Tìm bản sắc điện ảnh Việt Nam
Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng phim Việt Nam sản xuất chưa đi cùng với chất lượng khi quá sa đà vào tính giải trí mà bỏ quên mất yếu tố cốt lõi để nâng tầm tác phẩm. Xung quanh vấn đề này, đạo diễn - nhà sản xuất Lương Đình Dũng có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV:Thưa ông, chúng ta đang có một số phim doanh thu trăm tỷ đồng, nhưng vẫn thiếu bản sắc riêng. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Ông Lương Đình Dũng: Doanh thu trăm tỷ đồng là mơ ước của nhiều nhà sản xuất phim Việt nhưng không phải bộ phim nào cũng có chất lượng tốt, ngược lại còn gây nhiều tranh cãi, rất nhiều phim mang nặng tính kịch, sân khấu. Phim “trăm tỷ” thường có công thức chung là gương mặt phòng vé, yếu tố hài hước, lịch chiếu tốt, và tập trung chi phí vào truyền thông nhằm đẩy mạnh các yếu tố xung quanh bộ phim mà không thuộc nội dung chính thức của bộ phim. Thực tế cho thấy, nhà sản xuất phim bản chất là các doanh nghiệp tư nhân nên không ai có thể mạo hiểm vì thế dẫn đến không muốn đổi mới, ngại tìm tòi, chấp nhận làm những phim “ăn xổi”. Thực tế nếu xét về chất lượng của nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam hiện nay thì vẫn nhiều phim không đạt yêu cầu hay thậm chí nhiều tác phẩm được khán giả nhận định là “webdrama mang đi chiếu rạp”. Song song với đó là việc truyền thông nói chung cũng khá lỏng lẻo dẫn đến việc nhầm lẫn giữa quảng cáo nội dung phim và nội dung chính thức, đã tạo ra sự lẫn lộn khiến khán giả không nhận thức được đâu là chất lượng phim thực tế. Bản chất từ sự việc này dẫn đến sự mất lòng tin của công chúng vào nền điện ảnh Việt Nam và không thể vươn ra thế giới.
Phim điện ảnh đòi hỏi, yêu cầu khá khắt khe về hình ảnh, âm thanh và cả cách thể hiện. Phim có chất lượng phải là một bộ phim đạt được những yêu cầu đó, có ngôn ngữ điện ảnh chuẩn mực (biểu hiện qua góc quay, ẩn ý nghệ thuật của từng chi tiết phim, diễn xuất, biểu cảm nhân vật, cách dùng âm thanh, âm nhạc). Xét theo hệ quy chiếu này, việc tìm được một bộ phim Việt có chất lượng tốt và đồng thời doanh thu cao ở thị trường trong nước khá khan hiếm.
Có một thực tế hiện nay nhiều bộ phim Việt Nam dù đạt doanh thu cao nhưng khi “xuất ngoại” thì trắng tay. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
-Dễ dàng nhận thấy, phần lớn các bộ phim như vậy chỉ được làm với mục đích phục vụ khán giả trong nước, chiếu tại rạp sau đó lên các nền tảng online. Dù đạt doanh thu hàng trăm tỷ khi “mang chuông đi đánh xứ người” tham gia cuộc thi quốc tế, phát hành nước ngoài lại nhận được đánh giá không tốt và gần như không có cơ hội lọt vào liên hoan phim quốc tế.
Có thể những phim dạng này thành công trong nước nhưng rõ ràng việc không đạt được chuẩn quốc tế về phim điện ảnh khiến phần lớn các tác phẩm của điện ảnh Việt khá “chật vật” trên con đường vươn ra biển lớn. Khán giả quốc tế không xem phim Việt đồng nghĩa với việc họ cũng không quan tâm được nhiều tới đất nước hay con người Việt qua điện ảnh. Phần lớn các phim điện ảnh của Việt Nam hiện nay chỉ chọn theo lối mòn chiếu trong nước phục vụ khán giả, mang phong cách phim “nội địa” và bỏ qua ngôn ngữ điện ảnh, chuẩn mực quốc tế. Do đó, chúng ta cần tập trung hết sức để thay đổi thì mới mong điện ảnh Việt Nam phát triển song song cùng các ngành khác, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Vậy, cần làm gì để điện ảnh Việt Nam tìm được bản sắc riêng trên hành trình hội nhập quốc tế?
-Việt Nam cần có một ủy ban phát triển điện ảnh, quỹ phát triển điện ảnh kèm với một số chính sách rõ ràng để hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển như quy định về việc xếp suất chiếu cân bằng vào các khung giờ vàng cho phim Việt, cân bằng tỷ lệ phim Việt và phim nước ngoài, có một “bộ lọc” chuẩn mực cho các phim đạt chất lượng ra rạp… Đặc biệt, có thể đưa ra các quy định rõ ràng trong chính sách hỗ trợ, thưởng cho các nhà làm phim điện ảnh các bộ phim được lựa chọn hay đoạt giải trong các liên hoan phim quốc tế lớn được công nhận như một phần khuyến khích các nhà làm phim thực thụ giúp hỗ trợ phát triển điện ảnh nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng cũng chưa được xử phạt nặng, nghiêm minh, các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục đưa các tác phẩm chưa được phép lên mạng hay trang cá nhân, đây cũng là một vấn đề cần được chú trọng giải quyết để tạo ra môi trường trong sạch cho phát triển điện ảnh.
Điện ảnh ngày nay là một phương tiện mạnh mẽ trong việc quảng bá hay tác động đến xã hội. Nó được coi như là “nền kinh tế hình ảnh” của mỗi quốc gia vì thế Nhà nước cần quan tâm triệt để hơn và song hành cũng các nhà làm phim Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành thương hiệu điện ảnh mạnh trên trường quốc tế.