Tiểu thuyết kinh điển 'Bố già' trở lại với bản dịch và diện mạo mới

Ngày 27-12, tại Nhà sách Cá Chép (TPHCM), Công ty Đông A tổ chức giao lưu với độc giả nhân kỷ niệm 55 năm xuất bản lần đầu của tác phẩm Bố già. Đặc biệt, từ Australia, dịch giả Nguyễn Minh đã về Việt Nam giao lưu và chia sẻ cùng bạn đọc những chuyện thú vị xoay quanh việc dịch thuật một trong những tác phẩm ăn khách nhất thời đại.

Bố già được nhà văn Mario Puzo viết trong tình trạng túng quẫn và niềm tin với nghiệp văn chương đã lung lay. Ông gửi đề cương tiểu thuyết có chủ đề mafia này cho 8 nhà xuất bản, tất cả đều từ chối. Rốt cuộc, nhà xuất bản GP Putnam’s Sons nhận in, và ứng cho ông số tiền nho nhỏ là 5.000 USD.

 Biên tập viên Đạt Nhân và dịch giả Nguyễn Minh (từ trái qua) giao lưu với bạn đọc

Biên tập viên Đạt Nhân và dịch giả Nguyễn Minh (từ trái qua) giao lưu với bạn đọc

Sau khi xuất bản, cuốn sách đã đưa tên tuổi Mario Puzo lên đỉnh cao danh vọng. Năm 1969, Bố già đã trở thành một hiện tượng trong ngành xuất bản, đứng đầu danh sách bán chạy của New York Times suốt 67 tuần, và bán được hơn 21 triệu bản trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Đông A là đơn vị độc quyền giữ bản quyền bản tiếng Việt 9 tiểu thuyết của Puzo, trong đó có Bố già. Các ấn bản đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc.

Để ghi dấu 55 năm từ khi tác phẩm ra mắt bạn đọc, cũng như cho bạn đọc những trải nghiệm mới, lần này, Đông A giới thiệu bản dịch mới do dịch giả Nguyễn Minh chuyển ngữ, sử dụng minh họa của Art Werger, họa sĩ đương đại người Mỹ từng nhận hơn 250 giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế.

Bản dịch này được thực hiện với quan điểm: dịch thì phải phóng, song chỉ dừng ở mức phóng dịch, chứ không đến mức gần như phóng tác. Ngoài ra, các bản dịch Bố già trước đây đều chưa đầy đủ, bị cắt bớt nhiều đoạn, với ấn bản mới lần này, Đông A chủ trương giữ đúng tinh thần tác phẩm, nên ngay những phần nhạy cảm cũng cố giữ nguyên, để đáp ứng là một cuốn tiểu thuyết đặc tả về một thế giới tội phạm.

 Bạn đọc đặt câu hỏi với dịch giả Nguyễn Minh

Bạn đọc đặt câu hỏi với dịch giả Nguyễn Minh

Trước đó, ở Việt Nam, tác phẩm đã được xuất hiện với nhiều tên gọi và người dịch khác nhau như Bố già (Ngọc Thứ Lang dịch theo bản tiếng Anh), Bố già (Trịnh Huy Minh và Đoàn Tử Huyến dịch theo bản tiếng Anh và tiếng Nga), Bố già (Đặng Phi Bằng), Cha thánh (Giang Hà dịch theo bản tiếng Hoa)…

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tieu-thuyet-kinh-dien-bo-gia-tro-lai-voi-ban-dich-va-dien-mao-moi-post775123.html
Zalo