Tìm giải pháp phát triển hiệu quả công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Bên cạnh việc thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng cao, gắn với mục tiêu chuyển đổi công nghiệp; đổi mới nhân lực và thể chế cho công nghiệp chất lượng cao…, TP. Hồ Chí Minh cũng cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ tương ứng và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp.
Ngày 17/7, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm chuyên đề “Động lực phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Từ tiềm năng đến hành động”. Đây là cuộc gặp gỡ quan trọng trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh vừa được mở rộng địa giới hành chính, có không gian công nghiệp - đô thị liên hoàn quy mô lớn nhất cả nước.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng
Tại sự kiện, các đại biểu tập trung vào việc phân tích các cơ hội và thách thức, định hướng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp chủ lực và xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn diện cũng như thảo luận về xu hướng phát triển toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp xanh và logistics thông minh.
Chú trọng khai thác lợi thế, thu hút đầu tư có chọn lọc
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TP. Hồ Chí Minh mở rộng có nhiều lợi thế cạnh tranh mới trong phát triển công nghiệp, nên cần có chiến lược về hạ tầng kết nối, logistics quốc tế, đổi mới sáng tạo và công nghệ sản xuất tiên tiến cũng như về nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cơ chế điều phối thể chế vùng và cải cách chính sách đầu tư, thị trường nội địa quy mô lớn và tiêu dùng công nghiệp đa dạng cũng là những lợi thế lớn của Thành phố.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có cơ hội vươn lên trong cạnh tranh công nghiệp Đông Á do vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu với hệ sinh thái sản xuất, đô thị, cảng tích hợp và đa chức năng; Thị trường nội địa lớn và tiêu dùng công nghiệp cao, đồng thời nền tảng đổi mới sáng tạo và công nghệ số đang trỗi dậy, nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt và dễ thích nghi…
TP. Hồ Chí Minh mở rộng có tiềm năng trở thành một trong những không gian công nghiệp - đô thị liên hoàn quy mô lớn nhất cả nước, với dân số trên 14 triệu người, GRDP chiếm gần 24% GDP quốc gia và sở hữu đầy đủ các phân ngành công nghiệp từ khai khoáng - chế biến - logistics đến công nghệ cao.
Đề xuất chính sách định hướng công nghiệp trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, thành phố cần thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng cao, gắn với mục tiêu chuyển đổi công nghiệp; Phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực nội địa hóa; Đổi mới nhân lực và thể chế cho công nghiệp chất lượng cao, song song đó là tăng năng lực cạnh tranh công nghiệp bằng hạ tầng số và xanh.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh Trương Minh Huy Vũ, quy mô công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất chiếm hơn 25,52% trong giá trị công nghiệp của cả nước và chiếm hơn 34,21% trong GRDP của thành phố, nhưng trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vùng công nghiệp này cũng đang đối diện với nhiều thách thức nội tại và ngoại sinh, vì vậy đòi hỏi cần có chiến lược phát triển toàn diện và bền vững hơn.

Chuyên gia thảo luận giải pháp phát triển hiệu quả công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng
Phát triển ngành có thế mạnh hiện hữu
Bà Lý Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp Thành phố đến năm 2040. Trong đó, cần xác định rõ vị trí, vai trò trụ cột của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm trong cơ cấu công nghiệp và an ninh kinh tế đô thị…
Đặc biệt, để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất – xuất khẩu thực phẩm, nên quy hoạch và phát triển các trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, phòng kiểm nghiệm độc lập đạt chuẩn quốc tế và các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho toàn chuỗi ngành thực phẩm – từ nuôi trồng, chế biến đến phân phối và xuất khẩu.
Theo TS. Nguyễn Thanh Trọng - Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cần xác định những lợi thế, tiềm năng được mở ra và định hình không gian phát triển, thúc đẩy các kết nối cho phát triển công nghiệp gắn với định hướng phát triển đa trung tâm của siêu đô thị. Để phát triển công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh mới, trước hết cần phát triển các ngành công nghiệp hiện hữu có thế mạnh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực và có điều kiện để sản xuất sản phẩm thâm dụng công nghệ và có giá trị gia tăng cao.
TP. Hồ Chí Minh mới cần thực hiện chương trình nghiên cứu, điều tra và công bố số liệu tổng hợp chi tiết và đảm bảo độ tin cậy về hiện trạng các ngành công nghiệp, xác định ngành công nghiệp chủ lực phù hợp với thực tế, lợi thế, tiềm năng và xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp. Từ đó xây dựng chiến lược dài hạn phát triển các ngành công nghiệp chủ lực công nghiệp phụ trợ tương ứng và tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp.
Hạn chế trong phát triển công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh mở rộng gồm: Thiếu chiều sâu công nghệ, thiếu ngành nền tảng và năng lực công nghệ cốt lõi. Ngoài ra, việc tăng trưởng công nghiệp không đi đôi với đổi mới công nghệ, trong khi khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu xanh hóa. Ngoài ra, nguồn nhân lực kỹ thuật không theo kịp yêu cầu công nghiệp mới và chính sách công nghiệp chưa chủ động, thiếu sàng lọc đầu tư.