Tiết học đầy cảm xúc giúp cô giáo Gen Z mang về giải Nhất cấp quận

Tiết Hoạt động trải nghiệm 'Tự hào truyền thống quê hương' đầy cảm xúc, giúp cô giáo Gen Z xuất sắc đoạt giải nhất thi giáo viên dạy giỏi cấp quận.

Cô Bùi Minh Anh và học trò trong tiết Hoạt động trải nghiệm “Tự hào truyền thống quê hương” .

Cô Bùi Minh Anh và học trò trong tiết Hoạt động trải nghiệm “Tự hào truyền thống quê hương” .

Bài dạy như hành trình học sinh được khám phá, trải nghiệm, bày tỏ

Trong buổi lễ tổng kết và vinh danh cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tiêu biểu năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) sáng 28/5, cô Bùi Minh Anh là một giáo viên vinh dự được tuyên dương.

Tuổi đời còn rất trẻ, vốn là học sinh chuyên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm, bằng đại học xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, cô giáo sinh năm 2000 đã nhanh chóng khẳng định mình trong ngôi trường có không ít gương mặt nổi bật. Thành tích mới nhất cô đạt được là giải Nhất giáo viên dạy giỏi Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp quận năm học 2024 - 2025.

Chia sẻ về bài dạy mang về cho mình giải thưởng này, cô Bùi Minh Anh cho biết, mình đã chọn thiết kế bài dạy như một cuộc hành trình, nơi học sinh vừa khám phá, vừa trải nghiệm, vừa được bày tỏ suy nghĩ và hành động.

Điểm nhấn lớn nhất là việc chuyển giao quyền làm chủ hoạt động cho học sinh. Các em thực hiện dự án nhóm: Thiết kế sản phẩm truyền thông (poster, mô hình, tiểu phẩm...) giới thiệu một nét đẹp truyền thống, từ làng nghề, nghệ thuật dân gian đến truyền thống yêu nước. Mỗi nhóm đều được nói lên tiếng nói của mình, thể hiện được sự sáng tạo riêng biệt.

“Rất bất ngờ khi tôi chia sẻ câu chuyện “Chuyến phà cuối cùng trên sông Hồng”, các em học sinh đã rưng rưng trong niềm tự hào, sau đó tự viết thông điệp bảo vệ truyền thống”, cô Bùi Minh Anh nhớ lại.

 Trong tiết học, học sinh được khám phá, trải nghiệm, được bày tỏ suy nghĩ và hành động.

Trong tiết học, học sinh được khám phá, trải nghiệm, được bày tỏ suy nghĩ và hành động.

Với tiết dạy này, cô Bùi Minh Anh cho biết, bản thân gặp khó khăn lớn nhất là làm sao cân bằng giữa cảm xúc và mục tiêu giáo dục. Tiết học không thể chỉ vui mà còn phải thấm. Cuối cùng, cô chọn cách đan cài thực tiễn, văn hóa và dòng chảy cảm xúc tự nhiên, để mỗi hành động nhỏ của học sinh đều tạo nên ý nghĩa lớn.

Tiết học khép lại bằng một hoạt động vận dụng lập kế hoạch xây dựng kênh truyền thông lan tỏa giá trị truyền thống trên nền tảng số.

“Khi học sinh biết rằng “bản sắc Việt” có thể lan rộng từ chính sản phẩm mình sáng tạo ra, các em đã thực sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.

Thông điệp em muốn gửi gắm qua tiết học này là: “Truyền thống không chỉ là quá khứ để trân trọng, mà còn là tương lai để tiếp nối. Và chính - học sinh - những người trẻ Việt Nam - sẽ là người viết tiếp câu chuyện đó", cô Bùi Minh Anh chia sẻ.

 Tiết dạy giúp cô giáo trẻ giành giải Nhất giáo viên dạy giỏi Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp quận năm học 2024 - 2025.

Tiết dạy giúp cô giáo trẻ giành giải Nhất giáo viên dạy giỏi Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cấp quận năm học 2024 - 2025.

Dạy Hoạt động trải nghiệm là một hành trình “gieo hạt”

Trong Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 - 12.

Điểm mới của chương trình hoạt động trải nghiệm thể hiện ở mục tiêu và cách tiếp cận trong xây dựng chương trình; nội dung chương trình hoạt động; yêu cầu về tổ chức các loại hoạt động; đặc biệt mới ở đánh giá kết quả hoạt động khi thực hiện chương trình.

Để dạy tốt Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - một môn học mới vô cùng nhân văn, cô Bùi Minh Anh cho rằng, trước tiên giáo viên cần thực sự tin đây không phải tiết sinh hoạt đổi tên, mà là một hành trình định hướng nhân cách sống cho học sinh.

Khi đã có niềm tin ấy, mỗi tiết học sẽ không còn là lý thuyết khô khan, mà trở thành một khoảng trời để học sinh được sống thật, làm thật, sai thật và lớn lên thật sự.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt về học liệu, mô hình mẫu và kỹ năng tổ chức hoạt động có chiều sâu. Nhưng tôi tin, nếu giáo viên chịu khó quan sát học trò, lấy chính những vấn đề các em đang gặp phải để thiết kế hoạt động, thì Hoạt động trải nghiệm sẽ không còn là thách thức, mà là cơ hội để gắn trường học với cuộc sống”, cô giáo Gen Z bày tỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm, cô Bùi Minh Anh cho biết, mình thường vận dụng linh hoạt các tình huống thực tế, tích hợp liên môn, kết hợp đánh giá bằng nhật ký trải nghiệm, phản hồi cảm xúc, sản phẩm sáng tạo, để mỗi học sinh được lắng nghe, được nhìn thấy và được phát triển.

Trong tổ chức dạy học, cô giáo trẻ thường bám sát năng lực cần hình thành ở học sinh trong từng chủ đề, rồi tự đặt câu hỏi: "Nếu em là học sinh, em muốn trải nghiệm điều gì để hiểu giá trị này?"; để từ đó xây dựng tình huống thực tế, sát với đời sống lứa tuổi.

Ví dụ: Khi dạy chủ đề Kết nối gia đình, thay vì kể chuyện hay thảo luận chung chung, cô để học sinh viết thư xin lỗi bố mẹ vì một lỗi nhỏ từng mắc phải rồi chia sẻ lại cảm xúc sau khi gửi.

Cô cũng luôn tạo khoảng trống cảm xúc cuối tiết học: Cho học sinh viết nhanh một dòng tâm sự hoặc điều muốn thay đổi. Đó là nơi các em thật sự “đối thoại với chính mình”.

 Niềm vui của cô trò sau tiết học.

Niềm vui của cô trò sau tiết học.

Cho rằng, khó khăn lớn nhất mà bản thân và nhiều giáo viên gặp phải là chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn cụ thể, loay hoay giữa "tổ chức cho vui" và "đạt mục tiêu giáo dục", việc đánh giá năng lực trải nghiệm còn mơ hồ, cô Bùi Minh Anh đã tìm được hướng đi, khắc phục những rào cản này.

Giải pháp được cô chia sẻ là tự tạo ngân hàng hoạt động phù hợp với từng chủ đề, từng khối lớp, tích hợp với các môn khác (Ngữ văn, Sinh học, Giáo dục công dân…). Dùng phản hồi đa chiều: Nhật ký trải nghiệm, biểu đồ cảm xúc, phiếu tự đánh giá và đánh giá chéo.

Cùng với đó, cô cũng chia sẻ, học hỏi từ đồng nghiệp bằng việc quay lại một phần hoạt động lớp mình để cả tổ chuyên môn phân tích, góp ý, cải tiến.

“Điều khiến tôi xúc động nhất là có những học sinh trầm lặng đã bật khóc khi được lắng nghe; có bạn lần đầu dám đứng lên nói “con xin lỗi bố mẹ”. Những giây phút ấy khiến tôi tin rằng: Hoạt động trải nghiệm không dừng lại ở tiết học, mà len lỏi vào đời sống tâm hồn học trò.

Dạy Hoạt động trải nghiệm là một hành trình gieo hạt. Và thật may mắn, tôi được nhìn thấy hạt giống lòng tự trọng, trách nhiệm, yêu thương… nảy mầm từ chính học sinh của mình”, cô Bùi Minh Anh bày tỏ.

Trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) tổng kết và vinh danh cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tiêu biểu năm học 2024 - 2025.

Sáng 28/5, cùng cô giáo Bùi Minh Anh, nhiều học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2024 - 2025 của Trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã được vinh danh. Trong đó có những học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quận; giải Hội thi Tin học trẻ cấp Quận và các kỳ thi chuyên đề cấp thành phố, quốc gia, quốc tế; giải thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII năm 2025; cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên nhi đồng…

Giáo viên nhà trường đạt: 1 giải nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (môn Lịch sử và Địa lí - phân môn Địa lí); 1 giải nhất cấp quận Hội thi Giáo viên dạy giỏi; 2 giải nhì môn Khoa học tự nhiên và môn Tiếng Anh; 3 giáo viên có sáng kiến được Hội đồng sáng kiến khoa học của thành phố công nhận; 3 giáo viên được nhận danh hiệu sáng kiến sáng tạo quận Cầu Giấy.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tiet-hoc-day-cam-xuc-giup-co-giao-gen-z-mang-ve-giai-nhat-cap-quan-post733046.html
Zalo