Tiểu thương hồi phục sau 'cú sốc' thuế điện tử
Từ tâm lý e dè, lo ngại trước những thay đổi trong chính sách thuế và quản lý thị trường, đến nay, nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động quay trở lại quầy sạp. Không chỉ là sự phục hồi, nối lại hoạt động tại các chợ truyền thống, đây còn là bước chuyển mình tích cực, hướng đến mô hình kinh doanh minh bạch, ổn định và bền vững.

Sau thời gian trầm lắng, nhiều tiểu thương tại chợ Đức Xuân (phường Đức Xuân) đã kinh doanh trở lại.
Thời điểm chính sách thuế điện tử và quản lý nguồn gốc hàng hóa bắt đầu được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, không ít tiểu thương rơi vào trạng thái lúng túng, thậm chí lo ngại. Vốn với phương thức kinh doanh truyền thống, ghi chép thủ công, nhiều người tạm dừng hoạt động, đóng quầy sạp hoặc giảm quy mô nhập hàng vì sợ vi phạm mà không biết cách thực hiện đúng quy định mới.
Tại chợ Thái, một trong những khu chợ lớn, sầm uất bậc nhất của tỉnh với hơn 200 tiểu thương hoạt động, đã từng có thời điểm hàng loạt quầy hàng đóng cửa.
Chị Vũ Thị Hằng, tiểu thương chuyên bán quần áo tại tầng 2 chợ Thái, là một trong số đó.
“Lúc đầu nghe nói đến hóa đơn điện tử, kê khai thuế, tôi hoang mang lắm. Sợ sai, sợ bị phạt nên đành nghỉ bán một thời gian. Nhưng sau đó, cán bộ thuế và phường mời lên đối thoại, giải thích cụ thể từng bước, tôi mới hiểu và thấy không đến mức phức tạp như tưởng tượng” - chị Hằng chia sẻ.
Đến nay, 40 hộ kinh doanh tại tầng 2 chợ Thái đã buôn bán nhộn nhịp trở lại.
Chợ Đức Xuân cũng từng rơi vào tình trạng trầm lắng khi một số tiểu thương chọn cách bán cầm chừng, thậm chí tạm nghỉ để theo dõi động thái chính sách. Tuy nhiên, những ngày gần đây, không khí tại khu chợ này đã sôi động rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Dâng là người có gần ba thập kỷ gắn bó với chợ Đức Xuân thừa nhận, bản thân từng lo lắng khi nghe thông tin về việc thanh tra hóa đơn, yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Trước đây, phần lớn hàng chúng tôi nhập theo hình thức thỏa thuận miệng hoặc giấy viết tay, không có hóa đơn chuẩn nên rất khó chứng minh nguồn gốc. Tuy nhiên, sau khi Ban quản lý chợ phối hợp với cơ quan thuế và lực lượng quản lý thị trường tổ chức đối thoại, hướng dẫn, các tiểu thương dần yên tâm hơn, bà Nguyễn Thị Dâng cho biết.
Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của tiểu thương giúp họ chủ động thích nghi với yêu cầu mới. Đồng thời, điều đó cũng góp phần khôi phục nhịp buôn bán sôi động tại các khu chợ truyền thống.
Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy khi chính quyền đồng hành và lắng nghe, người dân sẽ sẵn sàng thay đổi để phát triển lâu dài.
Dù chưa có thống kê chính thức về tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh sau khi sáp nhập, nhưng theo Chi cục Thuế khu vực 7, Thái Nguyên, có khoảng gần 40 nghìn hộ kinh doanh đang hoạt động. Trong đó, tại nhiều chợ lớn đơn vị đã thực hiện việc kê khai, đăng ký mã số thuế và bước đầu các tiểu thương, hộ kinh doanh đã tiếp cận với hóa đơn điện tử.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai từ cơ sở, ông Nghiêm Xuân Quyết, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Linh Sơn, cho biết: Dù chính quyền hai cấp mới đi vào hoạt động, nhưng địa phương đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế, Ban quản lý chợ và tổ dân phố để tiếp cận trực tiếp từng hộ kinh doanh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn.
“Chúng tôi xác định việc đồng hành, giúp tiểu thương vượt qua tâm lý e ngại là nhiệm vụ ưu tiên để bà con hiểu đúng, làm đúng và không bị thiệt thòi do thiếu thông tin” - ông Quyết nhấn mạnh.
Việc các tiểu thương quay lại hoạt động bình thường không chỉ là dấu hiệu phục hồi tại các chợ truyền thống, mà còn cho thấy hiệu quả bước đầu của công tác tuyên truyền, đối thoại, cũng như sự linh hoạt trong điều hành chính sách của cơ quan quản lý.
Ngành Thuế đã triển khai nhiều hình thức khảo sát, lấy ý kiến trực tiếp từ hộ kinh doanh để điều chỉnh cách làm cho phù hợp với thực tiễn. Những vướng mắc như quy trình đăng ký mã số thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, cách xác định doanh thu tính thuế… đều được ghi nhận và tháo gỡ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người kinh doanh nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, tại nhiều chợ truyền thống nhất là khu vực phía Bắc của tỉnh vẫn còn không ít tiểu thương gặp trở ngại khi tiếp cận công nghệ. Việc thiếu kỹ năng, lúng túng khi sử dụng phần mềm, hay tâm lý ngại thay đổi khiến quá trình chuyển đổi sang hình thức quản lý hiện đại gặp nhiều lực cản.
Bà Vũ Thị Duyên, tiểu thương tại chợ Đức Xuân, cho biết: Tôi đã sử dụng hóa đơn điện tử cho cả việc bán hàng và mua hàng được 2 năm, thấy rất thuận tiện. Tuy nhiên, việc kinh doanh tại chợ khác với các cửa hàng cố định, nên trang bị máy tính tiền và cài đặt phần mềm không hề dễ dàng.
Bài toán về thiết bị, kỹ năng công nghệ, cùng với sự đồng hành từ chính quyền cơ sở, là những yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cá thể. Sự quay trở lại của tiểu thương từ các chợ lớn đến những khu chợ nhỏ ở xã, phường đã phần nào cho thấy tinh thần thích ứng nhanh, sẵn sàng thay đổi để bắt kịp với yêu cầu mới.
Đây là bước tiến quan trọng trên hành trình xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại và bền vững, nơi mà tiểu thương không chỉ buôn bán ổn định mà còn có cơ hội phát triển lâu dài trên nền tảng quản lý số hóa minh bạch và công bằng.