Tiết lộ bức thư Ukraine thúc giục NATO kết nạp thành viên
Theo Reuters, nội dung một bức thư của Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha cho thấy nước này đang thúc giục các đối tác NATO gửi lời mời Kiev tham dự một cuộc họp ở Brussels vào tuần tới để sớm gia nhập liên minh quân sự này.
Nội dung bức thư gửi tới người đứng đầu cơ quan ngoại giao của NATO đã phản ánh nỗ lực mới của Ukraine nhằm đảm bảo lời mời gia nhập NATO sớm nhất có thể. Đây được xem là một phần của "kế hoạch chiến thắng" được Tổng thống Ukraine Zelenskiy vạch ra vào tháng trước để chấm dứt cuộc chiến giữa hai nước Nga và Ukraine hiện nay.
Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022 và tháng 7/2024. Tuy NATO khẳng định "con đường không thể đảo ngược” của Ukraine hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào Euro-Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO nhưng đến nay Ukraine chưa nhận được bất kỳ tin tức chắc chắn nào về việc gia nhập trong tương lai.
Tổng thống Zelenskiy nhận định việc trao cho Ukraine tư cách thành viên NATO trong khi vẫn tạm thời chấp nhận Nga chiếm đóng lãnh thổ của nước này có thể là giải pháp chấm dứt "giai đoạn nóng" của cuộc chiến kéo dài 33 tháng.
Ukraine chấp nhận không thể tham gia liên minh cho đến khi chiến tranh kết thúc nhưng việc NATO gửi lời mời và đánh tín hiệu vào thời điểm này sẽ khiến cho Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể đạt được một trong những mục tiêu chính của mình - ngăn cản Kiev trở thành thành viên NATO.
Trong bức thư, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Sybiha nêu rõ: "Lời mời này không nên được coi là hành động leo thang căng thẳng. Ngược lại, với sự nhận thức rõ ràng về việc Ukraine gia nhập NATO là điều tất yếu, Nga sẽ mất đi một trong những lý do chính để tiếp tục cuộc chiến phi lý này. Tôi kêu gọi ngài ủng hộ quyết định mời Ukraine gia nhập Liên minh như một trong những kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào ngày 3-4/12/2024".
Tổng thống Zelenskiy nói: "Không ai đề nghị chúng tôi gia nhập NATO cho một phần này hay một phần khác của Ukraine. Thực tế là, đây là giải pháp để ngăn chặn giai đoạn nóng của cuộc chiến vì chúng tôi có thể được trao tư cách thành viên NATO cho phần Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi". Phát biểu trên ám chỉ tư cách thành viên NATO của Ukraine ban đầu có thể chỉ áp dụng cho phần Ukraine đang kiểm soát.
Ông cũng nhấn mạnh: "Nhưng lời mời gia nhập phải được đưa ra cho Ukraine trong phạm vi toàn bộ lãnh thổ được quốc tế công nhận. Đó là điều chúng ta cần làm nhanh chóng và sau đó Ukraine có thể giành lại phần lãnh thổ còn lại của mình một cách ngoại giao".
Phó Thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna cho rằng Kiev hiểu rõ vẫn chưa có sự đồng thuận về lời mời gia nhập NATO nhưng bức thư trên nhằm gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ từ nước này.
Về phía NATO, Liên mình này cho biết chưa có sự đồng thuận giữa tất cả các thành viên trong việc mời Ukraine gia nhập vào thời điểm này. Bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ cần sự đồng ý của tất cả 32 quốc gia thành viên NATO.
Trong khi đó về tình hinh chiến sự, ngày 28/11, Nga đã phát động đợt tấn công lớn thứ hai vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra tình trạng cắt điện trên khắp cả nước. Quân đội Nga cũng đang giành thế chủ động trên chiến trường ở phía Đông Ukraine khi kiểm soát được một khu vực rộng lớn và với tốc độ tiến công được đánh giá là nhanh nhất từ trước đến nay.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới có thể nhắm vào Kiev nếu Ukraine tiếp tục sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây. Ông Putin cho biết các cuộc không kích vào Ukraine là “phản ứng” của Moskva trước các cuộc tấn công của Kiev bằng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.
Ông Putin cũng đe dọa phóng tên lửa đạn đạo tầm trung mới Oreshnik vào thủ đô Kiev của Ukraine. Hôm 27/11, các nguồn tin Liên bang Nga cho biết nước này đã chính thức đóng cửa không phận đối với các chuyến bay qua bãi thử Kapustin Yar, nơi chuyên thử nghiệm các loại tên lửa, cũng là điểm xuất phát của tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik đã tấn công vào doanh nghiệp Yuzhmash ở Dnipro tại Ukraine.