kiểm chứng qua bia tháp Tịnh Từ chùa Nhân Lý cùng các bia tháp Viên Trí, Viên Thông, Tuệ Sơn ở chùa Bụt Mọc (Bắc Ninh).
Năm sinh, năm tịch chúng tôi sử dụng Tịnh Từ tháp ký tịnh minh và được biết “Sư sinh năm Đinh Dậu (1717), sớm hiểu được cuộc đời vô thường, ngộ đạo xuất gia”. Ngài xuất gia tại chùa nào và vị thầy bổn sư là ai? Bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh cho biết: “Trước đến chùa Tam Thánh ở Đường Sơn được Thiền sư Tính Cơ cắt tóc 先投于堂山三聖寺性基禪師剃髮”, tức xuất gia với Thiền sư Tính Cơ. Địa điểm, bia chùa Nhân Lý cho “gặp bổn sư ở chùa Cam Lộ”, chứ không phải chùa Tam Thánh. Nếu không có sử liệu thì dễ đồng nhất chùa Tam Thánh với chùa Cam Lộ. Thực ra, chùa Cam Lộ là đạo tràng hành đạo của Thiền sư Như Huấn, thầy của Thiền sư Tính Cơ24. Mãi đến năm 1744, hai thầy trò mới được thỉnh về trụ trì Tam Thánh. Do vậy, chúng tôi theo bia chùa Nhân Lý.
Bia tháp chùa Nhân Lý cho thời gian xuất gia là năm Nhâm Tý (1732), lúc đó ngài được 15 tuổi, chứ không thể là 11 tuổi như bia ghi. Ngài theo thầy xuất gia được 3, 4 năm mà bia có đề cập. Sau đó, ngài mới du phương tham học với Thiền sư Tính Quảng tại chùa Diên Phúc, tức chùa Bùi thôn Phí Gia, Kim Thành. Ngài đến tham học trước năm 1740. Bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh cho ngài tham học với Thiền sư Tính Quảng tại Viện Thiền Phong núi Tử Trầm. Kiểm chứng thì trước năm 1740, Thiền sư Tính Quảng chưa lên Sơn Tây lập Viện Thiền Phong25. Sau khi loạn của Nguyễn Cử, Nguyễn Xiển phá các chùa ở xứ Đông thì thầy trò mới lên kinh lánh nạn. Thiền sư Tính Quảng lên Sơn Tây thì Hải Soạn lại theo về với bổn sư Tính Cơ. Bia chùa Nhân Lý ghi là năm Mậu Tý (1768) nhưng kiểm tra năm Đinh Sửu (1757), bổn sư Tính Cơ viên tịch ở chùa Tam Thánh thì sau năm đó lại nhận chùa ở Đường Sơn được?26 Chúng tôi cho rằng soạn giả viết nhầm thiên can, đúng là năm Giáp Tý (1742) hai thầy trò về nhận chùa ở Đường Sơn hành đạo. Lại chép năm Kỷ Sửu (1759) đúng ra là năm Ất Sửu (1745) Thiền sư Hải Soạn về trụ trì chùa Kim Âu27. Sau khi bổn sư viên tịch (năm 1757), ngài kế thừa trụ trì chùa Tam Thánh ở Đường Sơn. Các sự kiện này, bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh đã lược không ghi, soạn giả muốn đưa thông tin này vào bia Nam-mô Tịnh Từ tháp bi ký chăng?
Năm Nhâm Ngọ (1762), ngài mới đến Viện Thiền Phong cầu Thiền sư Tính Quảng thọ đại giới, tức thọ giới Tỷ-kheo. Thời gian trên, ngài gắn bó với Tổ sư, tức chỉ Thiền sư Tính Quảng để chăm lo việc tu học của đại chúng ở Viện Thiền Phong núi Tử Trầm. Năm Ất Dậu (1765) ngài theo Tổ sư về quê Phúc Lai lập chùa Thiên Ân, lúc này Thiền sư Tính Quảng cho xây dựng ngôi chùa và lập một viện mới mang tên Thời Vũ. Viện Thời Vũ thuộc về chùa Thiên Ân, khác với viện Thiền Phong núi Tử Trầm. Tất nhiên, hai viện tên khác nhau nhưng đều do Thượng đức Tính Quảng trông coi đồ chúng. Năm Mậu Tý (1768), Thiền sư Tính Quảng viên tịch, ngài là trưởng pháp tử nên được kế thừa trụ trì chùa Thiên Ân. Bia Nam-mô Tịnh Từ tháp bi ký không ghi chép gì sau thời gian Tổ sư Tính Quảng viên tịch. Bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh thì viết khá dài thời gian ngài trụ trì Thiên Ân và trở về quê xây dựng chùa Ninh Phúc xã Nhân Lý. Bia không ghi năm trùng tu nên chúng tôi chưa tìm được thời gian. Vào năm Canh Tý (1780) Cảnh Hưng thứ 41, ngài đứng ra khắc ván in Phật quốc ký truyện của Hối Tích Lão phu Tính Quảng Thích Điều Điêù28. Lúc này, ngài có phải ở chùa Thiên Ân để lo công việc chăng? May mắn cuối bản in Phật quốc ký truyện có ghi: “Sa-môn Hải Soạn Thích Thời Thời trụ trì chùa Thiên Ân, xã Phúc Lai, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc vâng phép bổn sư san tạo Phật quốc ký truyện đem về bản quán, tập hợp đạo tràng thiện tín đã khắc thành 1 quyển…”. Năm 1780, ngài đã về quê chùa Ninh Phúc để tiến hành mời thợ san khắc bản Nôm. Trong phương danh pháp cúng có nhiều thiện hữu của hai đạo Kinh Bắc và Hải Dương tham gia. Ván khắc hoàn thành thì được đưa về cất tại chùa Thiên Ân “Bản lưu Phúc Lai Thiên Ân tự dĩ hiểu hậu lai”.
Bia Tịnh Từ tại chùa Thiên Ân cho biết, thiền sư viên tịch năm 1799, thọ thế 83 năm. Đệ tử lập hai tháp Tịnh Từ tại hai chùa Thiên Ân và Ninh Phúc phụng thờ. Chùa Thiên Ân, ngài giao cho đệ tử Tịch Hoạt (có chỗ ghi Tịch Khoát) kế thừa trụ trì. Chùa Ninh Phúc, ngài giao cho đệ tử Tịch Nhu trụ trì29. Hai chùa này vào triều Nguyễn gần như ít còn sử liệu ghi chép, mà sau đó cũng không có bậc cao tăng hành đạo để phát triển tông môn, nên phái Tử Trầm dần dần đi đến thất truyền. Do vậy mà trong học giới ít biết về những bậc cao đức dưới triều Lê mạt là vậy. Bài viết dự kiến hoàn thành khá lâu, từ khi viếng thăm chùa Nhân Lý, sao chép bia Tịnh Từ về là tiến hành khảo cứu, dịch chú. Do tiếp cận bia mờ nên nhiều chữ phải nhờ nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Thanh, khi anh sử dụng thác bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉnh lý một số chữ ở bài ký và bài minh của bia, riêng phần phương danh công đức do anh đảm nhiệm bổ sung. Bài viết bỏ dở khá lâu, mới đây khi đọc lại thì được Đại đức Thích Hải Hạnh, một pháp hữu với soạn giả, cùng tham gia trao đổi, dịch chú đoạn “Vạn sự thiền tâm lĩnh chỉ…” với bài kệ minh trong bia tháp. Từ đó, bài viết dần dần hoàn thiện. Nhân đây, ghi lại thành tựu của cả nhóm khi hoàn thành bài viết này.
___________
(Hoài cổ lâu, Chủ nhật, ngày 21 tháng 4 năm 2024)
(1) Phía đường vào chùa có dựng một cổng làm bằng sắt, đề biển là chùa Linh Phúc. Có thể người xưa đọc âm địa phương, chữ “N” đọc thành chữ “L” nên phát âm sai và dẫn đến đề tên chùa chưa chuẩn xác. Cần đính chính lại để cho thế hệ sau khỏi phải biện giải.
(2) Chùa Bảo Quang: còn gọi là chùa Bụt Mọc, tọa lạc dưới chân núi Lãm Sơn Đông, thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Chùa do Tổ sư Như Thích khai sơn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Chùa xưa là tổ đình chính của phái Bảo Quang, là nơi có nhiều ngôi tháp cổ của các vị Đại sư thuộc môn phái. Hiện nay, chùa được trùng tu với quy mô vừa, gồm tòa Tam bảo, khách đường, Ni xá cùng các công trình phụ thuộc. Trên lưng chừng núi có ngôi miếu, trong ngôi miếu có bia tháp Báo Ân và bia tháp Viên Thông. Phía bên ngôi miếu là các ngôi tháp cổ được xây bằng gạch, có nhiều bia gắn trên thân tháp. Đáng chú ý là tháp Tuệ Sơn, Bồ Đề, Thiền Phong… Hiện nay, chùa do chư Ni đảm nhận trụ trì.
(3) Mậu Tý niên: đổi sang dương lịch là năm 1768. Theo mạch thời gian, năm Nhâm Tuất (1742) đến năm Mậu Tý (1768) thì quá lớn, khoảng cách khá xa. Chúng tôi chỉnh lại là Giáp Tý niên tức năm 1744.
(4) Kỷ sửu niên: tức năm 1769, đúng là năm Ất Sửu, năm 1745. Đây là hai lỗi khi khắc sai thiên can. Người soạn văn bản có thể tính nhầm. Chúng tôi sẽ biện giải ở phần dưới.
(5) Việt Khê: tên một xã thôn ở trấn Hải Dương triều hậu Lê. Theo Tên làng xã Việt Nam thế kỷ XIX thì Việt Khê có hai làng trùng tên. Một, xã Việt Khê thuộc tổng Đại Hoàng, huyện An Lão, phủ Kinh Môn. Hai, Việt Khê xã thuộc tổng Phù Lưu, huyện Thủy Nguyên, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (tr. 611).
(6) 繼踵 Kế chủng: Là nối gót. Ở đây chỉ sự tiếp nối, kế thừa sứ mạng Phật pháp, công hạnh của các bậc Tổ đức đời trước truyền lại, khiến cho mạng mạch đạo pháp không bị gián đoạn.
(7) 貫址 Quán chỉ: Quê hương, quê cũ, là hợp từ của tịch quán và địa chỉ, chỉ cho mảnh đất mà tổ tiên ông cha từng sinh sống ở đó.
(8) 遺身Di thân: Chỉ cho việc lánh đời ẩn thân. Như trong bài thơ Tặng huynh Tú tài nhập quân - 赠兄秀才入军của Kê Khang thời Ngụy có viết: “琴诗自乐,远游可珍。含道独往,弃智遗身。寂乎无累,何求于人, 长寄灵岳。 怡志养神” (Đàn thơ vui thú, rong chơi đáng quý, riêng vào chánh đạo, bỏ trí ẩn thân, vắng lặng không phiền, cầu gì ở người, gửi thân Linh Nhạc, vui chí dưỡng thần).
(9) 生緣 Sanh duyên: Chỉ cho nhân duyên ở cõi trần hoặc nhân duyên chuyển thế thọ sinh. Trong thiên thứ 96 - Tống chung của sách Pháp uyển châu lâm có viết: “得住四十九日,生缘未具,死已更受,亦不限时节” (Trú lại trong vòng 49 ngày, nếu chưa đủ duyên để đi tái sanh thì chết xong lại thọ sanh, cũng không bị giới hạn vào thời gian). Từ điển Thiền tông Hán Việt giải thích: “Sinh duyên: 生缘 quê quán” (tr.580).
(10) 聚相 Tụ tướng: Tức chỉ những hình trạng bên ngoài của sự vật còn lưu tụ lại. Trong văn cảnh này, chúng tôi hiểu nghĩa của Tụ tướng theo nghĩa có tính đặc thù của Phật giáo đó chính là những hành trạng, công hạnh tu tập, pháp khí, tháp tượng... của người xuất gia sau khi viên tịch còn để lại cho người đời sau học hỏi và tu tập theo. Lại thấy bảo tháp, có âm chữ Phạn là Thúy-đổ-ba, dịch nhiều nghĩa, trong đó có từ Tụ tướng.
(11) 命依真Mạng y chân: Chữ “chân” ở đây nghĩa là chân đế, đối lập với tục đế. Chân đế chính là pháp xuất thế gian, pháp tối thượng giải thoát. Cho nên nói “mạng y chân” nghĩa là đem cả tính mạng này về nương tựa vào giáo lý chân như giải thoát của Đức Phật để dốc lòng tu tập, chứng ngộ Bồ-đề.
(12) 金剎 Kim sát: Là một trong những mỹ từ tôn xưng đối với ngôi chùa Phật giáo. Ngoài từ “Kim sát” ra, chúng ta thường bắt gặp các từ khác như: 阿兰若 A-lan-nhã, 伽蓝 Già-lam, 佛院 Phật viện, 佛寺 Phật tự, 僧伽蓝 Tăng-già-lam, 古刹 Cô sát,寳刹 Bảo sát,梵宇 Phạm vũ, 梵宫 Phạm cung, 梵林 Phạm lâm, 梵城 Phạm thành, 紺園 Cám viên... đều là những danh từ chỉ cho ngôi chùa.
(13) 續焰聯芳 Tục diệm liên phương: “Tục diệm” là tiếp tục thắp sáng ngọn lửa của người đi trước. “Liên phương” nghĩa đen là chỉ cho sự kết hợp các vị thơm ngát của loài thảo mộc, nghĩa bóng dùng chỉ cho sự tiếp nối đức hạnh, thanh danh tốt đẹp của bậc tiền bối. Do đó, trong văn cảnh này “tục diệm liên phương” nghĩa là tiếp lửa nối gương các bậc Tổ đức đời trước.
(14) 法軌 Pháp quỹ: Là những phép tắc, giới luật, thanh quy giúp xây dựng đời sống cá nhân thanh tịnh và nếp sống của Tăng đoàn trong chốn thiền môn được ổn định.
(15) 長春 Trường xuân: Chỉ cho sự tồn tại lâu dài, vĩnh cửu.
(16) Tịch Hoạt: Bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh khắc thành Tịch Khoát 寂闊, tự dạng hai chữ gần giống nhau, âm đọc sai lệch. Vị sư này là người kế thừa trụ trì chùa Thiên Ân ở xã Phúc Lai, Bắc Ninh. Hiện chưa rõ hành trạng.
(17) [] chỉ chữ mờ hoặc bị mất trong văn bia.
(18) Bản sư ở đây theo bia Tịnh Từ tháp ký tịnh minh (Kh.4432) chính là Thiền sư Tính Cơ. Thiền sư Tính Cơ có bia Thắng Quả tháp ký tịnh minh ghi chép hành trạng khá rõ ràng. Chùa Cam Lộ hiện chưa rõ địa điểm, trước thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
(19) Tổ sư Hối Tích tức Thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều. Ngài có hiệu là Hối Tích lão phu, từng có thời gian trụ trì chùa Diên Phúc tục danh chùa Bùi ở Kim Thành, Hải Dương. Năm 1740, thầy trò chạy loạn, lên ngụ ở núi Tử Trầm, sau về quê lập chùa Thiên Ân ở Gia Bình, Bắc Ninh và viên tịch lập tháp tại chùa.
(20) Chùa Tam Thánh ở Đường Sơn trên núi Hàm Long, còn gọi là chùa Hàm Long, một danh lam thắng cảnh ở thôn Thường Sơn, thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hiện chùa còn lưu giữ các bia đá triều Lê, Nguyễn, trong đó có Thắng Quả tháp ký tịnh minh ghi chép hành trạng Thiền sư Tính Cơ, một vị trụ trì của chùa và là thầy bổn sư của Thiền sư Hải Soạn.
(21) Chùa Đường Sơn: tức tên tự là Tam Thánh tự, tọa lạc trên núi Hàm Long thuộc xã Đường Sơn nên bia lấy tên xã làm tên chùa. Hiện dân địa phương gọi là chùa Hàm Long.
(22 Đại giới: chỉ giới Tỷ-kheo 250 giới, còn gọi là giới Cụ túc, Thanh văn giới.
(23) Nguyên văn Vô ngôn tế: Vô ngôn là không lời, chỉ cảnh giới thấu hiểu chân lý nhất như. Cõi vô ngôn ở đây được hiểu là cõi Niết-bàn, chỉ sự viên tịch của Tổ sư.
(24) Thượng thủ: chỉ vị Tăng đứng đầu trong hàng môn đồ, đồng nghĩa với trưởng pháp tử.
(25) Tham khảo bia Thắng quả tháp ký tịnh minh (Kh.7936), bia tại chùa Hàm Long, thôn Thường Sơn, thị trấn Đèo, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bia ghi chép hành trạng Thiền sư Tính Cơ, thầy bổn sư của Thiền sư Hải Soạn, chùa Nhân Lý.
(26) Tham khảo Thiền phong tháp ký, bài khảo của chúng tôi.
(27) Căn cứ bia Thắng Quả tháp ký tịnh tịnh tại chùa Hàm Long, thị trấn Đèo, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chúng tôi còn tham khảo thác bản ký hiệu 7936 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(28 Thiền Phong tháp ký cho rằng, “Năm Bính Tý (1756), đạo tràng Hải Dương thỉnh về chùa Kim Âu Việt Khê” tức ở đây hiểu là Thiền sư Hải Soạn đại diện cung thỉnh Thiền sư Tính Quảng về hành đạo tại chùa do mình trụ trì.
(29) Sách hiện lưu giữ tại thư viện chùa Ba Phong, Quảng Nam. Sách được tu bổ, bồi tất cả các tờ, đóng bìa, quang cậy. Sách thiếu mấy tờ đầu bài tựa, chỉ có tờ cuối ghi niên đại và nhừng san khắc, viết tựa.
(30) Ngài này có tháp tại chùa Nhân Lý, tấm bia chí được lắp vào thân tháp. Chúng tôi bị mất hình ảnh tấm bia chí nên chưa rõ tháp tên gì cùng những thông tin về Thiền sư Tịch Nhu.