Hơn 50% hộ kinh doanh chưa được cơ quan thuế hỗ trợ áp dụng hóa đơn điện tử
Đặc biệt, phần lớn hộ kinh doanh vẫn lo ngại về chi phí đầu tư ban đầu, thay đổi thói quen vận hành, cũng như những áp lực từ công nghệ và thủ tục mới.
Khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ ngày 7-30/6/2025 cho thấy, tỷ lệ hộ kinh doanh hiểu rõ nghĩa vụ thuế của mình theo Nghị định 70 của Chính phủ về quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền còn rất thấp.
Theo đó, khảo sát của Ban Pháp chế VCCI được thực hiện với gần 1.400 hộ kinh doanh trên toàn quốc cho thấy, đã có 94% đã biết tới Nghị định 70 của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ 11% hiểu rõ nghĩa vụ của mình, trong khi 68% chỉ hiểu sơ bộ và 21% chưa hiểu.

Cần có sự minh bạch trong truyền thông chính sách, sự linh hoạt trong quá trình triển khai để cùng nhau xây dựng chính sách hiệu quả bền vững giúp hộ kinh doanh phát triển
Một vấn đề đặt ra là, có đến hơn 50% hộ cho biết chưa được liên hệ hướng dẫn hỗ trợ rõ ràng từ cơ quan thuế địa phương. Tỷ lệ hộ nhận được hướng dẫn "rất rõ ràng" chỉ đạt 14%, trong khi 60% hộ kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống chưa từng được liên hệ, hỗ trợ…
Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, hộ kinh doanh là lực lượng kinh tế quan trọng, nhưng đồng thời cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi chính sách thay đổi đột ngột, do đó cần có sự hỗ trợ thích đáng. Đa số các hộ kinh doanh là hộ nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, với nguồn lực hạn chế, trình độ công nghệ còn thấp, nếu không có sự hỗ trợ thích đáng, nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi và điều đó có tác động không nhỏ đến sinh kế của hàng triệu người dân, đặc biệt là hàng triệu hộ kinh doanh.
“Lực lượng hộ kinh doanh cũng đang được xác định là tiềm năng phát triển hàng triệu doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy mô vừa và thậm chí quy mô lớn thời gian tới. Chính vì thế việc nuôi dưỡng các hộ kinh doanh, cũng là động lực để thực hiện thành công Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Nhiều hộ kinh doanh cho biết, rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ khi áp dụng chuyển từ thuế khoán sang kê khai, song thực tế khi triển khai đang gặp nhiều vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Khánh Ly, hộ kinh doanh phụ tùng ô tô tại Hà Nội cho biết, khi triển khai áp dụng, đơn vị gặp nhiều vướng mắc lúng túng với hàng tồn kho, công nợ cũ, dữ liệu đầu vào, đầu ra không đồng bộ; kế toán của công ty luôn lo lắng vì mức phạt cao…
“Cần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ kinh doanh, đã kê khai là kê khai toàn bộ. Khi các hộ kê khai sẽ được giảm các chi phí hoạt động, giống như các doanh nghiệp mới thành lập đang được áp dụng 3 năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo ra sự công bằng”, bà Ly kiến nghị.
Theo khảo sát của VCCI, khó khăn chính mà hộ kinh doanh đang gặp phải khi triển khai hóa đơn điện tử, như thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ với tỷ lệ 73%; 53% lo ngại thủ tục phức tạp; 49% gặp rào cản trong thay đổi thói quen kinh doanh; 37% thiếu thời gian tìm hiểu và không có đủ vốn đầu tư thiết bị. Ngoài ra, một bộ phận hộ kinh doanh cũng bày tỏ lo ngại về bảo mật dữ liệu khi chuyển sang môi trường số.

Nhiều hộ kinh doanh cho biết, khi áp dụng chuyển từ thuế khoán sang kê khai đang gặp nhiều vướng mắc
Trước những khó khăn này VCCI khuyến nghị, cần chủ động truyền thông toàn diện, dễ hiểu và đúng đối tượng, đặc biệt với nhóm hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ở khu vực nông thôn hoặc ngành nghề có tỷ lệ nhận biết thấp. Cơ quan thuế được đề xuất xây dựng các tài liệu hướng dẫn trực quan như sổ tay, infographic, quy trình minh họa… để hộ kinh doanh dễ nắm bắt và triển khai.
Đồng thời tăng cường đối thoại với các hội/hiệp hội để kịp thời nhận diện và tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, cần thiết các chính sách hỗ trợ cụ thể trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt là quy định không hồi tố truy thu nghĩa vụ thuế, xử phạt hoặc tịch thu với giai đoạn trước khi áp dụng hóa đơn điện tử…
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng chuyển đổi không thể chỉ đến từ mệnh lệnh hành chính, cần phải được xây dựng trên cơ sở hiểu biết, đồng thuận và hỗ trợ lẫn nhau. Chính vì thế cần có sự minh bạch trong truyền thông chính sách, sự linh hoạt trong quá trình triển khai và đặc biệt là sự thấu cảm với những khó khăn thực tế mà hộ kinh doanh đang phải trải qua… Từ đó để cùng nhau xây dựng chính sách hiệu quả bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội”, Phó Tổng Thư ký VCCI - ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.