Tìm hiểu kỹ ngành học mới
Để thu hút người học, nhiều trường đại học (ĐH) đã mở ngành mới; mở rộng lĩnh vực đào tạo để hướng tới đa ngành, đa lĩnh vực. Vậy thí sinh cần xử trí ra sao?
Năm 2025, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên khi ra trường vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ, tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, trường dự kiến có thêm 2 chương trình song bằng quốc tế Marketing và Quản trị kinh doanh, 1 chương trình chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Còn ở phía Nam, đơn cử như Trường ĐH Luật TPHCM, để thực hiện định hướng trở thành trường ĐH đa ngành đa lĩnh vực, ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng Đào tạo cho hay, năm 2025 nhà trường dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành học mới về kinh tế là Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế. Đồng thời, trường chuẩn bị xin chủ trương để mở mới ngành đào tạo về Luật kinh tế. Với hai ngành mới này, trường dự kiến tăng từ 3.210 lên 4.000 chỉ tiêu và dự kiến giữ nguyên ba phương thức xét tuyển như năm 2024.
Tương tự, từ năm 2025 bên cạnh 45 ngành đang đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM dự kiến mở thêm 6 ngành học mới. Trong đó, có một ngành học mới đặc biệt là Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm vì đây là ngành học ở một lĩnh vực mới so với các chương trình đào tạo tại trường.
Cùng đó năm 2025, Trường ĐH Tài chính - Marketing sẽ mở thêm 3 ngành mới, nâng tổng số ngành lên 18 ngành. Trường xét tuyển theo tổ hợp 3 môn bất kỳ, trong đó Toán là môn bắt buộc. Theo lãnh đạo nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 sẽ ổn định như các năm qua để tăng cường chất lượng đào tạo, lấy người học là trung tâm. Chỉ tiêu cụ thể cho từng chương trình, từng ngành sẽ công bố sau.
Ở khối trường nghề, tại Hà Nội, trước nhu cầu các doanh nghiệp cần nhiều nhân lực về công nghệ, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội dự kiến đào tạo 3 ngành mới là Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử và tiếng Trung Quốc; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tiếp tục thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ bán dẫn. Theo đó, nhà trường phối hợp với các trường ĐH của Đài Loan (Trung Quốc) để tuyển sinh, đào tạo ngành Công nghệ bán dẫn. Cùng với đó, nhà trường sẽ mở thêm 3 chuyên ngành về tiếng như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Khi đăng ký học 3 ngành này, các em có nhiều cơ hội làm việc tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài làm việc với mức lương khá...
Mở ngành mới là xu hướng tất yếu để các trường trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời là giải pháp quan trọng để thu hút sinh viên, tăng thêm nguồn thu từ học phí. Thông qua mở ngành, nhiều trường nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng đào tạo, người học theo đó cũng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy vậy, bên cạnh những cơ sở đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị tốt các điều kiện mở ngành, tổ chức đào tạo hiệu quả, vẫn có không ít trường mở ngành theo thị hiếu, phong trào. Có trường mở các ngành học trái với chức năng/thế mạnh đào tạo trước đó, như trường kinh tế lấn sân sang đào tạo lĩnh vực kỹ thuật và ngược lại, gây ra những lo lắng về chất lượng.
Năm 2024 vừa qua, nhiều trường ĐH đã bị Bộ GDĐT “tuýt còi” khi tự chủ mở ngành đào tạo. Lý do được đưa ra là các cơ sở đào tạo không đảm bảo tỷ lệ giảng viên cơ hữu, mở ngành trái quy định, khảo sát nhu cầu xã hội chưa đầy đủ dẫn đến việc không tuyển sinh được… Đơn cử, Bộ GDĐT chỉ rõ những sai phạm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc mở ngành Luật, chưa đảm bảo quy định tối thiểu 3 tiến sĩ liên quan đến ngành học này. Ngoài ra có thể kể tới Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Gia Định… trong đó trường ít thì mở từ 1 - 2 ngành, nhiều thì từ 6 đến 8 ngành. Trước đó, thống kê của Bộ GDĐT từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường mở mới gần 1.200 ngành.
Tuy là xu hướng, song việc chạy đua mở ngành theo phong trào dễ dẫn đến nhiều hệ quả xấu. Điều kiện bảo đảm chất lượng không ổn kéo theo chất lượng đào tạo có vấn đề, một số trường không xây dựng được thương hiệu để có thể cạnh tranh, nên không thu hút đủ sinh viên theo học. Có không ít trường mở ngành mới vội vàng, rồi nhanh chóng đóng ngành, sinh viên buộc phải chuyển ngành khác giữa chừng, sự học thêm gian nan.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam lưu ý, các em không nên nóng vội, chạy theo cái mới. Khi chọn ngành học, các em cần tập trung vào năng lực bản thân, từ đó nghiên cứu tìm ra ngành nghề và trường ĐH có thể đáp ứng tốt nhất.