Tìm giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số

Đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, rất dễ dẫn đến những rủi ro, nhất là trên môi trường số.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đây là thông tin được cảnh báo tại buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số” diễn ra vào ngày 11/12 tại TP HCM, thu hút sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại tọa đàm, GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM cho biết, buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận các vấn đề thực tế về vi phạm sở hữu trí tuệ, những cơ hội, thách thức trong thương mại điện tử và công nghệ.

GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM phát biểu tại buổi tọa đàm.

GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM phát biểu tại buổi tọa đàm.

Từ đó, giúp nâng cao kiến thức học thuật và mở rộng mạng lưới hợp tác với các học giả quốc tế và các tổ chức pháp, góp phần tạo nền tảng cho các hoạt động hợp trong tương lai.

Nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề, hiện nay đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phần lớn là các doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, vừa thành lập doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, những rủi ro thực tế có thể phát sinh khi không đăng ký.

Về cơ chế quản lý, việc đăng ký bảo hộ, hệ thống tra cứu nhãn hiệu và đối chiếu chưa ổn định, chưa cập nhật kịp và đủ thông tin. Quá trình xét duyệt đơn đăng ký còn tồn đọng, kéo dài, việc thẩm định chưa khách quan dẫn đến gia tăng tranh chấp.

Chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, Luật sư Julien Tran – Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA cho rằng, Hiện nay Hiệp định TRIPS đưa ra những biện pháp để giải quyết những vi phạm trong môi trường số, tuy nhiên khá khó để xây dựng khung pháp lý trong phạm vi pháp luật quốc gia.

"Bên cạnh những biện pháp truyền thống, chúng ta cần ứng dụng những công nghệ để phát hiện những hành vi vi phạm nhãn hiệu trong môi trường số".

Chuyên gia cũng đưa ra dẫn chứng: hiện nay, công nghệ blockchain chuyển khối có thể dùng để xác định được các nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần thiết phải phối hợp các cơ quan khác nhau, thực hiện các biện pháp pháp lý, đặc biệt ứng dụng công nghệ để xác định vi phạm.

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Thái Cường, Phụ trách Viện Luật So sánh - Trường ĐH Luật TP HCM cũng cho rằng, cần sớm ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain, AI để xác định nguồn gốc vi phạm. Từ đó, giúp ngăn chặn các vi phạm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số.

TRUNG HẬU

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-giai-phap-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-tren-moi-truong-so-10296306.html
Zalo