10 Sự kiện nổi bật ngành Ngân hàng năm 2024

Năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động phức tạp, với dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Lạm phát toàn cầu dù giảm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu nhiều quốc gia, lãi suất quốc tế duy trì ở mức cao và thị trường ngoại hối biến động mạnh, đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở cao, những biến động này tạo áp lực lớn lên chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì các cân đối lớn. Ngành Ngân hàng tích cực ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm an ninh thông tin, nỗ lực cải cách hành chính, hướng tới phục vụ người dân. Nhờ những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, năm 2024 đánh dấu một năm thành công quan trọng của hệ thống ngân hàng, được đánh giá cao bởi Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2024 do Thời báo Ngân hàng bình chọn.

1. Thông qua Luật Các TCTD Bước ngoặt quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ thống ngân hàng.

Việc Quốc hội thông qua Luật Các TCTD sửa đổi, ngành Ngân hàng Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, với cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Luật Các TCTD 2024 góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; nâng cao yêu cầu về tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý TCTD yếu kém. Đây là một trong những bước đi quan trọng nhất trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống các TCTD.

2. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt

2024 là một năm mang dấu ấn thành công của hoạt động hệ thống ngân hàng với nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu đề ra, góp phần củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Lạm phát 11 tháng năm 2024 được kiểm soát ở mức 3,69%, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng khá cao (6,82%). Lãi suất cho vay giảm 0,44% so với năm 2023, tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.

3. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giữ chức Chủ tịch Hội đồng tư vấn châu Á (ACC) nhiệm kỳ 2024-2026

Đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp và là niềm tự hào cho Việt Nam trong cộng đồng tài chính quốc tế.

Đây là một thành tựu lớn, không chỉ khẳng định vai trò của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trong cộng đồng ngân hàng quốc tế, mà còn nâng cao hình ảnh và tiếng nói của Việt Nam đang ngày càng vươn xa hơn trong các tổ chức tài chính toàn cầu. Điều này cũng phản ánh sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Thống đốc trong việc thúc đẩy các chính sách tài chính và ngân hàng phù hợp với xu thế toàn cầu. Với cương vị mới này của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang biến động mạnh.

Trước đó, năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng được Tạp chí Global Finance của Mỹ xếp hạng A+ nhờ những thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá và điều hành lãi suất. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là một trong ba Thống đốc NHTW trên thế giới được xếp hạng mức cao nhất.

4. NHNN đăng cai tổ chức Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN (SLC) lần thứ 28 tại Đà Nẵng

Khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Việc tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN tại Đà Nẵng là tiền đề để NHNN tiếp tục triển khai và hoàn thành trọng trách Đồng chủ trì SLC do các thành viên ASEAN tín nhiệm và tin tưởng giao phó. Việc NHNN chủ trì SLC thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như vai trò dẫn dắt tiến trình hợp tác tài chính-ngân hàng ASEAN. Trong nhiệm kỳ Đồng chủ trì SLC 2024-2026, NHNN và NHTW Indonesia sẽ tiếp tục kết nối các NHTW ASEAN và các cơ quan quản lý tài chính – ngân hàng khu vực, các đối tác quốc tế để thúc đẩy đối thoại chính sách vì sự ổn định khu vực tài chính-ngân hàng; đồng thời triển khai các sáng kiến đa phương liên khu vực, đa lĩnh vực.

5. NHNN duy trì thứ hạng cao về chỉ số cải cách hành chính Par Index

Theo bảng xếp hạng Par Index năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, NHNN đạt 89,89/100 điểm, đứng thứ 2 trên tổng số 17 cơ quan được xếp hạng (kém Bộ Tư pháp 0,06 điểm). Việc liên tục nhiều năm NHNN tiếp tục giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng chỉ số Par Index thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Điều này giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

6. Quốc hội thông qua tăng vốn cho Vietcombank

Quốc hội thông qua việc tăng vốn cho Vietcombank mở ra cơ hội nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước. Hiện nay, Big 4 chiếm 44,5% tổng dư nợ toàn hệ thống và đóng vai trò dẫn dắt trong thực hiện chính sách tiền tệ, là công cụ quan trọng để NHNN điều tiết thị trường tiền tệ. Việc bổ sung vốn giúp Vietcombank phấn đấu gia nhập top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, khẳng định vai trò đầu tàu trong ngành tài chính-ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện các chủ trương của Đảng và Quốc hội, đồng thời thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

7. Tiên phong trong chuyển đổi số, thúc đẩy TTKDTM đảm bảo hoạt động thanh toán liên tục, thông suốt, an toàn bảo mật

Nhiều ngân hàng đã đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số, đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) bằng các giải pháp công nghệ hiện đại. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm vượt 50%, ngành Ngân hàng trở thành một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Đặc biệt, năm 2024 là một năm đánh dấu sự chuyển mình quan trọng trong ngành Ngân hàng tại Việt Nam, khi công nghệ sinh trắc học được đưa vào áp dụng rộng rãi. Theo các quy định mới của NHNN xác thực sinh trắc học trở thành yêu cầu bắt buộc đối với khách hàng khi thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến. Điều này không chỉ giúp tăng cường bảo mật, ngăn ngừa các cuộc tấn công giả mạo mà còn bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trong các giao dịch tài chính quan trọng.

8. Hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém OceanBank và CB

Việc chuyển giao bắt buộc OceanBank và CB cho ngân hàng khác đánh dấu một bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Đây là hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu rủi ro hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và cải thiện chất lượng dịch vụ ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng lớn hơn mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Cùng với những chuyển biến tích cực trên, NHNN cho biết hai ngân hàng còn lại GPBank và DongA Bank đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.

Hơn 2 tháng sau ngày chuyển giao, hai ngân hàng 0 đồng đã có nhiều chuyển động mới. OceanBank, nay mang tên mới là Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV), nhanh chóng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chỉ từ ngày 17/10 – 13/12, tăng trưởng huy động vốn đạt 1.229 tỷ đồng, tín dụng tăng thêm 555 tỷ đồng.

9. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần đầu tổ chức Hội thi “Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh” năm 2024

Hội thi “Ngân hàng xanh cho cuộc sống xanh” đã lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực thúc đẩy đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến cho sự phát triển bền vững của đất nước và của ngành Ngân hàng Việt Nam; đồng thời, góp phần định vị vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng trong việc tiên phong thúc đẩy kinh tế xanh và giảm thiểu tác động môi trường, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

10. Ngành Ngân hàng tham gia tích cực hoạt động an sinh xã hội

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong công tác xã hội – từ thiện. Có những ngân hàng hàng năm dành hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động an sinh, xã hội.

Tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngành Ngân hàng đã ủng hộ 38,4 tỷ đồng. Cũng tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, ngành Ngân hàng đã ủng hộ 1.000 tỷ đồng để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo... Những hoạt động trên đã thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của hàng ngàn người dân mà còn khẳng định vai trò xã hội của ngành Ngân hàng trong phát triển đất nước.

Thanh Huyền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/10-su-kien-noi-bat-nganh-ngan-hang-nam-2024-160020.html
Zalo