Tận dụng lợi thế tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc có lợi thế giáp biên, nhưng tiêu chuẩn về ATTP của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các DN Việt Nam phải cập nhật và sớm đáp ứng được yêu cầu.

Thị trường Trung Quốc với dân số 1,4 tỷ người là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên có nhu cầu tiêu thụ rau quả ngày càng lớn, đặc biệt là các loại trái cây vùng nhiệt đới Việt Nam có lợi thế khi sở hữu diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha, tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn thu hoạch hàng năm với chất lượng tốt.

Xuất khẩu chính ngạch 11 loại trái cây đặc sản

Mặc dù được coi là thị trường xuất khẩu trọng điểm, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam mới xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như sầu riêng, thanh long, dưa hấu, chôm chôm,...Dự kiến trong năm 2024 này. kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD.

Nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã tiếp cận và có uy tín tại thị trường Trung Quốc

Nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã tiếp cận và có uy tín tại thị trường Trung Quốc

Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc rất quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên và giá thành hợp lý. Nhu cầu này lại chính là điểm mạnh sẵn có của rau quả Việt Nam nên hoàn toàn có thể đáp ứng. Nhiều loại trái cây Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng, nhờ hương vị thơm ngon và chất lượng không thua kém các nước xung quanh.

“Các cửa khẩu đường bộ ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối của Trung Quốc là điều kiện thuận lợi không nước nào có được, từ đó rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển, giảm đáng kể chi phí logistics so với các nước khác. Đó là chưa kể các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng Việt Nam, điều này giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam”, ông Nguyên nên lợi thế.

Tiềm năng và lợi thế là vậy, song ông Nguyên cũng đưa ra những thách thức đối với rau quả Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài việc tồn tại quá nhiều đối thủ nước ngoài cạnh tranh, rau quả Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính rau quả nội địa của Trung Quốc. Trong khi đó, các tiêu chuẩn về ATTP của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt và thay đổi nhanh, đòi hỏi các DN Việt Nam phải cập nhật và sớm đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, các quy định về vệ sinh thực vật và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp và rất mất thời gian.

Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt. Việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ đối với các DN Việt Nam. Đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho các thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc tập trung nhiều ở biên giới phía Bắc, DN Việt chưa thâm nhập sâu vào thị trường sâu trong nội địa và các tỉnh, khu vực phía Bắc Trung Quốc”, ông Nguyên nêu loạt trở ngại.

Thay đổi quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính

Lưu ý các DN khi xuất khẩu sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên viên Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, các DN cần làm mới quan điểm về khai thác thị trường Trung Quốc. Trong đó, DN cần xác định Trung Quốc là thị trường xuất khẩu có tiêu chuẩn cao và hết sức khắt khe, nên cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy, hướng tới xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững; giảm phụ thuộc tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.

“Các DN cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tránh bị mất thương hiệu ở thị trường Trung Quốc. Muốn vậy, DN nên tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm nghiệm - kiểm dịch, bao vì và truy xuất nguồn gốc. Để sớm tiếp cận và thành công, DN cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, có hiểu biết về văn hóa Trung Quốc gắn với đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, DN cần hết sức quan tâm khai thác thị trường B2B (DN với DN) và B2C (DN với người tiêu dùng) Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử”, ông Kiên khuyến nghị.

Sầu riêng Việt Nam là 1 trong nhiều loại trái cây được thị trường Trung Quốc ưa chuộng

Sầu riêng Việt Nam là 1 trong nhiều loại trái cây được thị trường Trung Quốc ưa chuộng

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, để tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua các thách thức khi xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc, các DN Việt Nam cũng cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc, để có biện pháp đối phó hoặc điều chỉnh lịch sản xuất - xuất khẩu sản phẩm tránh bị cạnh tranh về thời vụ.

Ngoài ra, các DN không chỉ tập trung vào một vài loại trái cây mà cần đa dạng hóa sản phẩm, kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mã và xuất xứ. Chính phủ cần đàm phán và ký kết các nghị định thư với Trung Quốc, giúp DN mở rộng thêm mặt hàng xuất khẩu.

Song song với các giải pháp trên, ông Nguyên cũng đề nghị các DN Việt Nam kết hợp với các DN Trung Quốc để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, phân phối các sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/tan-dung-loi-the-tang-kim-ngach-xuat-khau-rau-qua-vao-thi-truong-trung-quoc-post1135026.vov
Zalo