Tiêu thụ thép xây dựng gần đỉnh 3 năm, kỳ vọng sôi động trong quý IV

Tiêu thụ thép xây dựng tháng 10 tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,25 triệu tấn. Mức tiêu thụ này thậm chí cao hơn so với tháng 10/2021 - thời kỳ đỉnh cao của ngành thép. Thị trường thép được kỳ vọng sẽ sôi động hơn vào quý IV nhờ việc đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng.

Thị trường phục hồi, thép xây dựng là điểm sáng

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm các loại trong tháng 10 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng bán hàng đạt 2,7 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng cao hơn so với sản xuất 100.000 tấn, đồng thời tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn cho thấy tín hiệu tích cực của ngành thời gian dài ảm đạm.

Theo VSA, trong tháng 10, thị trường thép trong nước ghi nhận những tác động tích cực từ nhu cầu về tôn mạ, thép xây dựng để lợp lại nhà cửa, sửa chữa các công trình bị hư hỏng của cơn bão Yagi và một số cơn bão miền Trung trong tháng 9.

Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng (chiếm khoảng 45% tỷ trọng các sản phẩm thép) là điểm sáng khi tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,25 triệu tấn. Mức tiêu thụ này thậm chí cao hơn so với tháng 10/2021 - thời kỳ đỉnh cao của ngành thép.

VSA cho biết lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 10 chủ yếu cung cấp cho các công trình, mảng dân dụng vẫn còn ở mức thấp.

Tương tự, tiêu thụ thép cán nguội, tôn mạ, ống thép đều tăng trưởng hai chữ số 30 - 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Thép cuộn cán nóng (HRC) là mặt hàng duy nhất đi ngược xu hướng với mức giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm hơn một nửa.

Tính chung 10 tháng, lượng bán hàng thép các loại đạt 24,4 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự phục hồi của ngành thép diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương gần đây đưa ra một loạt biện pháp phòng vệ thương mại.

Mới đây nhất, ngày 24/10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (từ ngày 24/10/2024 đến ngày 23/10/2029). Mức thuế áp dụng cho các công ty Trung Quốc cao nhất là 34,27% và Hàn Quốc là 19,25%.

Trước đó, vụ việc này được khởi xướng điều tra từ năm 2018. Đến ngày 24/10/2019, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ màu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong một động thái liên quan, hồi tháng 6, Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc AD19).

Thời kỳ điều tra hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2023.

Bên yêu cầu điều tra là 5 doanh nghiệp gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đã cung cấp chứng cứ về hành vi bán phá giá và đề nghị điều tra, xác định biên độ bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là 69,23% và Hàn Quốc là 3,41%.

Cuối tháng 7, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Bộ Công Thương cho biết bên yêu cầu điều tra đã cung cấp các cơ sở chứng cứ để chúng minh hành vi bán phá giá của hàng hóa, xác định biên độ phá giá của HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc ở mức 27,83%.

Thị trường sôi động hơn vào quý IV và phục hồi trong năm 2025

Với tình hình hiện tại, VSA dự báo trong các tháng còn lại của năm 2024, các chính sách hỗ trợ tái thiết và phục hồi sau bão của Chính phủ sẽ tác động đến nhu cầu của thép. Quý IV cũng là thời điểm thích hợp triển khai, đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng. Đồng thời thị trường thép xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn.

“Tính chung cả năm 2024, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép có thể đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023”, VSA nhận định.

Trong báo cáo mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng kỳ vọng thị trường nội địa sẽ sôi động hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho rằng thị trường thép trong nước còn tiềm ẩn nhiều thách thức do tác động chung của thị trường thép thế giới và nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn chưa thực sự phục hồi.

Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề đáng lo ngại như lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, bất ổn địa chính trị... Đặc biệt, sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản của Trung Quốc tác động lớn tới nhu cầu trong nước buộc nước này tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, tạo áp lực cạnh tranh lớn lên các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Xét về triển vọng dài hơn, trao đổi với chúng tôi bên lề Diễn đàn Đầu tư 2025 do VietnamBiz tổ chức, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng trong năm sau ngành thép sẽ được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi ngành bất động sản và thúc đẩy đầu tư công. Đà phục hồi của thị trường thép này có thể kéo dài trong 2 - 3 năm tới.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng giá thép khó lòng quay trở lại xu hướng tăng do còn phải phụ thuộc vào diễn biến tại thị trường Trung Quốc. Trong quá khứ, chu kỳ giảm của giá thép Việt Nam và thế giới chỉ diễn ra khoảng 2 năm nhưng ở chu này đã kéo dài tới 3 năm. Ở thị trường Trung Quốc, nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp, khoảng 900 triệu tấn.

“Điều này ảnh hưởng đến việc giá thép khó phục hồi mạnh. Tuy nhiên, giá cũng khó lòng giảm sâu vì hiện công suất của Trung Quốc cũng đã giảm khá nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có yếu tố hỗ trợ về giá liên quan đến biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc. Nếu xảy căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể có gói kích thích nền kinh tế trong nước”, ông Châu nói.

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tieu-thu-thep-xay-dung-gan-dinh-3-nam-ky-vong-soi-dong-trong-quy-iv.html
Zalo