Tiểu thương cần được hỗ trợ bán hàng online
Chợ truyền thống đang bị 'hụt hơi' trong cuộc đua thu hút khách hàng, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chợ truyền thống không chỉ là nơi kinh doanh mà còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Bởi thế, dù đối mặt với nhiều thách thức, việc hỗ trợ tiểu thương thích nghi với chuyển đổi số là điều cấp thiết
Chợ truyền thống ảm đạm
Cùng với cả nước, tại TP. Đà Nẵng sự xuất hiện của hoạt động thương mại điện tử và những thay đổi thói quen tiêu dùng đã đặt ra những thách thức lớn cho sự tồn tại của các chợ truyền thống. Điều này, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, khiến các chợ phải đối mặt với không ít khó khăn. So với hình thức bán hàng trực tuyến, việc kinh doanh tại chợ truyền thống ngày càng ảm đạm và vắng khách do xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thay đổi.
Đặc biệt, Đà Nẵng đang là địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển đổi số. Xu hướng tiêu dùng cũng chuyển từ ưu tiên giá rẻ sang lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; từ mua hàng tại chợ sang mua hàng trực tuyến.
Thực tế, các chợ truyền thống tại địa phương ngày càng mất đi lợi thế cạnh tranh khi nguồn hàng không có nhiều đổi mới. Nhiều chợ đang bị cạnh tranh bởi các siêu thị và môi trường kinh doanh trực tuyến. Một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu) chia sẻ: “Xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Lượng khách hàng của tôi đã giảm mạnh trong hơn một năm qua khi thương mại điện tử bùng nổ. Tôi hiểu rằng đây là xu hướng chung, bởi chính tôi và gia đình cũng đã chuyển sang mua sắm online”.
Để cải thiện doanh số, nhiều tiểu thương ở thành phố đã triển khai việc livestream trên mạng xã hội, chạy quảng cáo, quay và dựng video đăng tải trên TikTok… để tiếp cận với các nguồn khách hàng. Bà Trần Thị Liên, chủ quầy hoa quả tại chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết: “Sau khi triển khai bán hàng qua mạng xã hội, lượng khách hàng tăng rõ rệt. Nếu tiểu thương không ứng dụng công nghệ, rất khó để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay”.
Ông Trần Công Nguyên, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhận định: “Để giữ chân người tiêu dùng trong kỷ nguyên số, các chợ truyền thống cần nhanh chóng đổi mới, thích ứng với xu thế và nâng cấp hoạt động kinh doanh. Tiểu thương cần tập trung xây dựng nền tảng vận hành vững mạnh, ứng dụng công nghệ số và triển khai thương mại điện tử hiệu quả”.
Bà con cần được hỗ trợ
Thực tế cho thấy, tiểu thương ở các chợ truyền thống vẫn có tiềm năng lớn trong việc phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, để họ thành công cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và các chương trình đào tạo thực tiễn, cụ thể như: hỗ trợ kỹ năng, chi phí tham gia sàn thương mại điện tử và xây dựng thương hiệu…
Tại quận Liên Chiểu, hiện có 10 chợ truyền thống, trong đó có chợ Hòa Khánh (chợ loại I), chợ Hòa Mỹ và chợ Nam Ô (chợ loại II) cùng 6 chợ loại III do phường quản lý. Phần lớn tiểu thương tại các chợ này chỉ sử dụng mạng xã hội để bán hàng hoặc quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, sử dụng các nền tảng trực tuyến và chưa có kinh nghiệm tương tác khi livestream.
Đại diện Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử, nâng cao nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho tiểu thương. Ban quản lý cũng sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, cung cấp thiết bị và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng quản lý bán hàng, nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm phương thức thanh toán hiện đại.
Trước đó, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đã tổ chức tập huấn về văn minh thương mại, ứng dụng chuyển đổi số và livestream bán hàng cho tiểu thương tại 4 chợ loại I, gồm: chợ Đống Đa, chợ Cồn, chợ Hàn và chợ đầu mối Hòa Cường. Chương trình đã hướng dẫn quy trình livestream trên TikTok, cách tạo tài khoản, cập nhật hàng hóa và tương tác với người mua. Đây là nỗ lực giúp tiểu thương tiếp cận thông tin, cập nhật kỹ năng bán hàng hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và thích ứng với xu hướng mới.
Bà Trần Thị Thu, tiểu thương tại chợ Cồn, chia sẻ: “Thời gian qua, sức mua ở chợ không khả quan. Nhờ được tập huấn về livestream bán hàng, tôi đã thử áp dụng các nền tảng như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm. Tiểu thương chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ, hy vọng việc kinh doanh tại chợ sẽ cải thiện hơn trong thời gian đến.”
Đại diện Sở Công Thương thành phố cho biết, trong thời gian qua, ngành công thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiểu thương nâng cao kỹ năng bán hàng, từng bước tháo gỡ khó khăn, đồng thời góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của ngành công thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Có thể nói, chợ truyền thống đang bị “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút khách hàng, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chợ truyền thống không chỉ là nơi kinh doanh mà còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Bởi thế, dù đối mặt với nhiều thách thức, việc hỗ trợ tiểu thương thích nghi với chuyển đổi số là điều cấp thiết để bảo tồn và phát triển mô hình chợ truyền thống trong thời đại mới.