Đầu tư khủng, nhiều 'sao' phim vẫn bết bát

Năm 2024, nhiều bộ phim Việt Nam được đầu tư lớn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng, nhưng doanh thu lại bết bát đến báo động. Mới nhất, Công tử Bạc Liêu phải gánh chịu cái kết đắng khi chỉ thu về chưa đủ 5% kinh phí đầu tư khởi điểm. Điều gì đang thực sự xảy ra và liệu kinh phí đầu tư lớn hoặc dàn sao nổi tiếng có còn là tấm vé bảo đảm cho thành công của phim?

Những con số biết nói

Mở đầu cho sự ế ẩm của phòng vé năm nay là bộ phim Trà của đạo diễn Lê Hoàng. Dù phim được kỳ vọng với sự tham gia của nghệ sĩ Việt Hương và khai thác đề tài ngoại tình vốn được mặc định là ăn khách, nó chỉ thu về 745 triệu đồng sau hai ngày công chiếu trong dịp Tết Giáp Thìn. Được hứa hẹn “drama căng cực”, Trà lại “ế trong tuyệt vọng” khi diễn biến không có gì khó đoán, trừ cái kết.

Nhưng cái kết lại gây tranh cãi về thông điệp nhà làm phim muốn gửi gắm, liệu có phù hợp với truyền thống Á Đông khi cổ xúy tình yêu từ ngoại tình? Doanh thu thấp kỷ lục của phim nằm ngoài mọi đồn đoán của giới yêu điện ảnh, bất chấp danh tiếng của đạo diễn Lê Hoàng và sự góp mặt của một ngôi sao được yêu thích như Việt Hương. Các yếu tố như kịch bản khiên cưỡng, diễn xuất không đồng đều, nội dung khó tiếp cận trong bối cảnh Tết đã khiến Trà không thể thu hút khán giả.

Cuối năm, Công tử Bạc Liêu lặp lại nguyên xi cái “dớp” của Trà. Được xây dựng như một bộ phim đỉnh cao với hơn 300 bộ trang phục do nhà thiết kế Thủy Nguyễn sản xuất, cùng sự tham gia của dàn sao gồm Thành Lộc, Song Luân, Kaity Nguyễn…, tuy nhiên, doanh thu phim chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng sau ba tuần công chiếu. Đây là con số gây sốc, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự hiệu quả trong cách tiếp cận khán giả và khả năng thu hút người xem của bộ phim.

Trà thất bại dù Lê Hoàng khai thác chuyện ngoại tình

Trà thất bại dù Lê Hoàng khai thác chuyện ngoại tình

Theo nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Hoàng Minh, Công tử Bạc Liêu thất bại không chỉ vì kịch bản hời hợt, làm méo mó hình tượng nhân vật lịch sử, mà còn bởi sự thiếu chỉn chu trong cách tiếp cận khán giả. “Bộ phim bỏ qua các khía cạnh nhân văn và giá trị tích cực của nhân vật Công tử Bạc Liêu, chỉ tập trung khai thác các giai thoại ăn chơi một cách phiến diện. Đồng thời, chiến lược truyền thông không rõ ràng và thiếu tính cầu thị càng khiến phim mất đi sức hút với người xem hiện đại”, ông nhận xét.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các bộ phim khác như: Biệt đội hot girl, Domino: Lối thoát cuối cùng, Cu li không bao giờ khóc... Biệt đội hot girl dù có sự đảm bảo của NSND Hoàng Dũng nhưng vẫn không cứu được phần kỹ xảo “3 xu”, cốt truyện lỗi thời và cả việc dùng cảnh “nóng” để câu khách bất chấp mà không hề mang tính phát triển câu chuyện hay yếu tố nghệ thuật.

Kết cục, đứa con tinh thần của đạo diễn Vĩnh Khương chỉ thu về 68 triệu đồng. Bà Trần Thanh Thúy, chuyên gia marketing phim ảnh, nhận xét: “Hình ảnh lộng lẫy và dàn sao không còn là yếu tố quyết định. Các nền tảng số mới là kênh tiếp cận hiệu quả nhất đối với khán giả trẻ hiện nay”.

Công tử Bạc Liêu bị đánh giá là làm méo lịch sử giống như trường hợp của Đất rừng Phương Nam

Công tử Bạc Liêu bị đánh giá là làm méo lịch sử giống như trường hợp của Đất rừng Phương Nam

Domino được kỳ vọng vào lợi thế “phim hành động Việt quay ở Mỹ” cũng chỉ đạt doanh thu chưa tới 600 triệu đồng. Trong khi đó, Cu li không bao giờ khóc dù giành giải thưởng quốc tế, nhưng doanh thu nội địa chỉ đạt 740,8 triệu đồng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Minh nói: “Giải thưởng quốc tế không thay thế được việc nắm bắt thị hiếu khán giả nội địa”.

Vì sao khán giả thất vọng?

Những bộ phim như Công tử Bạc Liêu, Biệt đội hot girl, Domino: Lối thoát cuối cùng và Cu li không bao giờ khóc thất bại phòng vé bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ kịch bản, truyền thông, đến cách tiếp cận khán giả. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, những thất bại này không phải ngẫu nhiên mà là hậu quả của việc xem nhẹ nội dung và quá phụ thuộc vào những yếu tố bề ngoài như dàn sao hay kinh phí sản xuất.

Cảnh nóng cũng không kéo được khán giả đến xem Biệt đội hotgirl

Cảnh nóng cũng không kéo được khán giả đến xem Biệt đội hotgirl

Một trong những nguyên nhân cốt lõi là sự yếu kém ở khâu kịch bản. Các bộ phim thường mắc lỗi kể chuyện thiếu chiều sâu, với nội dung hời hợt và không chạm tới cảm xúc của khán giả. Công tử Bạc Liêu là ví dụ điển hình khi biến hình tượng nhân vật lịch sử trở nên méo mó, phiến diện, chỉ tập trung vào các giai thoại ăn chơi, bỏ qua những giá trị nhân văn và đóng góp xã hội của ông. Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả cuốn Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại, cho rằng, ê-kíp làm phim đã đi sai hướng khi không khai thác các khía cạnh tích cực của nhân vật. Điều này không chỉ làm khán giả thất vọng mà còn gây phẫn nộ trong cộng đồng yêu văn hóa lịch sử.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả cuốn Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại cho rằng, ê-kíp làm phim đã đi sai hướng khi không khai thác các khía cạnh tích cực của nhân vật. Điều này không chỉ làm khán giả thất vọng mà còn gây phẫn nộ trong cộng đồng yêu văn hóa lịch sử.

Ngoài ra, chiến lược truyền thông của các bộ phim cũng bị đánh giá là thiếu hiệu quả. Theo bà Trần Thanh Thúy, các nhà sản xuất vẫn dồn sức vào những phương thức quảng bá truyền thống, trong khi khán giả trẻ ngày nay lại gắn bó chặt chẽ với các nền tảng số như TikTok hay Instagram. Điều này khiến các bộ phim không tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu, làm giảm đáng kể sự chú ý và lượng khán giả đến rạp.

Một vấn đề khác là sự kỳ vọng cao nhưng thực tế không đáp ứng được từ các bộ phim lịch sử hoặc có yếu tố văn hóa địa phương. Khán giả thường kỳ vọng rằng, những tác phẩm này sẽ tái hiện chân thực các nhân vật và sự kiện lịch sử.

Tuy nhiên, khi hư cấu không hợp lý hoặc thêm thắt quá đà như trường hợp Công tử Bạc Liêu và trước đó là Đất rừng Phương Nam, phim đã bị chỉ trích là không tôn trọng sự thật lịch sử. Tiến sĩ Lê Mạnh Tùng (Viện Hàn lâm KHXH) nhận định: “Hư cấu trong phim lịch sử là điều cần thiết để tăng tính giải trí, nhưng nó phải được xây dựng trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc giữa sự thật lịch sử và sáng tạo nghệ thuật”.

Bên cạnh đó, diễn xuất của các diễn viên cũng là điểm yếu. Dù có sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng như Song Luân, Kaity Nguyễn, hay hoa hậu Đoàn Thiên Ân, nhưng sự thiếu kinh nghiệm và chiều sâu trong diễn xuất khiến phim không thuyết phục được khán giả. Nhiều người cho rằng, việc đưa người mẫu, hoa hậu vào phim là quyết định mạo hiểm khi họ chưa được đào tạo bài bản về diễn xuất. Điều này càng làm giảm giá trị của phim trong mắt người xem.

Cuối cùng, sự cạnh tranh gay gắt từ các bom tấn quốc tế cũng là một nguyên nhân khiến các bộ phim Việt khó giữ chân khán giả. Khi phải so sánh với các tác phẩm được đầu tư mạnh mẽ từ Hollywood, những bộ phim Việt Nam với nội dung kém hấp dẫn và chất lượng sản xuất chưa cao dễ dàng bị lu mờ.

Thất bại của những bộ phim này có thể coi như một hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành điện ảnh Việt Nam. Các chuyên gia đồng thuận rằng, để đạt được thành công, các nhà làm phim cần tập trung vào chất lượng kịch bản, chiến lược truyền thông phù hợp với xu thế, sự cân bằng giữa sáng tạo và chân thực. Việc chỉ dựa vào kinh phí lớn và dàn sao không còn là công thức đảm bảo cho thành công, thay vào đó, thứ mà các ê-kíp làm phim cần tập trung chính là một tầm nhìn dài hạn và sự tôn trọng khán giả.

Những phim ế ẩm nhất năm 2024

Biệt đội hot girl: 67,9 triệu đồng; Đóa hoa mong manh: 430 triệu đồng; Domino: Lối thoát cuối cùng: 596,7 triệu đồng; Cu li không bao giờ khóc: 745 triệu đồng; Trà: 1,61 tỷ đồng; Án mạng lầu 4: 2 tỷ đồng; Sáng đèn: 3,42 tỷ đồng; B4S - Trước giờ yêu: 3,87 tỷ đồng.

(Theo thống kê của Box Office)

HẠ ĐAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-tu-khung-nhieu-sao-phim-van-bet-bat-post1705421.tpo
Zalo