TikTok âm thầm tung tính năng 'đáng đồng tiền bát gạo', phụ huynh khắp nơi đồng loạt 'thả tim'

TikTok vừa công bố tính năng mới: chặn lướt video sau 10 giờ tối đối với người dùng dưới 18 tuổi. Thay vào đó, ứng dụng sẽ hiển thị các bài thiền định nhằm khuyến khích nghỉ ngơi và cải thiện sức khỏe tinh thần. Động thái này gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Liệu đây là bước tiến vì cộng đồng hay sự can thiệp quá sâu vào quyền tự do cá nhân?

TikTok cấm lướt video sau 22h: Người dùng trẻ buộc phải… 'thiền'?

Từ cuối tháng 5/2025, TikTok bắt đầu áp dụng tính năng mới có tên Wind Down. Tính năng này tự động chặn việc lướt video sau 10 giờ tối đối với người dùng dưới 18 tuổi. Khi đến giờ giới hạn, màn hình sẽ chuyển sang giao diện hướng dẫn thiền định: hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ, gợi ý tắt thiết bị.

Nếu cố gắng vượt qua, người dùng sẽ bị buộc thoát khỏi phiên đăng nhập, phải chờ để truy cập lại. Với người dùng trên 18 tuổi, tính năng này có thể được bật/tắt thủ công trong mục "Thời gian sử dụng".

TikTok vừa công bố tính năng mới: chặn lướt video sau 10 giờ tối đối với người dùng dưới 18 tuổi.

TikTok vừa công bố tính năng mới: chặn lướt video sau 10 giờ tối đối với người dùng dưới 18 tuổi.

Bảo vệ sức khỏe tinh thần hay kiểm soát hành vi?

TikTok cho biết tính năng này nhằm giúp người trẻ cân bằng giữa sử dụng mạng và nghỉ ngơi – nhất là trong bối cảnh Gen Z đang chìm vào thói quen doomscrolling (lướt vô thức hàng giờ liền).

Tuy nhiên, điều đáng nói là quyền lựa chọn bị giới hạn. Một người sử dụng mạng xã hội TikTok cho biết: "Năm nay tôi 17 tuổi, tôi cảm thấy không cần ứng dụng ra lệnh khi nào tôi nên dừng, chúng ta là con người và đều có nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo cách riêng của mình miễn là phù hợp".

Phản ứng của người dùng: Gen Z phản đối, phụ huynh tán thành

Cư dân mạng chia làm hai phe rõ rệt.

- "Phe" ủng hộ: Đa phần là phụ huynh và chuyên gia sức khỏe. Họ cho rằng TikTok đã đi trước một bước, giúp giới trẻ ngủ đúng giờ, giảm stress học tập.

- "Phe" phản đối: Chủ yếu là người trẻ là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp. Họ cho rằng đây là hành động "ép buộc ngụy trang dưới danh nghĩa bảo vệ".

TikTok vốn là nơi giải trí cá nhân, nên khi bị giới hạn như "một lớp học quân sự", nhiều người cảm thấy bị theo dõi và tước quyền tự chủ.

Góc nhìn chuyên gia - một hình thức giới nghiêm số

Đứng trước quy định TikTok sẽ giới nghiêm người dùng sau 22h, PGS Nguyễn Quốc Bảo - chuyên gia truyền thông số nhận định: "Về mặt nguyên tắc, việc hướng dẫn người trẻ đi ngủ sớm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo cách ép buộc mà không có tùy chọn có thể sẽ phản tác dụng".

Một số quốc gia phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu khung pháp lý về quyền sử dụng nền tảng số của vị thành niên. Câu hỏi được đặt ra: liệu nên kiểm soát bằng thuật toán, hay giáo dục ý thức từ nền tảng?

Có thể bạn không để ý, nhưng chính ngay lúc TikTok yêu cầu bạn dừng lại, nó đã bước một chân vào đời sống riêng tư của bạn. Không còn là nơi "xem cho vui", TikTok đang trở thành một thực thể đạo đức - nơi định hướng hành vi, giờ giấc, cả cảm xúc.

Và cũng có thể, điều đáng sợ nhất không nằm ở việc bị chặn lướt video… mà ở chỗ chúng ta không còn nhận ra mình đã để mạng xã hội quyết định thay bao điều trong cuộc sống. Giới nghiêm kỹ thuật số là khởi đầu. Nhưng sự thức tỉnh, chỉ bạn mới có thể chủ động. Giữa dòng chảy không đáy của nội dung số, biết dừng lại đúng lúc có lẽ mới là thứ tự do thật sự.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tiktok-am-tham-tung-tinh-nang-dang-dong-tien-bat-gao-phu-huynh-khap-noi-dong-loat-tha-tim-172250521082835818.htm
Zalo