Răn đe đối tác 'làm chưa đủ', Tổng thống Trump tiếp tục 'ra chiêu' thuế quan; ca ngợi một nước châu Âu 'khôn ngoan'

Ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, bắt đầu từ 1/8.

Xe đầu kéo xếp hàng dài tại cửa khẩu quốc tế Ysleta-Zaragoza, trên biên giới Mỹ-Mexico ở Juarez, Mexico, vào ngày 3/4. (Nguồn: Getty Images)

Xe đầu kéo xếp hàng dài tại cửa khẩu quốc tế Ysleta-Zaragoza, trên biên giới Mỹ-Mexico ở Juarez, Mexico, vào ngày 3/4. (Nguồn: Getty Images)

Đây là bước đi tiếp theo trong chuỗi chính sách thương mại cứng rắn mà ông chủ Nhà Trắng triển khai kể từ khi tái nhậm chức tháng 1/2025, nhằm thúc đẩy mô hình thương mại "cân bằng và công bằng hơn" theo tuyên bố của chính quyền Mỹ.

EU tìm biện pháp đối phó, Mexico tố "không công bằng"

Theo thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Trump nhấn mạnh toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU và Mexico sẽ bị đánh thuế 30%, trừ một số lĩnh vực đặc thù như ô tô (25%).

EU và Mexico nằm trong danh sách các nền kinh tế sẽ bị áp thuế mới từ ngày 1/8. Động thái này nối tiếp chuỗi điều chỉnh thuế quan bất thường mà ông Trump áp dụng trong năm nay.

Đáp lại, bà von der Leyen khẳng định EU vẫn sẵn sàng đối thoại nhằm tìm giải pháp trước thời hạn 1/8, song cảnh báo mức thuế 30% sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. EU sẽ “áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết” nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu “kiên quyết bảo vệ lợi ích châu Âu”, đồng thời nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc chuẩn bị các biện pháp đáp trả, kể cả các công cụ chống cưỡng chế.

Các quan điểm trên được nhiều quan chức EU ủng hộ, tạo nên phản ứng mạnh mẽ nhất từ Brussels kể từ khi Mỹ điều chỉnh chính sách thương mại trong tháng 5.

Với Mexico, ông Trump cho biết việc áp thuế nhằm gây áp lực ngăn chặn dòng chảy fentanyl vào Mỹ – lý do ông từng viện dẫn khi áp thuế trong nhiệm kỳ đầu. Dù phần lớn hàng hóa Mexico vẫn được miễn thuế theo Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA), ông cảnh báo “những gì Mexico đã làm vẫn chưa đủ”.

Tổng thống Claudia Sheinbaum cho biết Mexico đang đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp thay thế, tránh áp thuế và bảo vệ doanh nghiệp hai nước. Trong thư gửi phía Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard gọi kế hoạch này là “đối xử không công bằng” và tuyên bố Mexico phản đối.

Trong thư gửi EU và Mexico, ông Trump cũng cảnh báo mọi hành động trả đũa sẽ bị đáp trả tương ứng: “Bất kỳ mức thuế nào các bạn tăng sẽ được cộng thêm vào mức thuế 30% mà Mỹ đang áp dụng”.

Chính quyền của Tổng thống Trump cho biết mục tiêu nhằm phản ứng với cả rào cản thuế quan và phi thuế quan, đặc biệt là thuế kỹ thuật số – loại thuế phổ biến tại nhiều nước EU, đánh vào doanh thu từ dữ liệu, quảng cáo và dịch vụ trực tuyến, bất kể doanh nghiệp có lợi nhuận hay không.

Ông Trump nhiều lần chỉ trích EU “không đàm phán thiện chí”. Hồi tháng 5, ông từng dọa áp thuế 50% nếu không đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/6, song sau đó tạm hoãn và giữ mức thuế 20% mang tính “có đi có lại” cho đến giữa tháng 4.

Phát biểu trên Fox News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng đề xuất từ EU “không tương xứng với các đối tác thương mại chủ chốt khác” của Mỹ. Ông ca ngợi Anh đã “khôn ngoan khi sớm đạt được thỏa thuận”.

Động thái với EU và Mexico diễn ra sau khi ông Trump dọa áp thuế 35% lên một số mặt hàng từ Canada. Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và EU đạt gần 976 tỷ USD, với Mexico là 840 tỷ USD và Canada hơn 762 tỷ USD.

Tác động không đều

Theo Reuters, các chuyên gia nhận định mức thuế mới của Mỹ sẽ tác động không đồng đều tới các nước EU do đặc thù quan hệ thương mại khác nhau.

Ireland và Đức được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ireland có mức thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ (86,7 tỷ USD), chủ yếu nhờ ngành dược phẩm – lĩnh vực chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu EU sang Mỹ. Nhiều tập đoàn dược và công nghệ lớn của Mỹ như Pfizer, Johnson & Johnson, Apple, Google và Meta đặt trụ sở tại Dublin để hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp chỉ 15%. Các công ty này đăng ký bằng sáng chế tại Ireland và bán sản phẩm tại Mỹ – nơi có giá thuốc cao hơn mặt bằng chung toàn cầu.

Trong khi đó, Đức – nền kinh tế lớn nhất EU – có thặng dư 84,8 tỷ USD với Mỹ, chủ yếu từ các ngành ô tô, hóa chất, thép và máy móc. Riêng thị trường Mỹ chiếm 23% doanh thu của hãng xe Mercedes-Benz, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Pháp và Italy cũng đối mặt rủi ro đáng kể, với thặng dư lần lượt khoảng 44 tỷ USD và 16,4 tỷ USD. Các ngành rượu vang, rượu mạnh, thực phẩm – đặc biệt từ Pháp, Italy và Tây Ban Nha – được cảnh báo sẽ chịu thiệt hại nặng nếu thuế 30% được áp dụng. Hiệp hội Nông nghiệp Italy ước tính thiệt hại chung cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ có thể lên tới 2,3 tỷ USD.

Ngoài ra, các lĩnh vực hàng không và hàng xa xỉ của Pháp cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. LVMH – tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu cao cấp – thu tới 25% doanh thu từ Mỹ, trong khi ngành hàng không vũ trụ (chủ yếu là Airbus) chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu của Pháp sang thị trường này.

Liên doanh Stellantis (Pháp–Italy) cũng bị ảnh hưởng trong lĩnh vực ô tô, đến mức phải tạm hoãn công bố dự báo doanh thu cả năm do lo ngại bất ổn từ chính sách thuế mới.

(theo CNN, Reuters)

Hạ Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ran-de-doi-tac-lam-chua-du-tong-thong-trump-tiep-tuc-ra-chieu-thue-quan-ca-ngoi-mot-nuoc-chau-au-khon-ngoan-320869.html
Zalo