Những nước cấm cửa TikTok

Suốt nhiều năm qua, TikTok rơi vào cuộc chiến pháp lý với hàng loạt quốc gia, khi các chính phủ lo ngại về mối liên kết giữa TikTok với Trung Quốc và ảnh hưởng sâu rộng của ứng dụng này.

Nga phạt TikTok vì không xóa nội dung cấm. Romania hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống vì lo ngại về vai trò của TikTok trong lan truyền ảnh hưởng từ nước ngoài. Albania cấm TikTok trong một năm sau vụ thiếu niên bị một bạn đâm chết sau khi hai người cãi vã trên mạng xã hội.

“Hoặc TikTok bảo vệ trẻ em Albania, hoặc Albania sẽ bảo vệ trẻ em khỏi TikTok”, Thủ tướng Edi Rama viết trên mạng xã hội X.

Tất cả chuyện này xảy ra với TikTok chỉ trong tháng 12/2024.

Còn tại Mỹ, TikTok và công ty mẹ ByteDance đang yêu cầu Tòa án Tối cao bãi bỏ đạo luật buộc ứng dụng này phải chuyển chủ sỡ hữu, hoặc đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn.

Theo New York Times, trong những năm gần đây, TikTok chịu sự giám sát về mặt pháp lý và chính trị trên toàn thế giới, khi đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn hoặc vài phần ở ít nhất 20 quốc gia. Giới chức ngày càng lo ngại về mối liên kết của TikTok với Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng rộng rãi của ứng dụng này, đặc biệt với người trẻ.

Cấm hoàn toàn: Ấn Độ và Nepal

Nếu Mỹ cấm TikTok, công ty này sẽ mất một trong những thị trường quan trọng nhất. Song TikTok cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự vào năm 2020, khi chính phủ Ấn Độ loại bỏ ứng dụng sau xung đột địa chính trị âm ỉ với Trung Quốc bùng lên thành đụng độ quân sự dọc biên giới.

TikTok biến mất khỏi các cửa hàng ứng dụng còn trang web TikTok đã bị chặn, buộc những người sáng tạo nội dung kiếm sống trên ứng dụng này phải xây dựng lại lượng khán giả trên các nền tảng khác.

Một số phương án nội địa đã xuất hiện, nhưng những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ giành được miếng mồi lớn nhất. Cả YouTube và Instagram hiện có lượng người dùng ở Ấn Độ gấp đôi so với ở Mỹ.

 Những người sáng tạo nội dung Mỹ trên TikTok ủng hộ ứng dụng tại Washington. Ảnh: New York Times.

Những người sáng tạo nội dung Mỹ trên TikTok ủng hộ ứng dụng tại Washington. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, Nepal gỡ TikTok trong gần một năm vì ứng dụng này từ chối hạn chế nội dung mang “ngôn từ kích động thù địch làm xáo trộn hòa hợp xã hội”. Lệnh cấm đã bị hủy bỏ vào tháng 8/2024 sau khi Thủ tướng K.P. Sharma Oli nắm quyền điều hành chính phủ lần thứ tư.

Phạt tiền và bắt buộc hợp tác: Nga và Indonesia

Nga đã nhiều lần phạt TikTok vì cho phép lưu hành nội dung không tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của quốc gia này. Hai khoản tiền phạt gần đây nhất, do tòa án đưa ra trong 6 tháng qua, lên tới khoảng 90.000 USD.

Tại Indonesia, TikTok ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến có tên TikTok Shop. Vào năm 2023, chính phủ thông qua một đạo luật buộc TikTok phải đóng cửa hoạt động chỉ trong vài ngày.

TikTok Shop chỉ có thể mở cửa trở lại sau khi sáp nhập với công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, Tokopedia. Với TikTok, yêu cầu này cũng đi kèm với một lợi ích: Quyền truy cập vào mạng lưới tài xế giao hàng và dịch vụ hậu cần vận chuyển các gói hàng trên khắp 17.000 hòn đảo của Indonesia.

Bị chặn trên các thiết bị công

Một số bên tìm cách cân bằng nỗi lo về bảo mật của TikTok với quyền tự do ngôn luận.

Đảo Đài Loan (Trung Quốc) cấm TikTok trên các thiết bị công vào năm 2019. Song giới chức hòn đảo này không cân nhắc lệnh cấm toàn diện vì không muốn hạn chế văn hóa tranh luận công khai của Đài Loan.

Anh, Australia và Pháp, cũng như nhánh hành pháp của Liên minh châu Âu và Quốc hội New Zealand, áp dụng cách tiếp cận tương tự.

TikTok bị chặn trên các thiết bị di động do chính phủ cấp ở Canada khi chính phủ chỉ đạo TikTok đóng cửa văn phòng tại quốc gia này vào tháng 11/2024, với lý do rủi ro an ninh quốc gia từ ByteDance. Trong các tài liệu phản đối đệ trình lên tòa án Canada vào tháng 12/2024, TikTok tuyên bố chính phủ Canada đã chỉ đạo trì hoãn các thủ tục giấy tờ quá hạn cho đến khi Mỹ quyết định về cách tiếp cận với công ty.

Khi thành công trở thành rào cản

Bất chấp khó khăn, TikTok vẫn cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới, với hơn một tỷ người dùng mỗi tháng. Điểm mới lạ của TikTok nằm ở thuật toán độc quyền, đề xuất nội dung liên tục, chủ yếu là các video ngắn, khiến người dùng không ngừng lướt video mới.

ByteDance tiên phong công nghệ này vào năm 2016 với Douyin, một trong những ứng dụng phổ biến nhất tại Trung Quốc. Nhận thấy tiềm năng thành công, ByteDance đã cho ra mắt phiên bản “chị em” là TikTok vào năm 2017 hướng tới công chúng toàn cầu.

Song chính thuật toán độc đáo này trở thành mối lo cho các nhà lập pháp. Họ cho rằng TikTok đã nhanh chóng chuyển từ những video về mèo và nhảy nhót sang một thế lực xã hội, chính trị và kinh tế có khả năng kích động hỗn loạn. Giới chức cảnh báo TikTok có thể khuyến khích bạo lực, phát tán thông tin sai lệch và làm trầm trọng hơn vấn đề sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, họ lo lắng TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng như vị trí và lịch sử duyệt web với chính phủ Trung Quốc. Thủ tướng Albania Rama khẳng định người trẻ tuổi cần được bảo vệ khỏi "những cạm bẫy đáng sợ của thuật toán".

 Shou Chew - CEO của TikTok. Ảnh: New York Times.

Shou Chew - CEO của TikTok. Ảnh: New York Times.

TikTok bác bỏ những luận điểm này. Trong một tuyên bố, công ty nhấn mạnh thuật toán của ứng dụng duy trì tính trung lập nội dung, xếp hạng và gợi ý nội dung dựa trên những gì người dùng quan tâm. TikTok cho biết ByteDance phần lớn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc tuyên bố có thẩm quyền phản đối bất kỳ đợt mua bán nào.

Giữa lúc nhiều công ty Trung Quốc tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài, TikTok trở thành hình mẫu lẫn bài học kinh nghiệm. TikTok là minh chứng cho thấy một loại hình giải trí mới lần đầu tiên phổ biến ở Trung Quốc cũng có thể bắt kịp xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, ứng dụng cũng chính là một phần nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm Trung Quốc khác như Temu hay Shein bị phản ứng dữ dội.

“Có vẻ mọi doanh nhân Trung Quốc đều cần bằng khoa học chính trị hoặc quan hệ quốc tế để có thể định hướng tương lai công ty ngay bây giờ”, Kevin Xu - nhà sáng lập quỹ đầu cơ Interconnected Capital - chia sẻ.

Trong khi đó, Jianggan Li - CEO công ty tư vấn Momentum Works - cho biết các công ty có ứng dụng sử dụng rộng rãi trên toàn cầu như Meta và Google cũng bị giám sát trên toàn thế giới. “Nhưng là các công ty Mỹ, họ không phải đối mặt với sự ngờ vực giống TikTok trong mắt các chính trị gia và cơ quan quản lý phương Tây”, ông Li nói.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-nuoc-cam-cua-tiktok-post1523801.html
Zalo