Tiết canh, rau sống: Những hiểm họa khó lường

Những năm qua, trên cả nước nói chung, tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng vẫn xuất hiện những trường hợp tử vong do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Gần đây nhất là trường hợp một người ở huyện Định Hóa sau 3 ngày ăn tiết canh đã tử vong (ngày 9-8), đây là trường hợp thứ 2 tử vong trong năm nay do nhiễm loại vi khuẩn này. Cơ quan y tế tiếp tục khuyến cáo mọi người cần nêu cao ý thức trong chế biến và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng…

Nhiều trường hợp nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh (ảnh minh họa).

Nhiều trường hợp nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh (ảnh minh họa).

Từ thực tế có thể thấy, mặc dù đã có rất nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, hay giun sán… nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan khi không ăn chín, uống sôi. Đặc biệt là nhiều người có thói quen ăn tiết canh, thịt chưa nấu chín (như nem chua, nem chạo...).

Theo bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Trong những năm gần đây, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, năm nhiều lên tới 7-8, thậm chí là 10 người. Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm, cơ quan y tế của tỉnh đã khuyến cáo người dân thay đổi những thói quen không có lợi cho sức khỏe, cần ăn uống đảm bảo vệ sinh, giữ môi trường sống sạch sẽ để phòng chống sự xâm nhập của loại vi khuẩn này.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết: Những bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn thường có các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với lợn, dê, ngựa có chứa vi khuẩn liên cầu lợn, kể cả ở những con vật khỏe mạnh. Trong quá trình giết mổ, vi khuẩn từ vùng họng con vật có thể vấy bẩn lên tiết canh, hoặc thâm nhập vào các bộ phận khác trên cơ thể. Người ăn những bộ phận này chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Những người khi đã bị nhiễm khuẩn thường có diễn biến nhanh, dẫn đến bệnh nặng, có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, suy đa tạng, rối loạn đông máu… Về việc nhiều người cùng ăn tiết canh, thịt chưa được chế biến kỹ hoặc cùng tiếp xúc với động vật gây bệnh nhưng có người mắc, người không, hoặc người diễn biến nặng, người chỉ có triệu chứng nhẹ, theo các bác sĩ là do sức đề kháng của mỗi người. Thậm chí có những người bị nhiễm mà không hề có biểu hiện của bệnh, nhưng họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ tiết canh lợn, vịt, dê nhà nuôi là sạch, nên "vô tư" ăn, mà không hiểu rằng, đây mới là những con vật "bẩn". Do được nuôi với quy mô nhỏ lẻ nên chúng hầu như không được người nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin, đặc biệt là “bạ đâu ăn đấy” nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, giun sán rất lớn. Quan niệm “sạch” ở đây có chăng chỉ là ít tồn dư hóa chất.

Theo các bác sĩ, ăn tiết canh không hề mát hay bổ huyết, cũng không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người vẫn nghĩ. Một số người thậm chí còn quan niệm tiết canh có màu đỏ nên ăn vào ngày Rằm, mùng một sẽ mang lại may mắn. May mắn đâu không thấy, chỉ thấy có những người dù mới ăn một lần đã bị nhiễm bệnh.

Ăn chín, uống sôi là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mỗi người (ảnh minh họa).

Ăn chín, uống sôi là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe của mỗi người (ảnh minh họa).

Ngoài tiết canh, thịt tái, nhiều người còn có thói quen ăn gỏi cá, rau sống… Và đây được cho là nguyên nhân đưa ấu trùng sán di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh. Đã có những người được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác lại là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán. Khi mắc ký sinh trùng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm túi mật, áp-xe gan, viêm đường mật cấp tính hoặc tụ máu dưới bao gan…

Để phòng tránh các bệnh lây truyền kể trên, mọi người cần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như giữ môi trường sống sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh; không ăn thức ăn chưa nấu chín, nhất là tiết canh, thịt lợn gạo, rau sống, nhất là các loại rau sống trồng dưới nước như rau ngổ… Trong trường hợp vẫn muốn ăn rau sống, chúng ta cần rửa sạch, rồi ngâm với thuốc tím/nước muối loãng để khử khuẩn. Mỗi người cần tạo thói quen rửa tay sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tẩy giun sán định kỳ…

Khi không may thấy xuất hiện các biểu hiện như sốt, nôn, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết dưới da, ý thức chậm… mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chữa trị kịp thời.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/suc-khoe/202408/tiet-canh-rau-song-nhung-hiem-hoa-kho-luong-04a21a6/
Zalo