Tìm giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam

Các chuyên gia góp ý, để thu hút nhiều hơn khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam, cần xây dựng các chương trình quảng bá xúc tiến, cải thiện chính sách thị thực, mở rộng đường bay nhằm mang lại giá trị tối ưu cho du khách.

Hơn 510 nghìn du khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2024

Cuối tháng 8.2024, việc đoàn du khách Ấn Độ lên tới 4.500 người đến Việt Nam đã trở thành điểm nhấn đặc biệt của ngành du lịch. Nhận định về sự kiện này, Báo Economic Times (Ấn Độ) cho rằng: Việt Nam là điểm đến "có một không hai".

 Khách Ấn Độ tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tháng 8.2024. Ảnh: Hoàng Quyên

Khách Ấn Độ tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tháng 8.2024. Ảnh: Hoàng Quyên

Tại hội thảo về thúc đẩy du lịch Việt Nam - Ấn Độ mới đây, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cho biết: “Con số chúng tôi ghi nhận trong năm vừa qua là 510.000 khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam, và 57.000 khách Việt Nam đến Ấn Độ. Tôi cho rằng tăng trưởng du lịch bền vững giữa hai quốc gia là hoàn toàn có thể đạt được”.

Cũng theo Đại sứ Ấn Độ, Chính phủ hai nước dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Bên cạnh đó là sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia trong việc tăng cường giao lưu, trao đổi khách. Nhiều sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn được khai thác. Điều này cho thấy, du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác. Do đó, hai quốc gia cần phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa trong tương lai. “Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mức tăng trưởng khoảng 40 - 50% trong những năm tới”, Đại sứ Sandeep Arya nói.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) thông tin, nhìn vào lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm qua cho thấy đây là thị trường đạt tỷ lệ phục hồi cao nhất trong top 20 thị trường đến Việt Nam. Trong khi tại Trung Quốc, mức độ phục hồi chỉ đạt 64%; Nhật Bản 75%, Hàn Quốc 106%... Số lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam năm qua tăng 2,6 lần so với năm 2019, tạo ra một mảng màu khác biệt trong bức tranh chung về du lịch Ấn Độ đến các nước ASEAN. Điều đó chứng tỏ Ấn Độ là thị trường có tiềm năng và phát triển mạnh mẽ.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, khách Ấn Độ đến Việt Nam và Thái Lan chủ yếu để nghỉ dưỡng, lần lượt chiếm gần 85% và 92%. Tuy nhiên, trong việc cạnh tranh với Thái Lan để thu hút khách Ấn Độ, Việt Nam vẫn kém xa khi khách Ấn Độ luôn đứng trong top 3 trên 10 thị trường hàng đầu (các năm 2019, 2023, 2024) của Thái Lan. Năm 2023, hơn 1,6 triệu khách Ấn Độ đã đến đất nước chùa Vàng, tăng hơn 66% so với năm 2022. Năm 2024, nhờ các biện pháp miễn thị thực và cho phép lưu trú lên tới 60 ngày cũng như mở nhiều đường bay mới, Thái Lan đã đón được 2 triệu khách Ấn Độ trong năm nay (gấp 4 lần Việt Nam) đưa Ấn Độ vào top 5 quốc gia có lượng khách đến nhiều nhất.

Cải thiện visa, mở thêm đường bay

Đề xuất giải pháp thu hút khách Ấn Độ đến Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng, 10 năm qua lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ khoảng 50.000 người năm 2014 lên 500.000 người năm 2024. Dù vậy, con số này vẫn còn nhỏ so với tiềm năng du khách từ Ấn Độ và khả năng thu hút khách du lịch của Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, thị trường du lịch Ấn Độ rất lớn, với tầng lớp trung lưu hiện chiếm 31% dân số cả nước và họ có xu hướng du lịch theo nhóm lớn, do đó Việt Nam có cơ hội phát triển dịch vụ phục vụ các đoàn khách có quy mô lớn. "Nếu phát triển đúng hướng, thị trường Ấn Độ sẽ giúp đa dạng hóa nguồn khách quốc tế đến Việt Nam, giảm phụ thuộc vào các thị trường khách truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản".

Ông Thành góp ý, cũng cần mở rộng đường bay, nhất là đường bay thẳng. Riêng điểm đến Phú Quốc đã có 60 đường bay, trong khi Ấn Độ với hơn 1,4 tỷ dân, diện tích rộng gấp 10 lần Việt Nam mới có 56 đường bay thẳng. Nhìn sang Thái Lan có khoảng 200 đường bay tới Ấn Độ và Malaysia cũng tương tự.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính kiến nghị, cần phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với nét văn hóa Ấn Độ, có chương trình quảng bá xúc tiến mạnh mẽ, cải thiện chính sách thị thực như ngoài cấp visa tại cửa khẩu (visa on arrival) từ đó có thể tiến tới miễn thị thực song phương. Ông Chính lưu ý, tỷ lệ tầng lớp trung lưu và người giàu ở Ấn Độ ngày càng nhiều, tăng trưởng mạnh là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tin tưởng, đầu tư thu hút khách. Tuy nhiên, ngoài khách đến nghỉ dưỡng, cần đẩy mạnh khai thác dòng khách kinh doanh, đi hội chợ, du lịch MICE, tổ chức đám cưới...

Để thúc đẩy tăng trưởng dòng khách Ấn Độ tới Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ (VCASI), Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi Nguyễn Thị Hiên đặc biệt quan tâm hai rào cản về ẩm thực và dịch vụ đắt đỏ. Đây là những yếu tố có tác động lớn đến trải nghiệm du lịch và quyết định quay trở lại của du khách.

Vì vậy, bà Hiên đề xuất, cần phát triển hơn các nhà hàng chay và nhà hàng Ấn Độ, đáp ứng khẩu vị đặc trưng của du khách. Tạo điều kiện để các nhà hàng đạt chứng nhận Halal, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân viên nhà hàng về quy trình phục vụ chuyên nghiệp, tôn trọng văn hóa và tín ngưỡng của khách. Tạo sự tin tưởng với khách bằng việc cần minh bạch hóa giá dịch vụ tại các điểm du lịch và khách sạn; xây dựng các gói du lịch phù hợp, mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng. Tăng cường kiểm tra và giám sát để tránh tình trạng nâng giá bất hợp lý.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tim-giai-phap-thu-hut-khach-du-lich-an-do-den-viet-nam-post401703.html
Zalo