Tiểu hành tinh 'sát thủ thành phố' liên tục thay đổi khả năng va chạm với Trái đất

Tiểu hành tinh 2024 YR4, có biệt danh là 'sát thủ thành phố' và được phát hiện vào cuối năm 2024, hiện là tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất cao nhất từng được ghi nhận.

Dữ liệu ban đầu từ NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho thấy 2024 YR4 có khả năng va vào Trái đất vào ngày 22/12/2032. Xác suất va chạm do NASA tính toán hôm 18/2 là 3,1%, trong khi ESA đưa ra con số 2,8%.

Đây là tỷ lệ cao hơn so với bất kỳ tiểu hành tinh nào từng được ghi nhận, bao gồm Apophis năm 2004 với xác suất 2,7% trước khi bị loại trừ nguy cơ.

Tuy nhiên cập nhật mới từ NASA vào ngày 19/2 cho thấy khả năng va chạm đã giảm xuống còn 1,5% theo những quan sát mới khi trăng tròn đã qua. Điều này cho thấy quá trình theo dõi liên tục có thể phát hiện sớm mức rủi ro thay đổi.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là một thảm họa chắc chắn xảy ra và các quan sát tiếp theo có thể giúp loại trừ nguy cơ này.

 Tiểu hành tinh 2024 YR4 được quan sát bởi kính viễn vọng Magdalena Ridge 2,4m tại Viện Công nghệ New Mexico vào ngày 27/1. Ảnh: NASA/Kính viễn vọng Magdalena Ridge 2,4m

Tiểu hành tinh 2024 YR4 được quan sát bởi kính viễn vọng Magdalena Ridge 2,4m tại Viện Công nghệ New Mexico vào ngày 27/1. Ảnh: NASA/Kính viễn vọng Magdalena Ridge 2,4m

Tiểu hành tinh 2024 YR4 có đường kính ước tính từ 40 đến 90 mét, tương đương một tòa nhà cao tầng. Mặc dù nhỏ hơn so với Apophis (350 mét), nó vẫn đủ lớn để gây ra thiệt hại nghiêm trọng nếu va chạm.

Với tốc độ gần 64.000 km/h, nếu rơi xuống Trái đất, nó có thể phát nổ trên không với sức công phá khoảng 8 megaton TNT, mạnh hơn 500 lần bom nguyên tử Hiroshima.

Theo các nhà khoa học, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là một vụ nổ trên không, nhưng nếu kích thước của nó nằm ở mức cao nhất trong ước tính, một hố va chạm cũng có thể được tạo ra.

2024 YR4 được phát hiện vào ngày 27/12/2024 bởi Đài quan sát El Sauce ở Chile. Ngay sau đó, Mạng lưới Cảnh báo Tiểu hành tinh Quốc tế (IAWN) đã phát đi cảnh báo vào ngày 29/1 khi xác suất va chạm vượt 1%. Đây là lần đầu tiên một tiểu hành tinh vượt qua ngưỡng này kể từ Apophis.

Các nhà thiên văn học đang theo dõi tiểu hành tinh này chặt chẽ bằng nhiều kính viễn vọng, bao gồm cả Kính viễn vọng Không gian James Webb, dự kiến sẽ tập trung quan sát nó vào tháng 3 năm nay. Những quan sát này sẽ giúp xác định chính xác hơn quỹ đạo của nó, đồng thời làm rõ thành phần vật chất, giúp đánh giá mức độ nguy hiểm.

Nếu khả năng va chạm tiếp tục tăng và vượt 10%, IAWN sẽ đưa ra cảnh báo chính thức tới các quốc gia có thể nằm trong vùng ảnh hưởng để chuẩn bị biện pháp ứng phó.

Mặc dù 2024 YR4 đang là tiểu hành tinh nguy hiểm nhất từng được ghi nhận, nhưng tin tốt là vẫn còn nhiều thời gian để hành động. Năm 2022, NASA đã thử nghiệm thành công nhiệm vụ DART, trong đó một tàu vũ trụ va chạm với tiểu hành tinh Dimorphos để làm lệch quỹ đạo của nó. Đây là minh chứng rằng con người có thể tác động đến đường đi của các thiên thể.

Ngoài phương pháp va chạm, các nhà khoa học còn nghiên cứu nhiều giải pháp khác như sử dụng tia laser làm bốc hơi một phần bề mặt để tạo lực đẩy, kéo tiểu hành tinh bằng lực hấp dẫn của tàu vũ trụ, hoặc thậm chí dùng vụ nổ hạt nhân như biện pháp cuối cùng.

Hoài Phương (theo NASA, France24, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tieu-hanh-tinh-sat-thu-thanh-pho-lien-tuc-thay-doi-kha-nang-va-cham-voi-trai-dat-post335340.html
Zalo