VinFast công bố tỷ lệ nội địa hóa xe điện đã đạt 60%, mục tiêu đạt 84% năm 2026

Hãng sản xuất ô tô Việt lần đầu tiên vừa công bố thông tin về tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm ô tô điện VinFast tại sự kiện tọa đàm nội địa hóa ô tô VinFast. Theo VinFast, hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện của hãng đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.

Thách thức của ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô.

Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô.

Lĩnh vực này vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn. Thứ nhất là quy mô còn nhỏ lẻ khi phần lớn các doanh nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự đầu tư về công nghệ và năng lực sản xuất. Thứ hai là khả năng cạnh tranh thấp. Sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước thường khó đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và giá cả so với các nhà cung cấp quốc tế. Thứ ba là thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp nội địa còn thiếu sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam cho biết, trước thực trạng này, ngay từ khi gia nhập ngành công nghiệp sản xuất ô tô, dù là cái tên còn non trẻ, VinFast đã đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng đó là không chỉ sản xuất xe mà còn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô theo đúng nghĩa. Với con đường này, VinFast có thể thúc đẩy mạnh mẽ được sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.

Hiện thực hóa điều này, theo thông tin từ VinFast, hãng xe Việt đã dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp nhà máy để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.

Đến nay, hãng xe Việt đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng của ô tô điện như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong nhà máy VinFast hiện có các xưởng dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc. Tỉ lệ nội địa hóa của xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc. Đây là một thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ.

Mục tiêu nội địa hóa

Nói về mục tiêu nội địa hóa đạt hơn 80% sau 2 năm nữa của VinFast, theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, “tôi hoàn toàn tin làm được vì tất cả những gì VinFast đã làm được trong thời gian vừa qua. VinFast có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được hơn những điều các hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi”.

Nói về mục tiêu nội địa hóa đạt hơn 80% sau 2 năm nữa của VinFast, theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, “tôi hoàn toàn tin làm được vì tất cả những gì VinFast đã làm được trong thời gian vừa qua. VinFast có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được hơn những điều các hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi”.

Theo bà Phạm Chi Lan, khi những hãng sản xuất ô tô như Toyota, Isuzu, Hyundai, Daewoo, Ford vào Việt Nam từ những năm 1990, nhà đầu tư nào cũng cam kết đạt khoảng 30% nội địa hóa sau 10-15 năm, cam kết chuyển giao công nghệ, xuất khẩu. Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm ô tô và coi như đấy là một trong những cú hích đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam.

Nhưng trên thực tế phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do các nhà sản xuất này mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi các doanh nghiệp Việt vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì được ưu đãi 10%.

“Điều đó giải thích cho con số doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay (theo số liệu của Bộ Công Thương) chỉ có khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, chưa nói đến ngành ô tô. Tỷ lệ nội địa hóa của nhà cung cấp công nghiệp phụ trợ của Thái Lan cao hơn Việt Nam rất nhiều, đơn giản là từ đầu Thái Lan đã được chọn làm nơi làm phụ trợ. Vì đã có ở Thái Lan nên họ không đầu tư vào Việt Nam nữa”, bà Phạm Chi Lan thông tin.

Trong khi đó, PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho biết ông đánh giá rất cao những nỗ lực và thành tựu mà VinFast đã đạt được.

“VinFast sẽ là chim đầu đàn, đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi một mình, và cả ngành công nghiệp phát triển phù hợp bối cảnh mới”, PGS-TS Bùi Quang Tuấn nói.

Đại diện của VinFast tại buổi Tọa đàm nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu nội địa hóa 84% vào năm 2026 là một thách thức không nhỏ.

Đại diện của VinFast tại buổi Tọa đàm nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu nội địa hóa 84% vào năm 2026 là một thách thức không nhỏ.

VinFast đã có kế hoạch và giải pháp. Đầu tiên sẽ là phối hợp với các đối tác có sẵn sự hiện diện tại Việt Nam. Tận dụng mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ sẵn có để tối ưu hóa nguồn cung trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Với các đối tác nội địa, kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công… nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng tốc độ cung ứng, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.

Với các đối tác FDI, VinFast sẽ kết hợp với các doanh nghiệp FDI đã có tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện, giúp tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại. Với mục tiêu đưa công nghệ tiên tiến về Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa.

VinFast cũng sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp, và đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam. Đồng thời phát triển năng lực nội bộ bằng cách đào tạo đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam để vận hành công nghệ một cách hiệu quả và sáng tạo. Hoạt động này sẽ giúp tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí nhập khẩu, và từng bước xây dựng hệ sinh thái sản xuất bền vững. VinFast sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn và kinh nghiệm từ cả trong và ngoài nước nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.

Nhận định về chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của VinFast, các chuyên gia tại Tọa đàm đều đồng quan điểm cho rằng đó không chỉ là mục tiêu kinh doanh của một doanh nghiệp mà còn là một phần trong sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Với sự đầu tư bài bản, các mục tiêu chiến lược và cam kết lâu dài, VinFast không chỉ từng bước hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 84% vào năm 2026 mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vinfast-cong-bo-ty-le-noi-dia-hoa-xe-dien-da-dat-60-muc-tieu-dat-84-nam-2026.htm
Zalo