'Lợi thế đi sau - tiến vượt': Cơ hội vàng để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển hiện đại

Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lịch sử chưa từng có. Sự thay đổi nhanh chóng của logic phát triển toàn cầu, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã tạo ra một sân chơi mới, nơi các quốc gia có thể rút ngắn khoảng cách phát triển một cách nhanh chóng. 'Lợi thế đi sau - tiến vượt' chính là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia phát triển hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Lý luận cơ bản, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã có bài viết về vấn đề này:

Đổi mới tư duy và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Để tận dụng “Lợi thế đi sau” cần khắc phục “Điểm nghẽn” để có thể “Tiến vượt” đó chính là: Cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính. Nội dung này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XV vừa qua. Cùng đó, Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 xác định 6 nội dung, trong đó mục tiêu hàng đầu là Cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính.

Bởi thế, nhận diện và đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển là bước đi đầu tiên vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng tối đa “Lợi thế đi sau - tiến vượt”. Từ đó, đưa ra những hành động và định hướng phù hợp, tạo nên những bước ngoặt mới. Vậy những hành động và định hướng ưu tiên nào cần được quan tâm?

Trước hết, đó chính là việc đổi mới tư duy và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đổi mới tư duy chính là việc cần thay đổi căn bản tư duy về phát triển, từ tư duy theo đuổi tăng trưởng số lượng, sang tư duy theo đuổi tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Trong khi đó, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là việc tập trung vào nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư chất lượng cao.

Tiếp đến chúng ta cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục. Trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc Mầm non đến Đại học, đặc biệt chú trọng vào giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Song song đó, cần xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, tạo điều kiện để người tài phát triển, thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Mục tiêu tiếp theo đó chính là xây dựng hạ tầng số hiện đại, kết nối toàn diện, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số. Cùng đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ… Đặc biệt, cần hướng đến sự phát triển bền vững về môi trường, nông nghiệp, đô thị với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều quan trọng nữa trong việc đổi mới tư duy đó chính là vấn đề cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Trong đó, cần rút gọn các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của các cán bộ, công chức.

Cần lộ trình rõ ràng, cụ thể với các chỉ số đánh giá hiệu quả

Để đạt được những mục tiêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cần có một lộ trình rõ ràng, cụ thể, với các chỉ số đánh giá hiệu quả. Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức chưa từng có. Để tận dụng tối đa thời cơ lịch sử và vượt qua những khó khăn, chúng ta cần có những điều kiện, năng lực, tầm nhìn và cách tiếp cận mới.

Về điều kiện cần thiết chúng ta phải có được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định, hệ thống ngân hàng vững mạnh là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững. Chúng ta cũng cần phải có một hạ tầng hiện đại với hệ thống giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, phải có một thể chế hoàn thiện, minh bạch, thủ tục hành chính đơn giản; đồng thời, phải huy động tối đa các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm.

Vậy tầm nhìn chiến lược đối với vấn đề đổi mới tư duy và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là gì? Đó chính là xây dựng một tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của đất nước, xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển; linh hoạt, thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội và quốc tế… Quan trọng nhất đó là hoàn thành nhiệm vụ, các mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra để tạo tiền đề, điều kiện mở ra bước phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời, cụ thể hóa tư tưởng, thông điệp trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm thành đường lối để lãnh đạo dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Cơ hội tiềm năng từ “Lợi thế đi sau”

Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lịch sử chưa từng có. Sự thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã tạo ra một sân chơi mới, nơi các quốc gia có thể rút ngắn khoảng cách phát triển một cách nhanh chóng. “Lợi thế đi sau - tiến vượt” chính là cơ hội vàng để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia phát triển hiện đại.

 “Lợi thế đi sau” giúp Việt Nam tận dụng được những tiến bộ về Khoa học kỹ thuật vươn mình phát triển.

“Lợi thế đi sau” giúp Việt Nam tận dụng được những tiến bộ về Khoa học kỹ thuật vươn mình phát triển.

Cơ hội tiềm năng từ “Lợi thế đi sau” đó chính là học hỏi từ những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước đi trước, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất và kinh doanh, bỏ qua giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống; Có thể thấy, việc đưa ra những cam kết trở thành nước phát triển hiện đại, thu nhập cao, “thế lực công nghiệp bán dẫn toàn cầu” thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tận dụng tối đa lợi thế đi sau. Những cam kết này không chỉ tạo động lực cho quá trình phát triển mà còn giúp Việt Nam thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế; đẩy mạnh cải cách và xây dựng chính sách phù hợp để phát triển.

Để hiện thực hóa những cam kết này, Việt Nam cần:

Đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động; Phát triển hạ tầng hiện đại, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; Cải cách, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư để phát triển bền vững...

Bên cạnh những “Lợi thế đi sau”, cũng tồn tại không ít thách thức, do đó, để vượt qua những thách thức đưa Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia phát triển hiện đại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tập trung giải quyết các điểm “nghẽn” lớn về thể chế, hạ tầng và nhân lực; giải quyết các vấn đề này phải bắt đầu bằng công tác tư tưởng, toàn Đảng, toàn dân một ý chí, một hành động để thực hiện. Phải có tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc và dám hy sinh, dám tiến lên; dám hy sinh lợi ích bản thân, lợi ích cục bộ vì quốc gia, dân tộc, vì tập thể, cộng đồng.

Cơ sở lý luận và thực tiễn kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm đó là: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loi-the-di-sau--tien-vuot-co-hoi-vang-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-phat-trien-hien-dai-post327519.html
Zalo