Tìm giải pháp phát triển thương mại điện tử trong liên kết vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Phát triển thương mại điện tử trong liên kết vùng là một cách thức nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Ngày 25/9, tại Tp. Quy Nhơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Hội nghị tập trung vào các giải pháp cụ thể trong liên kết phát triển thị trường thương mại điện tử của khu vực, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; đồng thời hình thành mạng lưới sản xuất-bán hàng ở thị trường nội địa lớn mạnh. Hội nghị được lắng nghe nhiều giải pháp, cung cấp nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng của bán lẻ hiện nay.
TMĐT phát triển "nóng" từng ngày
Khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trungkhông chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân, đa dạng hóa sản phẩm. Những năm gần đây, TMĐT ở khu vực này đang phát triển nhanh chóng.
Ông Nguyễn An Sơn – Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), phân tích, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng. GRDP bình quân đầu người tăng đạt 75,62 triệu đồng/người/năm, năng suất lao động đạt 5,51% c ao hơn tốc độ bình quân chung cả nước.
Khu vực này có nhiều sản vật, đặc sản địa phương, thuận lợi để phát triển xu hướng kinh doanh bán lẻ sản phẩm đặc trưng địa phương. Cái khó là do quy mô sản xuất nhỏ, sự kết nối chưa đều, đầy nên việc phân phối sản phẩm chưa đạt hiệu quả.
"Khó khăn này chính là nguyên nhân thúc đẩy TMĐT liên vùng phát triển. Nhà quản lý hỗ trợ cung cấp các bộ công cụ, các giải pháp, nhà sản xuất tham gia vào các nền tảng để tạo lập hệ sinh thái TMĐT của vùng, từ đó giải được bài toán phân phối hàng hóa phù hợp theo mô hình bán lẻ đa kênh"- ông Sơn chia sẻ.
Nói về sự phát triển tất yếu của TMĐT, ông Nguyễn Đình Kha – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, cho hay, TMĐT ở Bình Định phát triển nhanh chóng. Tính đến tháng 6/2024, chỉ số TMĐT của tỉnh tăng lên 2 bậc so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 6/14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Trước nhu cầu phát triển "nóng" của TMĐT, tỉnh Bình Định có những giải pháp cụ thể hỗ trợ các nhà sản xuất, các đơn vị cung cấp dịch vụ TMĐT, từng bước đưa sản phẩm của tỉnh lên sàn. Đến nay đã có 300 doanh nghiệp của Bình Định đưa sản phẩm lên bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Đây là địa chỉ trực tuyến phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin, địa chỉ các điểm bán hàng cho người dân, du khách trên địa bàn tỉnh.
"5 năm trước,khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, thì giờ đây TMĐT tỉnh Bình Định "phủ sóng" ở nhiều ngành hàng của tỉnh, đặc biệt là hàng đặc sản, đặc trưng địa phương gắn với phát triển du lịch"- ông Kha chia sẻ.
Theo ông Kha, với đà tăng trưởng này, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, doanh thu từ TMĐT chiếm 10,5-11% tổng mức bán lẻ.
Nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển TMĐT
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, TMĐT đã trở thành một công cụ không thể thiếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc xây dựng được một hệ sinh thái TMĐT minh bạch, hiệu quả là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển TMĐT khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho rằng, khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng.
Các tỉnh trong khu vực này có chung bờ biển chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, chung sự đa dạng về tài nguyên biển và tài nguyên rừng và được định hướng tập trung phát triển kinh tế biển. Các địa phương trong vùng đều nổi tiếng với các sản phẩm chủ lực như: hải sản chế biến, đồ khô, mắm, yến, các sản phẩm từ đồ gỗ.
Bài toán đặt ra là làm thế nào để các địa phương trong vùng tận dụng TMĐT để đưa các sản phẩm thế mạnh tiêu thụ rộng rãi trong vùng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp cả nước và quốc tế mà vẫn không cạnh tranh lẫn nhau, vẫn liên kết, hỗ trợ nhau theo lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Theo bà Oanh từ thực tế đó, Ban tổ chức muốn thông qua hội nghị này, lắng nghe ý kiến, đóng góp của chuyên gia để xây dựng hệ sinh thái TMĐT cho khu vực.
Chia sẻ về điều này, đại diện sàn TMĐT Sàn Việt cho rằng, kiến tạo một hệ sinh thái TMĐT của khu vực, trong đó việc lựa chọn, đưa thông tin sản kết từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng thông qua việc kiểm tra, xác thực thông tin từ nhà quản lý và chủ sàn.
Tương tự, đại diện Viettel post chia sẻ, việc tạo liên kết phát triển TMĐT của khu vực là cần thiết, quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và xuất khẩu hàng hóa cho khu vực này. Tham gia vào thị trường TMĐT nhiều năm, Viettel post với mạng lưới phủ khắp 63 tỉnh thành, kiến tạo được một chuỗi phân phối từ nhà sản xuất tới các kênh TMĐT, tới người tiêu dùng thuận lợi nhất.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng, TMĐT trở thành xu hướng, mở ra một kênh bán hàng xuyên biên giới, thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại TMĐT cũng có những nguy cơ như vấn nạn hàng giả, kém chất lượng không kiểm soát được; thất thu ngân sách…
Bình Định đang mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương có thể khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao kỹ năng, năng lực vận hành thương mại điện tử, phát triển thương hiệu sản phẩm; chủ động thúc đẩy mở rộng kênh phân phối mới cũng như hỗ trợ hoạt động xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Chính vì thế, việc tạo được sự liên kết trong vùng để cùng phát triển là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của tỉnh.