Mẻ bánh một đời cây

Cây dè tồn tại như một biểu tượng của thời hoang vắng. Giữa ồn ào cây dè thành một người kể chuyện hiếm hoi. Những câu chuyện đất trời chậm ơi là chậm.

Chị kiếm giùm bánh bột dè đặng em mua cho má em. Bột dè là bột gì? Có phải bột huyền hay không?

Vô tình trò chuyện với một người thợ cưa cây lành nghề, bạn ấy nói em từng đốn một cây dè rất lớn. Nó có một khúc phình ra. Mình cưa khúc đó chẻ nhỏ ngâm ra lấy tinh bột. Có người gọi bột dè, người gọi bột mần dè, mì dè. Bột đó mình làm bánh. “Cây dè lớn như cây thốt nốt vậy chị. Khó đốn lắm. Cây thường càng lên cao càng nhỏ, mình cứ choàng dây quanh cây rồi vừa leo vừa nâng dần vòng dây lên. Cây dè cao ơi là cao, tới khúc cao nhất nó phình ra lớn ơi là lớn, phải nới dây trong khi hai tay mình mắc ôm cây. Cưa được nó tốn công nên người ta trả nhiều tiền mà còn chia cho mớ cây dè về ngâm làm bột. Cây này ở Campuchia nhiều lắm...”, bạn thợ cưa cây hào hứng kể.

Hỏi những người từng sống ở Campuchia lại tiếp tục nhận được những cái lắc đầu. Duy nhất chỉ có cô Ba Hương nói từng thấy một rừng dè. Cô nói trên đó nhiều lắm. Nó gần trăm năm mới “có chửa”. Người ta cưa khúc “có chửa” đó làm bột.

Hàng cây dè ở huyện Koh Thom (tỉnh Kandal, Campuchia) giáp biên giới Việt Nam có hình dáng như cây thốt nốt. Ảnh: PAT

Hàng cây dè ở huyện Koh Thom (tỉnh Kandal, Campuchia) giáp biên giới Việt Nam có hình dáng như cây thốt nốt. Ảnh: PAT

Cái cảm giác cây hàng trăm năm cho một lần bột rồi tàn đời cây nghe buồn. Tôi muốn tận mắt nhìn nó, muốn nghe nó kể về tâm tình một loài cây tồn tại giữa thời hoang dã. Loài cây tồn tại cho chim chóc làm ổ, chuột bọ moi móc kiếm miếng ăn. Cây không dành cho người bởi vòng đời chậm lụt nhẩn nha kia. Người ăn nhiều hơn, xài nhiều hơn, người ta cần những loại cây vòng đời ngắn rồi ngày càng ngắn hơn nữa.

Lục lạo nhiều ngày trong vườn thốt nốt Nhà Bàn, Tri Tôn tôi nghe người xưa nói ông bà hồi xưa có nói về cây dè chớ chưa từng thấy. Tôi viết một đoạn văn về loài cọ lấy bột rồi nhờ dịch qua tiếng Khơme. Nhận được thông tin về một loài cọ có dáng thốt nốt. Quăng cái hình cho người bạn thợ từng đốn cây dè: “Đúng rồi chị”. Thông tin về nó trên mạng rất mỏng manh. Một loại cây nó sưng lên ở tuổi 25 rồi hơn trăm tuổi nó sưng lên lần nữa mà chẳng hiểu vì sao. Đưa cái hình lên mạng, bạn bè nói đó là cây thốt nốt. Thốt nốt và cây dè chỉ khác nhau một chút ở cái bụng bầu. Lục lạo mãi tôi chợt nhớ một thời mình đã từng được chạm tay cây dè.

Người ta cưa khúc “có chửa” của cây dè ra, qua vài bước sơ chế rồi xay làm bột. Ảnh: PAT

Người ta cưa khúc “có chửa” của cây dè ra, qua vài bước sơ chế rồi xay làm bột. Ảnh: PAT

Nơi tôi ở là ngôi nhà cất trên kênh Ông Cò, ngoại ô Châu Đốc. Đó là mùa lũ lớn nên quanh nhà đầy nước. Đi học mỗi ngày, tôi bước chân lên bộ rễ của nó, vịn nó để bước lên bờ thuận lợi hơn. Tôi chạm tay vào nó như chạm tay vào một người quen. Tôi hỏi bác tôi đây là cây gì. Bác nói nó là cây bột. Người ta lấy bột từ thân của nó. Tôi tưởng tượng chắc người ta khoét một cái lỗ trên thân nó vậy là bột chảy ra.

Những ngày tôi ở trọ kênh Ông Cò đi học là những ngày lũ lụt đói khổ. Lụt ngập tận cánh én nhà tôi. Gạo thiếu trầm trọng. Trước đó nữa người ta còn phải ăn bo bo củ co củ súng. Nhìn cây bột tôi tự hỏi, sao người ta không trồng cây bột thật nhiều để khoét một lỗ trên thân nó rồi lấy bột, cuộc đời có phải nhẹ nhàng không. Chớ cảnh làm lúa quá nhọc nhằn. Tôi thấy má tôi khóc cười qua từng mùa vụ. Bệnh tật cho lúa, phân bón, giá nhân công đủ thứ.

Sao người ta không trồng cây bột? Ý nghĩ đó lặp lại đôi lần. Nhưng ý nghĩ đó cũng chẳng kéo dài bao lâu. Bởi cái ý nghĩ bột nó không quý giá như lúa như gạo. Nhà tôi thì chật vật với lúa gạo nhiều hơn.

Chị Mai Ngọc bán bánh bột dè gần 20 năm bên hông chợ Châu Đốc, An Giang. Nguồn ảnh: Trạm Châu Đốc

Chị Mai Ngọc bán bánh bột dè gần 20 năm bên hông chợ Châu Đốc, An Giang. Nguồn ảnh: Trạm Châu Đốc

Cây bột trôi về miền ký ức xa xôi. Tôi tưởng như nó chưa từng tồn tại.

Lúc gặp ông Sáu Khánh Hưng kể về lúc cưa cây dè lấy bột: “Hạ cả cây nghe chị, khúc lớn nhất mới có bột. Cắt cái bụng bột đó ra chẻ như chẻ củi rồi ngâm, bóp ra lược bỏ xơ, tẻ bỏ nước chua vài lần rồi đem phơi nắng”.

Tôi nhớ mùa nước nổi, khoai mì ngập nước nội cũng lấy củ ngâm nước rồi bóp nát ra lược bỏ xác lấy tinh bột. Khoai mì lấy củ xong, cắm xuống đất vài tháng lại có mùa khoai mì mới. Cây bột dè thì để có bầu bột nhỏ phải hơn hai mươi năm, bầu bột lớn phải hơn trăm năm. Mùa mì dè cổ thụ dài hơn những đời người. Những đời mì dè cô độc trên cao. Nó không giống mùa thốt nốt. Nó sống lặng lẽ và dâng cho đời trăm ngoài ký bột rồi tàn gần trăm năm, có khi lâu hơn nữa.

Có lẽ trong cuộc sống của đói khổ đầu nguồn, đất mênh mông không người ở, hạn thì cao hơn mặt nước biển gần hai mươi mét, lũ thì nước cao hơn chục mét, lúa ma cũng không sống nổi, cây dè đã cứu rỗi được phận đời gần nguồn. Những kho bột không chìm trong nước. Bơi chiếc xuồng giữa đồng không mông quạnh, cưa ngang đoạn cây, cưa thêm đoạn bột, vậy là có được vụ mùa tinh bột cứu đói. Cha ông trồng cứu đói cho con cháu. Đời này qua đời khác, cây lớn dần lên nối tiếp nhau. Con cháu có những mùa bánh bột dè.

Loại bột của trăm năm có gì khác biệt?

Tôi đi học ngang quầy bánh mỗi ngày nhưng mãi tới tuổi năm mươi mới nếm bánh lần đầu. Thời đi học nghèo nên đâu bận tâm bánh trái. Lớn lên đi làm thì không thích những loại bánh ngọt. Nghe nói bột dè đi tìm mua thử. Đi ba bốn lần đều là ngay những lần hết bánh.

Bánh bột dè trong lành, bọc nhân đậu xanh, ăn dịu mát như thạch sương sa chan nước cốt dừa. Ảnh: CTV

Bánh bột dè trong lành, bọc nhân đậu xanh, ăn dịu mát như thạch sương sa chan nước cốt dừa. Ảnh: CTV

Bánh bột dè không ngon ở hương, cũng không ngọt ở vị. Nó được quan tâm bởi cái chất bột trong lành ăn dịu mát như thạch sương sa nhưng lại dễ tiêu hóa hơn. Mùa nóng hạn, ăn bánh bèo bánh da lợn bột dè là giải pháp an lành.

Thật ra có những nơi người ta không cưa hẳn cây lấy bột mà khoét lỗ trên ngọn cây để lấy loại nước có tinh bột và có đường. Mỗi ngày qua vết thương lành miệng lại được khoét một lát cắt mới. Nhựa tứa ra. Cây mỏi mòn dần rồi chết hẳn. Nó tồn tại được ở những vùng khắc nghiệt. Nơi đó không ai sống. Nó để làm tổ cho chim chóc.

Mọi thứ đều sẽ qua đi. Cây dè tồn tại như một biểu tượng của thời hoang vắng. Giữa ồn ào cây dè thành một người kể chuyện hiếm hoi. Những câu chuyện đất trời chậm ơi là chậm. Kể bằng vài nhát cưa. Kể bằng đôi đêm ngâm trong nước. Một đời dè lặng lẽ chỉ xôn xao chừng đó. Nhìn một lần, ăn một lần, chạm tay đôi lần. Vậy thôi.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/me-banh-mot-doi-cay-46363.html
Zalo